UBND thành phố Phúc Yên chịu trách nhiệm toàn diện
Ngày 2/5 trao đổi với PV Kinh tế và Đô thị, ông Tạ Xuân Vừng, Trưởng phòng Kinh tế Thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy Phúc Yên vừa có thông báo kết luận về việc triển khai giải pháp xử lý nứt mặt đê Bá Hanh (chắn sông Cà Lồ, thuộc địa phận xã Cao Minh và phường Nam Viêm).
Cụ thể, ngày 26/4 Ban Thường vụ Thành ủy Phúc Yên đã tổ chức cuộc họp, nghe UBND thành phố Phúc Yên trình bày nội dung đề xuất chủ trương xây dựng công trình khẩn cấp xử lý mặt đê Cà Lồ - Nam Viêm, nhằm xử lý và ngăn chặn hiện tượng lún nứt nghiêm trọng đang xảy ra tại tuyến đê này.
Hiện tượng lún nứt nghiêm trọng tại tuyến đê Cà Lồ – Nam Viêm, ngày 17/4 cũng đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Quyết định số 539/QĐ – CT, công bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai trên tuyến đê.
“Trước tình trạng nứt mặt đê, tại thông báo kết luận số 647/TB/TU, ngày 26/4 Ban Thường vụ Thành ủy Phúc Yên đã đánh giá việc tiến hành sửa chữa, khắc phục tình trạng lún nứt mặt đê Cà Lồ - Nam Viêm là nhiệm vụ cần thiết và khẩn trương thực hiện trước mùa mưa bão năm 2024.
Đồng thời đồng ý về chủ trương để UBND thành phố Phúc Yên thực hiện các nhiệm vụ và nội dung theo Quyết định số 539/QĐ – CT của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc công bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai trên tuyến đê này” – ông Tạ Xuân Vừng, Trưởng phòng Kinh tế Thành phố Phúc Yên thông tin.
Việc triển khai giải pháp xử lý nứt mặt đê Cà Lồ - Nam Viêm được Ban Thường vụ Thành ủy Phúc Yên giao UBND thành phố chịu trách nhiệm toàn diện trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện.
Yêu cầu phải đảm bảo các quy định pháp luật của nhà nước; đúng theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Quyết định số 539/QĐ – CT và của Ban Thường vụ Thành ủy tại thông báo kết luật số 627 – TB/TU.
Ông Tạ Xuân Vừng cho biết thêm, Ban Thường vụ Thành ủy Phúc Yên cũng đồng ý chủ trương sử dụng nguồn dự phòng để thực hiện xử lý nứt mặt đê Cà Lồ - Nam Viêm.
UBND thành phố Phúc Yên có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát kỹ và thực hiện đúng các trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật có liên quan; chỉ đạo các phòng chuyên môn thẩm định, rà soát, bố trí nguồn vốn theo đúng quy định của pháp luật.
Triển khai khắc phục trước mùa mưa bão 2024
Trước đó, ngày 22/4 UBND thành phố Phúc Yên đã có tờ trình về việc đề xuất chủ trương xây dựng công trình khẩn cấp xử lý mặt đê Cà Lồ - Nam Viêm do UBND thành phố Phúc Yên quản lý.
Việc xử lý, khắc phục nứt mặt đê Cà Lồ - Nam Viêm tại địa phận xã Cao Minh, nhằm mục đích đảm bảo an toàn cho tuyến đê, các công trình kinh tế xã hội quan trọng và tài sản tính mạng của người dân thuộc khu vực bảo vệ của thân đê.
Trong nội dung tờ trình, UBND thành phố Phúc Yên đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy xem xét cho chủ trương về xây dựng công trình khẩn cấp xử lý mặt đê Cà Lồ - Nam Viêm. Cụ thể, xử lý 6 đoạn (các vị trí bị nứt mặt đê) với tổng chiều dài khoảng 790 m. Phạm vi xử lý được xác định chính xác sau khi có tài liệu khảo sát.
Giải pháp khắc phục được UBND thành phố Phúc Yên nêu ra là đào xử lý vượt qua vết nứt 0,5m, dự kiến chiều sâu xử lý là H = 1,5m. Sau khi đào xong tiến hành khoan phụt vữa gia cố thân đê, lu lèn chặt nền đường đạt K = 0,95 sau đó tiến hành đắp đất đầm chặt K = 0,95;
Tiếp theo, đắp đất đầm chặt K ≥ 0,98 dày 50cm2, trên là các lớp đá dăm cấp phối loại 1 dày 15 cm, loại 2 dày 15cm, lớp nhựa bám dính 0,5kg/cm2 và lớp bê tông nhựa C12,5 dày 5cm. Hoàn thiện mặt cắt đê, đảm bảo mái phía sông m = 2,0, mái phía đồng m = 2,0.
UBND thành phố Phúc Yên cũng cho biết, dự kiến kinh phí đầu tư thực hiện khoảng 7 tỷ 500 triệu đồng từ nguồn ngân sách thành phố, dự kiến thời gian thực hiện xong trước mùa mưa bão năm 2024.
Trong quá trình thực hiện hạng mục khẩn cấp sẽ tham khảo ý kiến Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vĩnh Phúc về quy mô, giải pháp kỹ thuật nhằm triển khai thi công công trình đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tuyến đê và các công trình lân cận.
Trước đó, vào tháng 3 và tháng 4/2024 báo Kinh tế và Đô thị đã đăng tải những bài viết phản ảnh thực trạng lún nứt nghiêm trọng xảy ra trên tuyến đê Bá Hanh (chắn sông Cà Lồ, thuộc địa phận xã Cao Minh, và phường Nam Viêm).
Hiện tượng lún nứt trên thực tế tại tuyến đê tiềm ẩn nhiều nguy cơ không đảm bảo an toàn cho cư dân xã Cao Minh và phường Nam Viêm, thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, cũng như nguy cơ mất an toàn cho nhiều công trình hạ tầng quan trọng khác thuộc phạm vi bảo vệ của tuyến đê.