Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vĩnh Lợi - Bạc Liêu: Khát vọng nông thôn mới trên quê hương anh hùng

Hoàng Quân - Hồng Lĩnh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 20/4/2022, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu, đã đón nhận Bằng công nhận xã Châu Hưng A đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao.

Sự kiện như một lời khẳng định: Dù nhiều khó khăn thử thách, nhưng quê hương bất khuất nơi có ngôi Đền thờ Bác Hồ và bài hát “Giọt sữa cuối cùng” nổi tiếng sẽ vượt qua mọi khó khăn để về đích huyện nông thôn mới.

Khó khăn của một huyện anh hùng

Nhắc đến Vĩnh Lợi, người ta nhớ ngay đến một huyện có nhiều căn cứ của tỉnh và Quân khu 9 trong chiến tranh nằm ven thị xã Bạc Liêu. Huyện là vùng chịu nhiều hy sinh, mất mát trong chiến tranh.

Ông Phạm Minh Hải - Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lợi (người đội mũ) đang giới thiệu với lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu một mô hình sản xuất lúa hữu cơ.
Ông Phạm Minh Hải - Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lợi (người đội mũ) đang giới thiệu với lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu một mô hình sản xuất lúa hữu cơ.

Hiện nay, Vĩnh Lợi có hơn 1.600 đối tượng người có công, và hơn 4.000 đối tượng bảo trợ xã hội luôn được huyện chăm lo tốt thường xuyên. Chỉ riêng xã Châu Thới, nơi quân dân Vĩnh Lợi xây dựng Đền thờ Bác từ năm 1969, đã có tới 468 liệt sĩ, trên 200 thương binh, hơn 1.000 gia đình có công với cách mạng, 24 Mẹ Việt Nam anh hùng và 2 Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Vì thế, ngày 30/8/1995, quân và dân huyện Vĩnh Lợi đã được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Lê Đức Anh phong tặng tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang.

Là huyện thuần nông có diện tích tự nhiên 24.942ha, 91.915 nhân khẩu, với 8 đơn vị hành chính trực thuộc. Vĩnh Lợi có xuất phát điểm thấp, khi nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào lĩnh vực nông nghiệp còn nhiều rủi ro. Lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển chậm, quy mô nhỏ lẻ. Các hoạt động xúc tiến đầu tư - thương mại còn ít, hiệu quả chưa cao. Dịch vụ, du lịch tuy có bước phát triển nhưng vẫn còn hạn chế.

Hơn nữa, kết cấu hạ tầng kỹ thuật còn nhiều khó khăn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, nhất là các xã ở vùng sâu đã làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của Nhân dân…

Quân - dân đồng lòng

Ông Phạm Minh Hải - Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lợi cho biết: “Nếu như thời chiến, quân dân cùng đoàn kết đồng lòng, thì hôm nay trong xây dựng nông thôn mới, Vĩnh Lợi anh hùng cũng đã kế thừa phát huy những giá trị cốt lõi đó để xây dựng quê hương nông thôn mới”.

Qua xây dựng phát triển kinh tế, càng khó khăn, Đảng bộ và Nhân dân huyện Vĩnh Lợi lại càng đoàn kết, quyết tâm vượt qua, đạt được nhiều thành tựu nổi bật với nhiều thay đổi lớn. Huyện có tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 9,69%, tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm từ 77% xuống 50,67%; công nghiệp và xây dựng tăng từ 13% lên 16,68%; dịch vụ tăng từ 15% lên 32,65%; giá trị sản xuất nông nghiệp từ 455 tỷ đồng tăng lên 2.841 tỷ đồng. Sản lượng lương thực của huyện đạt 248.614 tấn tăng gấp 1,49 lần so trước, trong đó lúa chất lượng cao chiếm hơn 90%. Thu nhập bình quân đầu người từ 7,490 triệu đồng đã tăng lên 51,2 đồng vào năm 2019.

Song song, nhiều di tích lịch sử, di tích văn hóa được trùng tu, tôn tạo như: Đền thờ Bác Hồ, Tháp cổ Vĩnh Hưng, Đình Tân Long, Chùa Giác Hoa, chùa Hưng Thiện... góp phần hình thành các điểm du lịch của huyện. Mặc dù khó khăn về nguồn vốn, nhưng huyện đã tập trung mọi mặt để nhiều công trình xây dựng cơ bản quan trọng được đưa vào sử dụng như: Tuyến đường Châu Thới - Đền thờ Bác Hồ, cầu Vàm Lẻo. Các công trình giao thông nông thôn đã kết nối phục vụ sản xuất và đi lại của Nhân dân…

Xuất phát thấp, nên Vĩnh Lợi mạnh dạn có những bước đi táo bạo trong xây dựng nông thôn mới, khi đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phát huy nguồn lực trong Nhân dân, tập trung thực hiện những tiêu chí ít sử dụng vốn, được Nhân dân đồng lòng hưởng ứng, bộ mặt nông thôn đã có những biến đổi toàn diện. Có 7/7 xã đạt chuẩn nông thôn mới, huyện cơ bản hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới.

Ông Phạm Minh Hải còn cho biết thêm: “Vĩnh Lợi phấn đấu đến 2025, thu nhập bình quân đầu người phải đạt từ 90 triệu đồng, huyện có 6 xã đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao, trong đó có ít nhất 2 xã đạt tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu”.