Vĩnh Phúc: Camera phát hiện nhiều trường hợp vi phạm tốc độ mức “kịch khung”

Sỹ Hào
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông qua hệ thống camera giám sát giao thông, Phòng CSGT tỉnh Vĩnh Phúc đã phát hiện nhiều trường hợp vi phạm tốc độ trên 120km ở tuyến đường giới hạn 60km/h.

Cán bộ phòng CSGT Công an tỉnh Vĩnh Phúc trích xuất dữ liệu xử phạt lỗi vi phạm tốc độ qua hệ thống camera giám sát. Ảnh Sỹ Hào
Cán bộ phòng CSGT Công an tỉnh Vĩnh Phúc trích xuất dữ liệu xử phạt lỗi vi phạm tốc độ qua hệ thống camera giám sát. Ảnh Sỹ Hào

Sáng 26/9 trao đổi với PV báo Kinh tế & Đô thị, Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên - Đội trưởng Đội Tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn và xử lý vi phạm giao thông (Phòng CSGT tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết, tính từ ngày 15/9 (thời điểm chính thức xử phạt các trường hợp lái xe mắc lỗi vi phạm từ hình ảnh của camera giám sát) đến ngày 25/9, đã có hơn 170 trường hợp vi phạm giao thông bao gồm các lỗi chạy quá tốc độ, vượt đèn đỏ, sai làn đường, rẽ hướng nhưng không bật đèn xi nhan báo hiệu...

Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên, Phòng CSGT Công an tỉnh Vĩnh Phúc thông tin với PV Kinh tế & Đô thị về triển khai "phạt nguội" lỗi vi phạm tốc độ phát hiện qua camera giám sát. Ảnh Sỹ Hào. 
Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên, Phòng CSGT Công an tỉnh Vĩnh Phúc thông tin với PV Kinh tế & Đô thị về triển khai "phạt nguội" lỗi vi phạm tốc độ phát hiện qua camera giám sát. Ảnh Sỹ Hào. 

Đáng lưu ý, một số trường hợp ô tô vi phạm tốc độ ở mức “kịch khung” như xe 18C-033.83 vi phạm 121/60km/h; xe 88C-194.70 vi phạm 104/60km/h; xe 88C-223.38 vi phạm 103/60km/h; nhiều trường hợp khác cũng bị phát hiện vi phạm tốc độ ở mức 89 hoặc 90/60km/h.

Với lỗi vi phạm có mức chạy quá tốc độ từ 35km trở lên, ngoài bị phạt tiền từ 10 đến 12 triệu đồng, tài xế sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 đến 4 tháng theo Nghị định 100/2019 (sửa đổi, bổ sung Nghị định 123/2021 của Chính phủ).

“Các trường hợp này lực lượng chức năng đang khẩn trương tiến hành các bước củng cố hồ sơ xử lý theo quy định. Nếu sau 20 ngày kể từ thời điểm có thông báo lỗi vi phạm mà chủ phương tiện không đến làm việc, cơ quan chức năng sẽ gửi cảnh báo phương tiện đến cơ quan đăng kiểm.

Riêng đối với lỗi vi phạm của người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp, xe điện… lực lượng chức năng sẽ tiến hành các bước để gửi thông báo về chính quyền địa phương qua công an xã để xử lý” - Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên thông tin.

Thượng tá Cao Văn Thịnh - Phó Trưởng phòng CSGT Vĩnh Phúc cũng cho biết, việc đầu tư, lắp đặt camera trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc nhằm nhiều mục đích, như đảm bảo an ninh, trật tự an toàn giao thông, văn minh đô thị, phòng, chống tội phạm vi phạm pháp luật tại các tuyến đường, địa bàn trọng điểm.

Hệ thống camera giám sát gồm có 1 Trung tâm điều hành chỉ huy, 3 Trung tâm giám sát, hơn 200 camera giám sát, máy chủ chuyên dụng, hiệu suất cao. Các loại máy thu thập xử lý thông tin bằng trí tuệ nhân tạo AI, máy phát hiện và ghi nhận các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến giao thông.

“Đây là hệ thống camera giám sát hiện đại, góp phần quan trọng vào công tác bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên. Ngoài việc trợ giúp lực lượng CSGT triển khai hiệu quả các biện pháp bảo đảm TTATGT cũng đã hỗ trợ đắc lực cho việc giám sát, quản lý các địa bàn trọng điểm, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác điều tra, truy xét các vụ việc”, Thượng tá Cao Văn Thịnh cho biết.

Hệ thống camera giám sát trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc  ngoài giám sát giao thông còn có vai trò đắc lực trong giám sát quản lý địa bàn trọng điểm, đấu tranh với tội phạm đường phố. Ảnh Sỹ Hào. 
Hệ thống camera giám sát trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc  ngoài giám sát giao thông còn có vai trò đắc lực trong giám sát quản lý địa bàn trọng điểm, đấu tranh với tội phạm đường phố. Ảnh Sỹ Hào. 

Lãnh đạo Phòng CSGT Công an tỉnh Vĩnh Phúc cũng cho biết thêm, có trường hợp tài xế khi được lực lượng chức năng mời đến trụ sở để lập biên bản “phạt nguội” vi phạm giao thông, đã đưa ra lý do vượt đèn đỏ do đang chở con nhỏ đi bệnh viện cấp cứu.

“Với những trường hợp đưa ra lý do này, lực lượng chức năng làm nhiệm vụ sẽ yêu cầu tài xế cung cấp giấy tờ từ bệnh viện để đơn vị xác minh. Nếu đúng thời gian, địa điểm và thông tin người này cung cấp là chính xác, thì lực lượng chức năng sẽ xem xét tình huống vi phạm trong trường hợp bất khả kháng thì sẽ không ra quyết định xử phạt.

Tuy nhiên nếu tài xế gian dối sẽ bị xử phạt thêm về hành vi báo thông tin giả đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP với mức phạt từ 2 đến 3 triệu đồng” - Thượng tá Cao Văn Thịnh, Phó Trưởng phòng CSGT Vĩnh Phúc cho biết.

Hiện tại, Phòng CSGT Công an tỉnh Vĩnh Phúc cũng triển khai tiếp nhận các thông tin hình ảnh về vi phạm trật tự an toàn giao thông từ người dân cung cấp đến các trang mạng xã hội do đơn vị quản lý trên nền tảng ứng dụng Zalo Page và Facebook. Các thông tin có giá trị nhằm tố giác tội phạm, hành vi vi phạm TTATGT sẽ được lực lượng chức năng tiếp nhận, phân loại củng cố hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật.