Loạt dự án xử lý rác thải sinh hoạt gặp khó khăn vướng mắc
Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, hiện nay lượng rác thải phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 920 tấn/ngày, trong đó khu vực đô thị khoảng 350 tấn/ngày, khu vực nông thôn khoảng 570 tấn/ngày. Số lượng rác thải phát sinh mỗi ngày một tăng, dự báo đến năm 2025 là khoảng 980 tấn/ngày.
Trong khi đó, các dự án xây dựng nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt triển khai tại các huyện Lập Thạch, Tam Dương và Yên Lạc gặp nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện, thậm chí có dự án đã chậm tiến độ nhiều năm.
Cụ thể, dự án Nhà máy xử lý rác thải tại xã Xuân Hòa, huyện Lập Thạch hiện đã hoàn thành các thủ tục phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, đã giải phóng mặt bằng, giao đất cho nhà đầu tư, ký quỹ đảm bảo đầu tư.
Tuy nhiên, việc thực hiện dự án trên gặp nhiều khó khăn do Nhân dân các xã Xuân Hòa và Ngọc Mỹ phản đối quyết liệt, không đồng ý xây dựng Nhà máy tại địa phương, do đó dự án đường vào Nhà máy chưa được triển khai thực hiện.
Dự án Nhà máy xử lý rác thải tại thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương đã chậm tiến độ nhiều năm. Đến nay, nhà đầu tư mới xây dựng được nhà xưởng tập kết chất thải rắn sinh hoạt với diện tích 3.000 m2; 1 hệ thống phân loại và tách lọc chất thải rắn sinh hoạt, trạm biến áp; lắp đặt 2 lò đốt rác thải trong đó lò đốt số 1 có công suất khoảng 75 tấn/ngày đêm; lò đốt số 2 công suất khoảng 80 tấn/ngày đêm.
Hiện tại, lò đốt số 1 đang tạm ngừng hoạt động và chưa có khả năng sửa chữa; lò đốt số 2 đang bị UBND tỉnh đình chỉ hoạt động do chủ đầu tư vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và chưa có giấy phép môi trường theo quy định.
Còn với dự án xây dựng Nhà máy xử lý rác thải tại huyện Yên Lạc mặc dù đã hoàn thành đầu tư xây dựng, lắp đặt dây chuyền công nghệ và đã đi vào vận hành, tiếp nhận xử lý rác thải với công suất 120 tấn/ngày đêm.
Nhưng vẫn còn khó khăn vướng mắc do đơn giá xử lý rác thải bằng lò đốt được thực hiện theo Quyết định số 3421/QĐ UBND ngày 28/10/2016 hiện là thấp trong bối cảnh chi phí nhân công, giá nguyên, nhiên liệu có nhiều thay đổi; huyện Yên Lạc chưa tổ chức đấu thầu tập trung hoặc đặt hàng dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải làm cơ sở ký hợp đồng vận chuyển rác thải về nhà máy để xử lý.
Đề xuất, kiến nghị tháo gỡ vướng mắc
Từ thực tế khó khăn của các dự án xử lý rác thải sinh hoạt như trên, Sở Xây dựng Vĩnh Phúc đã đề xuất, kiến nghị một số nội dung nhằm tháo gỡ.
Trong đó, đối với dự án Nhà máy xử lý rác thải tại xã Xuân Hòa, Sở Xây dựng kiến nghị UBND tỉnh tổ chức đối thoại với Nhân dân xã Xuân Hòa và xã Ngọc Mỹ, huyện Lập Thạch để tạo sự đồng thuận ủng hộ triển khai dự án;
Chỉ đạo UBND huyện Lập Thạch cùng các đơn vị liên quan tiếp tục tập trung hỗ trợ Công ty Cổ phần Đầu tư ITC Hà Nội hoàn thành việc khoan địa chất để hoàn thiện các thủ tục cấp giấy phép xây dựng.
Đối với dự án Nhà máy xử lý rác thải tại thị trấn Hợp Hòa (huyện Tam Dương), UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có chỉ đạo tại Văn bản số 4825/UBND-NN ngày 4/7/2024; đề nghị các cơ quan, đơn vị quan tâm tập trung triển khai thực hiện.
Sở Xây dựng Vĩnh Phúc cũng đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Yên Lạc đôn đốc Công ty TNHH MTV xử lý môi trường Trung Nguyên xây dựng phương án giá xử lý rác thải của Nhà máy xử lý rác thải tập trung tại thị trấn Tam Hồng theo hướng tự xác định hao phí vật tư, hao phí nhân công hợp lý làm cơ sở để xác định chi phí nhân công khi lập phương án giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo hướng dẫn tại Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT.
Đồng thời kiến nghị UBND tỉnh giao các cơ quan liên quan tiến hành tổ chức đấu thầu tập trung dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn; giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở TN&MT thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt phương án giá xử lý rác thải của Nhà máy xử lý rác thải tập trung tại thị trấn Tam Hồng theo quy định của pháp luật.