Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vietcombank: Lợi nhuận trên 27.000 tỷ đồng, nhận chuyển giao 1 ngân hàng

Thu Nhung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2021, Vietcombank đã hoàn thành xuất sắc kế hoạch kinh doanh, giữ vững vị trí ngân hàng số 1 về chất lượng và hiệu quả hoạt động. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế của Vietcombank năm 2021 đạt 27.389 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2020.

Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Viecombank) ngày 29/4 đã thông qua nhiều mục tiêu quan trọng, trong đó có việc nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng yếu kém.

Giữ vị trí số 1 về chất lượng và hiệu quả hoạt động

Năm 2021, trong bối cảnh phải đối diện với những khó khăn, thách thức chung chưa từng có tiền lệ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 kéo dài với nhiều biến chủng nguy hiểm, Vietcombank đã hoàn thành xuất sắc kế hoạch kinh doanh, giữ vững vị trí ngân hàng số 1 về chất lượng và hiệu quả hoạt động.

Chủ tịch HĐQT Vietcombank Phạm Quang Dũng phát biểu tại Đại hội cổ đông thường niên ngày 29/4/2022
Chủ tịch HĐQT Vietcombank Phạm Quang Dũng phát biểu tại Đại hội cổ đông thường niên ngày 29/4/2022

Theo đó, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của Vietcombank năm 2021 đạt 27.389 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2020. Huy động vốn, tín dụng đều tăng trưởng ở mức cao (tương ứng tăng 9% và 15% so với năm 2020), vượt kế hoạch đề ra, góp phần tích cực cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Chất lượng tín dụng được kiểm soát chặt chẽ, tỷ lệ nợ xấu rất thấp (0,63%), tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu đạt mức cao nhất trong ngành ngân hàng (424%). Đặc biệt, Vietcombank đã trích lập 100% dự phòng rủi ro cho dư nợ cơ cấu, sớm trước 2 năm so với thời hạn quy định của Ngân hàng Nhà nước. Doanh số thanh toán quốc tế lần đầu tiên vượt mốc 100 tỷ đô la Mỹ, giúp thị phần tiếp tục được mở rộng.

Vietcombank đã thực hiện trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 12% và bằng cổ phiếu với tỷ lệ 27,6%, tăng vốn điều lệ lên mức 47.325 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh ấn tượng của Vietcombank đã được thị trường đón nhận rất tích cực, đưa quy mô vốn hóa của ngân hàng đạt 16,7 tỷ đô la Mỹ khi khép lại năm 2021.

Với hiệu quả kinh doanh vượt trội, Vietcombank tiếp tục là ngân hàng có đóng góp lớn nhất cho ngân sách Nhà nước, với quy mô nộp ngân sách gần 11.000 tỷ đồng trong năm 2021. Bên cạnh đó, Vietcombank cũng chủ động tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội (ASXH) vì cộng đồng, thể hiện rõ trách nhiệm xã hội của một thương hiệu lớn. Trong năm 2021, Vietcombank đã thực hiện các chương trình ASXH với tổng số tiền cam kết khoảng 723 tỷ đồng, trong đó ủng hộ phòng chống dịch bệnh Covid-19 số tiền gần 381 tỷ đồng.

Vietcombank đã triển khai một loạt chương trình, hoạt động ủng hộ, ưu đãi, tri ân các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch, đặc biệt là đội ngũ y bác sĩ.

Tiếp nối những thành công trong năm 2021, hoạt động kinh doanh của Vietcombank trong quý I/2022 ghi nhận những kết quả ấn tượng: Quy mô tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành (huy động vốn tăng trưởng 3,7%, tín dụng tăng trưởng 6,9%); Cơ cấu hoạt động tiếp tục chuyển dịch mạnh mẽ theo đúng định hướng, tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn đạt xấp xỉ 35%, dư nợ bán lẻ chiếm trên 55% danh mục tín dụng; Chất lượng tín dụng được kiểm soát hiệu quả, tỷ lệ nợ xấu 0,8%; Hiệu quả kinh doanh cao, quy mô lợi nhuận hợp nhất đạt 9.950 tỷ đồng, tăng trưởng 15,3% so với cùng kỳ.

6 đột phá chiến lược năm 2021

Các chỉ tiêu chính năm 2022 của Vietcombank là: Tổng tài sản tăng 8%; huy động vốn tăng 9%; dư nợ tín dụng tối đa tăng 15%; lợi nhuận trước thuế tăng tối thiểu 12%; tỷ lệ nợ xấu thấp hơn 1,5%; chi trả cổ tức theo phê duyệt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; các tỷ lệ bảo đảm an toàn hoạt động theo quy định hiện hành của NHNN.

Theo Chủ tịch Phạm Quang Dũng, năm 2022, 6 đột phá chiến lược trong hoạt động kinh doanh của Vietcombank là: Triển khai chương trình và kế hoạch hành động chuyển đổi số đúng tiến độ đã được HĐQT phê duyệt; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng nguồn nhân lực thích ứng cho chuyển đổi số, phát triển văn hóa số trong VCB; đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu gắn với chuyển dịch cơ cấu hoạt động theo các trụ cột kinh doanh (bán lẻ, dịch vụ, đầu tư và kinh doanh vốn); phát huy thế mạnh tổng thể của toàn hệ thống VCB; đẩy mạnh công tác phát triển khách hàng, phát triển sản phẩm; hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách; triển khai đúng tiến độ với tinh thần quyết tâm cao nhất phương án tham gia tái cơ cấu một TCTD.

Ba trọng tâm trong chuyển dịch cơ cấu hoạt động kinh doanh gồm: Tăng trưởng tín dụng gắn với chuyển dịch cơ cấu tín dụng hiệu quả bền vững; duy trì, phấn đấu cải thiện tỷ trọng thu nhập phi tín dụng, trọng tâm là thu nhập từ dịch vụ, mở rộng các sản phẩm dịch vụ trên kênh số, nâng cao chất lượng dịch vụ, trải nghiệm của khách hàng, giữ chân khách hàng tạo nền tảng gia tăng thu dịch vụ trong tương lai; cơ cấu danh mục nguồn vốn theo hướng gia tăng hiệu quả.

Đại hội đồng cổ đông Vietcombank cũng sẽ xem xét thông qua chủ trương Vietcombank tham gia tái cơ cấu bằng hình thức nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng yếu kém.

Lãnh đạo Vietcombank khẳng định, việc tham gia tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém là phù hợp với chủ trương của Chính phủ và NHNN nhằm hỗ trợ tổ chức tín dụng được chuyển giao bắt buộc từng bước khôi phục hoạt động bình thường, khắc phục các yếu kém, trở thành ngân hàng có tình hình tài chính lành mạnh, bảo đảm khả năng hoạt động liên tục.