Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vietnam Security Summit 2021: Hàng nghìn cuộc tấn công mạng nhắm vào cơ quan nhà nước, doanh nghiệp

Hà Thanh - Lê Hoàng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Sáng 27/10, Triển lãm quốc tế về An toàn không gian mạng - VietNam Security summit 2021 diễn ra theo hình thức trực tuyến trong hai ngày 27 - 28/10. Đây là sự kiện thường niên được bảo trợ bởi Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông và IEC Group phối hợp tổ chức.

Với chủ đề năm nay là “Bảo đảm An toàn không gian mạng trong kỷ nguyên số: Thách thức và lời giải”, sự kiện sẽ trở thành diễn đàn uy tín giúp các nhà hoạch định chính sách và chiến lược, các chuyên gia đầu ngành, các nhà cung cấp giải pháp hàng đầu trong và ngoài nước gặp gỡ, thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm nhằm nâng cao năng lực ứng phó với các rủi ro an toàn, an ninh mạng phi truyền thống và bảo vệ các hệ thống thông tin quan trọng trong quá trình chuyển đổi số.

 Triển lãm quốc tế về An toàn không gian mạng - VietNam Security summit 2021

Tham dự Triển lãm có ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng, Bộ Thông tin và Truyền thông; Ông Nguyễn Thành Phúc - Cục trưởng, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin; Các chuyên gia Công nghệ và bảo mật đến từ các tập đoàn lớn như: Viettel, Bkav, Kasspersky, Cloudflare hay Frost & Sullivan.

Sự kiện sẽ diễn ra với 1 phiên báo cáo chính về Bảo đảm an toàn không gian mạng trong kỷ nguyên số: Thách thức và lời giải. Ba hội thảo chuyên đề bao gồm, Bảo vệ các hệ thống thông tin trọng yếu, Xu hướng và giải pháp an toàn thông tin mạng cho điện toán đám mây và An toàn thông tin mạng cho hệ thống thông tin doanh nghiệp trong thời kỳ chuyển đổi số. Các diễn giả sẽ thảo luận về vấn đề liên quan đến điện toán đám mây, bảo vệ hệ thống thông tin trọng yếu và hệ thống thông tin doanh nghiệp. Trong khuôn khổ sự kiện sẽ diễn ra hoạt động triển lãm trực tuyến các giải pháp, sản phẩm về an toàn, an ninh mạng từ những nhà cung cấp giải pháp hàng đầu trong nước và quốc tế.

Phát biểu khai mạc sự kiện, Thứ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh về An toàn thông tin (ATTT) trên không gian mạng. ATTT mạng cho các tổ chức cá nhân cho người dân trên không gian mạng là mục tiêu quan trọng nhất mà chúng ta hướng tới và giờ đây là câu chuyện của mọi người. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phổ cập chiến dịch an toàn thông tin mạng cơ bản cho người dân, cung cấp những ứng dụng dịch vụ an toàn thông tin cơ bản trên nền tảng thiết bị di động sẽ được Bộ Thông tin và Truyền thông khai trương trong triển lãm ngày hôm nay.

 Chỉ số An toàn không gian mạng toàn cầu - GCI Việt Nam năm 2020 

Theo dữ liệu từ Global Cybersecurity Index 2020 về chỉ số An toàn không gian mạng toàn câu – GCI 2020 thì Việt Nam đứng thứ 25/194 trên thế giới, trong đó năm 2017 là 100, năm 2014 là 70 và đứng thứ 7 ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, năm 2018 là 11 và năm 2017 đứng thứ 22. Chỉ số này đã thể hiện năng lực, triển khai, ứng dụng cũng như ứng phó với các vấn đề ATTT trên không gian mạng của Việt Nam so với các nước trong khu vực và trên thế giới và hướng tới đạt được những chỉ số tốt hơn vào năm 2025.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là nước có tỷ lệ nhiễm mã độc và hứng chịu những cuộc tấn công thuộc nhóm cao trên thế giới, các hoạt động vi phạm trên không gian mạng cũng có chiều hướng gia tăng. Theo dữ liệu từ Cục An ninh mạng, Bộ Công an, Việt Nam chịu nhiều những đợt tấn công này nhằm vào các hệ thống thông tin quốc gia, phát tán thông tin sai sự thật để chiên đoạt lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Các phương thức tấn công có chủ địch, phát tán mã độc nhắm ăn cắp dữ liệu.

Các thiết bị dễ bị tấn công nhất thường là điện thoại di động, thiết bị IoT, moden nhằm chiếm quyền điều khiến. Các thông tin xấu, độc hại, trái đạo đức, thuần phong mỹ tục, thông tin giả và kích động bảo lực trên không gian mạng. Với những nguy cơ đó các doanh nghiệp lại thiếu những chuyên gia chất lượng cao về An ninh mạng để có thể xây dựng và ứng phó những cuộc tấn công này.

Tuy nhiên Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề an ninh mạng cần giải quyết cũng như duy trì và cải thiện năng lực an ninh mạng nhằm đáp ứng sự phát triển của quốc gia. An toàn thông tin mạng giờ sẽ không chỉ là câu chuyện của chính quyền, doanh nghiệp mà sẽ là của tất cả mọi người. Trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ phổ cập chiến dịch an toàn thông tin mạng cơ bản cho người dân.

Bộ Thông tin và truyền thông cũng đã đưa ra 9 mục tiêu an toàn thông tin trên không gian mạng. Trong đó, mục tiêu thứ nhất là duy trì thứ hạng thứ 25 trên thế giới và hướng tới thứ hạng 20 về chỉ số GCI; Mục tiêu thứ 2 là mỗi người dân sẽ có một “hiệp sỹ” bảo vệ; Mục tiêu thứ 6 mỗi cơ quan, tổ chức hay doanh nghiệp có một đơn vị chuyên nghiệp để bảo vệ; Mục tiêu thứ 4 là 100% các cơ quan đảm bảo ATTT theo 4 lớp; Mục tiêu thứ 5 là bảo vệ CSHT thông tin 11 lĩnh vực quan trọng; Mục tiêu thứ 6 100% người sử dụng tiếp cận nâng cao nhận thức, kỹ năng ATTT; Mục tiêu thứ 7 tỷ lệ thông tin tiêu cực dưới 10%; Mục tiêu thứ 8 là các sản phẩm CNTT đạt 100% chủng loại.

 Các khách mời tham gia thảo luận tại sự kiện trực tuyến An toàn không gian mạng - VietNam Security summit 2021 

Do đó, hành động để thực hiện 8 mục tiêu trên cần quán triệt ngày từ khâu thiết kế, thường xuyên đánh giá ATTT hệ thống, phát triển điện toán đám mây của Việt Nam giúp cho không gian mạng an toàn. Rà quét và công khai mức độ an toàn, thiết lập các SOC, kết nối và chia sẻ với NCSC. Bộ TTTT sẽ tạo cơ chế chính sách để tham gia ATTT cũng như ứng cứu giúp doanh nghiệp sử lý các sự cố.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã có báo cáo đánh giá xếp hạng Mức độ an toàn thông tin mạng của các Bộ, ngành, địa phương năm 2020 và ra mắt ứng dụng Visafe với tính năng chính là chặn mã độc, tấn công mạng, quản lý truy cập ứng dụng, tạo lập hồ sơ tìm kiến an toàn trên không gian mạng. Ứng dụng với mục tiêu mỗi người có thể tự bảo vệ mình trên không gian mạng đã có mặt trên kho ứng dụng của Google Play và Apple Store, người dùng có thể cài đặt để sử dụng.

 Lễ ra mắt ứng dụng An toàn thông tin Visafe.
Nói về tình hình an ninh mạng của Việt Nam trong quãng thời gian bùng phát đại dịch Covid-19, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05-Bộ Công an) Nguyễn Ngọc Cương cho biết, đã ghi nhận được hàng nghìn cuộc tấn công nhằm vào hệ thống của các cơ quan chính phủ, cơ sở trọng yếu quốc phòng an ninh, tập đoàn kinh tế và cơ quan truyền thông.

Riêng trong nửa đầu năm 2021, A05 đã phát hiện 1.555 các trang web, trang thông tin điện tử có tên miền .vn bị tấn công, chèn các thông điệp của tin tặc, trong đó có 412 trang thuộc quản lý của cơ quan nhà nước. Số lượng tin, bài chứa thông tin xấu, sai sự thật lên các trang thông tin điện tử, blog, mạng xã hội… lên tới con số 221.000.

Không chỉ vậy, tình trạng lộ, mua bán thông tin, dữ liệu của người dùng cũng ghi nhận ở mức đáng báo động. Tiêu biểu là vụ lộ lọt thông tin của 35,6 triệu khách hàng của một tập đoàn lớn ở Việt Nam. Vụ việc này đã gây bức xúc và thu hút sự quan tâm lớn của dư luận, đặc biệt là trong thời gian Bộ Công an đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, ông Nguyễn Ngọc Cương nói.

Cũng trong khuôn khổ của sự kiện, xếp hạng mức độ an toàn thông tin mạng của các Bộ, ngành địa phương năm 2020 đã được công bố. Đây là bộ chỉ số được xây dựng dựa trên đánh giá báo cáo cung cấp thông tin, chỉ số an toàn thông tin của trang tin/cổng thông tin điện tử, chỉ số lây mã độc, lọt thông tin và kết nối chia sẻ của các đơn vị. Phân loại được chia thành 5 mức độ từ A đến E.

Vietnam Security Summit 2021: Hàng nghìn cuộc tấn công mạng nhắm vào cơ quan nhà nước, doanh nghiệp - Ảnh 5
 Kết quả đánh giá mức độ an toàn thông tin mạng của các Bộ, ngành địa phương năm 2020
Theo đó, năm 2020, các địa phương đạt hạng A gồm: Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ninh. Về phía các đơn vị cấp Bộ, đứng đầu là Ngân Hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Giao thông vận tải. Đáng chú ý, trong số 89 đơn vị tham gia đánh giá, có 3 đơn vị đã bị tụt hạng so với năm ngoái.

Trong khuôn khổ sự kiện vào buổi sáng hôm nay sẽ có phiên thảo luận về bài học từ những thách thức an toàn thông tin mạng trong thời kỳ Covid-19. Các khách mời đến từ các công ty tập đoàn sẽ nêu lên khó khăn, thách thức đảm bảo an toàn thông tin mạng trong thời kỳ Covid-19. Thay đổi tư duy và chiến lược an toàn thông tin mạng cho các tổ chức, doanh nghiệp và giải pháp phòng ngừa, ứng phó với thách thức an toàn thông tin mạng.

Triển lãm quốc tế về An toàn không gian mạng - VietNam Security summit 2021 sẽ có 3 hội thảo chuyên đề về bảo vệ các hệ thống thông tin trọng yếu trong thế giới số, xu hướng và giải pháp an toàn thông tin mạng cho điện toán đám mây, an toàn thông tin mạng cho hệ thống thông tin doanh nghiệp trong thời kỳ chuyển đổi số sẽ được diễn ra vào buổi chiều 27/10 và 28/10/2021.