Đình Thổ Tang - di tích lịch sử quốc gia đặc biệt
Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 24/6/2024 do Phó Thủ tướng Lê Thành Long ký nêu rõ: việc phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt đình Thổ Tang (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc), nhằm bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật của di tích.
Xây dựng di tích thành điểm giới thiệu và tôn vinh văn hóa, nghệ thuật dân gian Việt Nam gắn với các thiết chế văn hóa làng xã; góp phần giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống văn hóa dân tộc; gắn kết đồng bộ với hệ thống di tích trên địa bàn huyện Vĩnh Tường và tỉnh Vĩnh Phúc.
Hình thành điểm du lịch văn hóa - lịch sử hấp dẫn, kết nối với các di tích, điểm tham quan, du lịch khác của tỉnh Vĩnh Phúc để tạo chuỗi sản phẩm du lịch phong phú, góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương.
Đồng thời, xác định ranh giới bảo vệ di tích, làm cơ sở pháp lý cắm mốc giới di tích; xác định các khu chức năng, khu dân cư, khu vực bảo vệ cảnh quan môi trường; tổ chức không gian và bố trí hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật phù hợp với các giai đoạn bảo tồn và phát huy giá trị di tích...
Theo quy hoạch, khu vực bảo vệ I của di tích giữ nguyên ranh giới theo hồ sơ xếp hạng di tích. Một số hạng mục di tích sẽ được tu bổ, tôn tạo gồm: đình Thổ Tang diện tích khoảng 598 m2; cổng đình, diện tích khoảng 168 m2 và ao đình (ao sen), diện tích khoảng 453 m2. Xây dựng các hạng mục công trình phụ trợ, trực tiếp phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích...
Đối với khu vực phụ cận di tích dọc theo tuyến đường Nguyễn Thái Học (đoạn từ bến xe Thổ Tang đến chợ Giang): hình thành vùng đệm cây xanh cảnh quan kết nối di tích với các khu vực xung quanh; vành đai bảo vệ và cung cấp các dịch vụ bổ trợ cho di tích, được quản lý chặt chẽ về bố cục kiến trúc cảnh quan theo quy định của quy hoạch chung xây dựng thị trấn Thổ Tang đã được phê duyệt.
Khai thác giá trị của di tích trong phát triển du lịch
Trao đổi với PV Kinh tế & Đô thị, ông Vũ Đức Kim, Bí thư Đảng ủy thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường cho biết, quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Đình Thổ Tang mà Chính phủ phê duyệt còn định hướng phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch.
“Cụ thể, phát triển các sản phẩm du lịch gắn với lễ hội đình Thổ Tang; nghiên cứu bổ sung các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, một số loại hình thể thao, trò chơi, trò diễn,… dân gian của địa phương góp phần tăng sức hấp dẫn cho lễ hội; phát triển các sản phẩm du lịch tìm hiểu lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật của di tích đình Thổ Tang và các hiện vật có giá trị trong di tích.” - ông Vũ Đức Kim nói.
Thực hiện xây dựng các tuyến du lịch trên cơ sở lấy yếu tố gốc tạo nên giá trị của di tích là hạt nhân trong phát triển du lịch. Tổ chức các tour du lịch nội huyện, nội tỉnh, tour du lịch theo chuyên đề kết nối đình Thổ Tang với các điểm du lịch văn hóa tâm linh, nghỉ dưỡng, làng nghề truyền thống trong huyện, trong tỉnh như: đình Phương Viên, chùa Tùng Vân, miếu Trúc Lâm, đình Thủ Độ, đình Cam Giá, đền Ngòi, khu du lịch sinh thái Đầm Rưng và hệ thống di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện...
Lãnh đạo thị trấn Thổ cho biết thêm, đình Thổ Tang là công trình mang những giá trị tiêu biểu về kiến trúc, nghệ thuật, nên đã được Thủ tướng Chính phủ đã xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 1820/QĐ-TTg ngày 24/12/2018.
“Đây là một trong số các ngôi đình cổ tiêu biểu của nghệ thuật kiến trúc đình làng Bắc Bộ thế kỉ thứ XVII, tọa lạc ở trung tâm thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Đình thờ Danh tướng Phùng Lân Hổ, người có công đánh giặc Nguyên Mông ở thế kỷ XIII. Đình Thổ Tang là trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng, nơi tổ chức lễ hội cùng các trò diễn dân gian địa phương.” - ông Vũ Đức Kim cho biết.
Hàng năm, dân làng thường tổ chức lễ hội tại Đình vào tháng Giêng và tháng Tám để tưởng niệm về vị tướng tài cùng cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước.
Đỉnh cao trong nghệ thuật kiến trúc dân tộc ở đình Thổ Tang là mái cong hình thuyền; cấu trúc nhà sàn; kỹ thuật trong xây cất công trình gỗ; chọn hướng và thế đất; kiến trúc, tỷ lệ kiến trúc và con người; quá trình thích ứng với tự nhiên, khí hậu, thể hiện tư duy, thẩm mỹ, tâm lý của người Việt...
Trang trí kiến trúc ở đình Thổ Tang tập trung chủ yếu ở các kẻ hiên, vì nách, đầu dư… với những đề tài chạm khắc rất phong phú và đa dạng, đầy ngẫu hứng, phóng khoáng linh hoạt.
Trong đó, đồ án trang trí rồng chiếm số lượng lớn, bên cạnh các họa tiết hoa lá, mây nước cách điệu. Ngoài ra, còn những đề tài phản ánh sinh hoạt của con người hoặc hình tiên nữ cưỡi rồng, phượng.
Các bức chạm khắc tiêu biểu như: “Tứ hiệu Thường Sơn” - hình 4 người đàn ông đang ngồi uống rượu quanh chiếc sập chân quỳ bên trên có để nậm rượu, hoa quả. Nhiều bức chạm thể hiện các đề tài đánh ghen, ba ông lão đánh cờ, cưỡi hổ, săn bắn, bơi thuyền, cảnh cày ruộng, đấu vật, tiên nữ múa, đá cầu, tập trận,… và rất nhiều những hình ảnh thể hiện đời sống sinh hoạt hàng ngày của cư dân.