Thực trạng “ngập úng” trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc
Nhiều năm trở lại đây, hiện tượng ngập úng sau những trận mưa lớn kéo dài xảy ra trên nhiều khu vực của tỉnh Vĩnh Phúc từ nông thôn cũng như đô thị đã gây khó khăn cho sinh hoạt của cư dân, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.
Có thể kể đến trận mưa lớn xảy ra chiều 29/3 vừa qua khiến một số tuyến đường trên thành phố Vĩnh Yên rơi vào tình trạng ứ đọng nước trong thời gian nhiều giờ đồng hồ.
Trước đó, liên tiếp trong những ngày cuối tháng 8/2022 và những ngày đầu tháng 8/2023 từng xảy ra mưa lớn kéo dài đã gây nên tình trạng ngập úng nghiêm trọng ở nhiều địa bàn trên tỉnh Vĩnh Phúc. Đặc biệt ở hai thành phố Vĩnh Yên, và Phúc Yên nước ùn ứ dâng cao khiến các phương tiện giao thông không thể di chuyển trên một số tuyến đường, có tuyến phố tình trạng ngập lụt kéo dài trong nhiều ngày.
Theo Sở NG&PTNT Vĩnh Phúc, nguyên nhân gây nên tình trạng ngập úng trên địa bàn là do hạ tầng hệ thống các công trình tiêu úng chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiều công trình cũ chưa được cải tạo nâng cấp.
Vĩnh Phúc vẫn còn thiếu nhiều các công trình tiêu úng, kể cả công trình đầu mối và hệ thống kênh trục tiêu, kênh tiêu nội đồng vì đầu tư vào các công trình tiêu cần nguồn vốn lớn và hiệu quả thấp hơn các công trình tưới.
Mặt khác, diện tích đất phi nông nghiệp tăng (các khu công nghiệp, đô thị, công trình hạ tầng ngày càng nhiều…), đất nông nghiệp giảm, đất ao hồ, sông suối bị thu hẹp khiến vùng chứa nước ngày càng thu hẹp. Trong khi yêu cầu chống úng ngập ngày càng tăng từ mức đảm bảo 80% đến 90% và 95% thậm chí 99% cho các khu công nghiệp.
Giải pháp khắc phục
Thông tin từ Chi Cục thủy lợi tỉnh Vĩnh Phúc cũng cho biết, toàn tỉnh hiện mới có 2 huyện có trạm bơm tiêu là Sông Lô – trạm Cầu Mai bơm tiêu ra sông Lô; và huyện Lập Thạch – trạm bơm Cầu Triệu bơm tiêu ra sông Phó Đáy. Trong khi các huyện còn lại, diện tích lưu vực tiêu 710km2, chiếm 60% diện tích tự nhiên của tỉnh đều tiêu nước theo hệ thống tự chảy ra trục tiêu chính sông Phan, sông Cà Lồ chảy ra sông Cầu tỉnh Bắc Ninh.
Do hệ thống tiêu nước tự chảy như vậy, nên phụ thuộc nhiều vào mực nước sông Cầu, mỗi khi có mưa trên diện rộng, nước sông Cầu lên cao nên khả năng tiêu thoát nước tại Vĩnh Phúc cũng bị hạn chế. Ngược lại, khi nước sông Cầu hạ thấp, nhưng do ách tắc bồi lắng (địa phận Hà Nội) nên khả năng tiêu thoát cũng bị hạn chế.
Khi mưa lớn kéo dài, mực nước sông Cà Lồ, sông Cầu dâng cao nên khả năng tiêu nước trên sông Phan rất chậm, thậm chí chảy ngược về thượng lưu, dẫn đến lượng nước tại các đô thị, đặc biệt là thành phố Vĩnh Yên, nằm trong vùng tiêu sông Phan, sông Cà Lồ bị lưu lại trong các hồ đầm ở đô thị, gây ngập úng cục bộ tại các khu vực có cao độ thấp, và ngập diện rộng tại các khu vực đất nông nghiệp nằm trong vùng tiêu.
Được biết, nhằm khắc phục tình trạng ngập úng và chủ động trong việc tiêu thoát nước trên địa bàn, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã giao Ban Quản lý sử dụng vốn vay nước ngoài làm Chủ đầu tư Dự án quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc, dự kiến dự án đưa vào vận hành năm 2024.
Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Vĩnh Phúc, nhằm tăng cường công tác tiêu thoát nước trong thời gian tới, trước mắt đề nghị các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ các dự án tiêu thoát nước đang triển khai để góp phần kiểm soát lũ ở mức độ tổng thể, giảm thời gian ngập úng; cảnh báo sớm được lũ lụt, giảm tối đa thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Về giải pháp lâu dài để giải quyết triệt để tình trạng ngập úng, theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Vĩnh Phúc cần có nguồn lực rất lớn, nguồn lực hiện nay chưa thể đáp ứng được. Do vậy, trong thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc cần tiếp tục quan tâm đầu tư cho việc tiêu thoát lũ, úng, lụt cục bộ tại các đô thị, các khu công nghiệp, vùng nội đồng.
Khi các dự án hoàn thành, sẽ góp phần nâng cao năng lực của hệ thống tiêu thoát nước trên địa bàn, giảm tình trạng ngập úng kéo dài, giảm ảnh hưởng tiêu cực đến các mặt đời sống kinh tế xã hội của nhân dân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.