Vĩnh Phúc: hơn 28.000 gia đình thoát nghèo nhờ vay vốn chính sách xã hội

Sỹ Hào
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ 2014 đến nay, Vĩnh Phúc có 253.849 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn để phát triển kinh tế, tạo việc làm, với tổng số tiền trên 9.000 tỷ đồng. Đặc biệt, nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn, toàn tỉnh có 28.320 hộ vượt qua ngưỡng nghèo.

Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Cổng thông tin Tỉnh ủy Vĩnh Phúc.
Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Cổng thông tin Tỉnh ủy Vĩnh Phúc.

Vốn tín dụng chính sách xã hội tỉnh Vĩnh Phúc phát huy hiệu quả tích cực

Tỉnh ủy Vĩnh Phúc vừa tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh.

Công tác an sinh xã hội, thăm hỏi động viên những  gia đình gặp khó khăn luôn được  lãnh đạo các cấp chính quyền quan tâm thực hiện trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh minh họa: Sỹ Hào. 
Công tác an sinh xã hội, thăm hỏi động viên những  gia đình gặp khó khăn luôn được  lãnh đạo các cấp chính quyền quan tâm thực hiện trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh minh họa: Sỹ Hào. 

Thống kê của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, đến 30/6/2024, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc đạt 4.545 tỷ đồng, tăng gần 50% so với cuối năm 2014. Dư nợ cho vay đạt 4.533 tỷ đồng, tăng 2.718 tỷ đồng so với năm 2014.

Trong giai đoạn 2014-2024, Vĩnh Phúc đã cấp vốn cho 253.849 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác với tổng số tiền trên 9.000 tỷ đồng. Kết quả là 28.320 hộ đã vượt qua ngưỡng nghèo, gần 62.280 lao động có việc làm ổn định, và 160 người chấp hành xong án phạt tù đã tái hòa nhập cộng đồng.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần tích cực trong việc giảm nghèo, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho nhiều hộ gia đình tại tỉnh Vĩnh Phúc.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần tích cực trong việc giảm nghèo, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho nhiều hộ gia đình tại tỉnh Vĩnh Phúc.

Chương trình tín dụng chính sách xã hội còn giúp 3.440 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục đến trường và gần 730 học sinh, sinh viên mua máy tính phục vụ học tập trực tuyến. Hơn 261 hộ nghèo và hộ gia đình chính sách đã được xây dựng nhà ở mới, 594 hộ thu nhập thấp mua nhà, và hơn 250.930 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường đã được xây dựng, cải thiện môi trường sống và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Đến cuối năm 2023, Vĩnh Phúc còn 2.094 hộ nghèo (chiếm 0,61% tổng số hộ) và 4.778 hộ cận nghèo (chiếm 1,38% tổng số hộ). Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới sẽ còn dưới 1% như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra.

Phát huy tối đa hiệu quả nhân văn của nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội

Có được những kết quả như trên, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Dương Văn An cho biết: ngay sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 40, Tỉnh ủy đã triển khai nhiều chỉ đạo và văn bản để thực hiện hiệu quả. Các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, và các tổ chức chính trị-xã hội đã tích cực vào cuộc, nâng cao trách nhiệm và hoàn thiện cơ chế, chính sách. Sự lãnh đạo chặt chẽ và công tác kiểm tra, giám sát đã góp phần làm cho chương trình tín dụng chính sách xã hội của tỉnh ngày càng hiệu quả hơn.

UBND tỉnh Vĩnh Phúc tặng Bằng khen cho 22 tập thể, 31 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương. Ảnh: Cổng thông tin Tỉnh ủy Vĩnh Phúc. 
UBND tỉnh Vĩnh Phúc tặng Bằng khen cho 22 tập thể, 31 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương. Ảnh: Cổng thông tin Tỉnh ủy Vĩnh Phúc. 

Đồng thời, tạo chuyển biến cơ bản về nhận thức của người nghèo, từ mặc cảm tự ti, ỷ lại, sợ vay vốn không biết cách sử dụng vốn đến có ý thức, ý chí làm ăn, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

Tại hội nghị tổng kết, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An đề nghị các cấp, ngành tiếp tục chú trọng bố trí vốn ủy thác, hỗ trợ cơ sở vật chất và nâng cao hiệu quả hoạt động của ngân hàng chính sách xã hội. Các tổ chức chính trị xã hội cần thực hiện tốt chức năng ủy thác, bảo đảm cho vay đúng đối tượng và nâng cao hiệu quả cải thiện đời sống. Cần tăng cường kiểm tra, giám sát và thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội để phục vụ sản xuất, kinh doanh và tạo việc làm.

Nhận dịp này, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã tặng Bằng khen 22 tập thể, 31 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương. Công đoàn Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam trao tặng 1 tỷ đồng cho tỉnh Vĩnh Phúc xây dựng Nhà đại đoàn kết cho người nghèo. Nhiều tập thể, cá nhân cũng được nhận Giấy khen của Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam.