Vĩnh Phúc có 240 đơn vị chậm đóng từ 12 tháng trở lên
BHXH tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, đến hết tháng 10/2024, số người tham gia BHXH tại tỉnh tăng 12.745 người, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 45,04% lực lượng lao động, đạt 102,6% so với chỉ tiêu được giao tại Chương trình hành động số 02 của UBND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Trong 10 tháng năm 2024, BHXH tỉnh Vĩnh Phúc đã giải quyết cho hơn 125 nghìn người hưởng BHXH, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2023; chi trả cho trên 9,7 nghìn người hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng số tiền chi trả các chế độ BHXH hơn 3,4 nghìn tỷ đồng.
Tính đến hết tháng 10/2024, đã chi khám chữa bệnh cho hơn 1,4 triệu lượt người số tiền trên 1.437 tỷ đồng, tăng 13,35% so với cùng kỳ năm trước.
Theo BHXH tỉnh Vĩnh Phúc, số người tham gia bảo hiểm tăng so với cùng kỳ năm 2023, nhưng lại có sự giảm sút nếu so với tháng 12/2023. Cụ thể, BHXH giảm 1.569 người (giảm 0,6%); bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) giảm 1.835 người (giảm 0,8%) và bảo hiểm y tế (BHYT) giảm 4.860 người (giảm 0,42%).
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng giảm tỷ lệ tham gia bảo hiểm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc là sự sụt giảm lực lượng lao động trong các lĩnh vực xây dựng và sản xuất. Do các doanh nghiệp gặp khó khăn nên người lao động chuyển sang làm việc tại khu công nghiệp các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên.
Ngoài ra, toàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 240 đơn vị chậm đóng từ 12 tháng trở lên, trong đó có 199 đơn vị sử dụng lao động có số tiền chậm đóng lên đến 83,3 tỷ đồng, tiềm ẩn rủi ro và có nguy cơ rơi vào tình trạng chậm đóng khó đòi. Số nợ tiền chậm đóng bảo hiểm hiện cao hơn 0,18% so với chỉ tiêu được giao tại Quyết định số 289/QĐ-BCĐ ngày 16/2/2024 của Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp.
Dự kiến đến hết năm 2024, chi khám chữa bệnh BHYT tại tỉnh Vĩnh Phúc cũng vượt nguồn dự toán được giao năm 2024 là 240 tỷ đồng. So sánh với số thu quỹ BHYT, dự kiến vượt quỹ BHYT theo số thu BHYT tại tỉnh ước tính 350 tỷ đồng.
Nguyên nhân tăng chi phí là do các cơ sở khám chữa bệnh phát triển về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, đầu tư nhân lực có chuyên môn, có thay đổi tích cực trong công tác phục vụ bệnh nhân, thủ tục hành chính đã được cải thiện, quyền lợi của bệnh nhân được bảo đảm nên thu hút người dân đi khám chữa bệnh tăng cả ngoại trú và nội trú...
Kiên quyết xử phạt các hành vi vi phạm chính sách bảo hiểm
Mới đây, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Văn bản số 9131/UBND-VX về việc tăng cường thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn.
Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Khắc Hiếu chỉ đạo BHXH tỉnh chủ động khai thác tối đa nguồn dữ liệu của các cơ quan thuế, Sở Kế hoạch và Đầu tư để tạo lập nguồn dữ liệu tiềm năng; phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với sở, ngành liên quan triển khai quyết liệt các giải pháp để phát triển người tham gia bảo hiểm, giảm tiền chậm đóng tại các đơn vị sử dụng lao động theo chỉ đạo, quy trình nghiệp vụ của ngành BHXH.
Tăng cường kiểm tra, thanh tra đối với các đơn vị, doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng, đóng không đầy đủ BHXH, BHYT, BHTN; kiên quyết xử phạt hoặc kiến nghị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Nâng cao hiệu quả công tác giám định, bảo đảm đầy đủ quyền lợi của người có thẻ BHYT tại cơ sở khám chữa bệnh; cảnh báo, kiểm tra, ngăn ngừa dấu hiệu gia tăng chi phí bất hợp lý gây lãng phí, trục lợi quỹ BHYT, kiên quyết từ chối thanh toán đối với các chi phí không đúng quy định.
Giao UBND các huyện, thành phố tiếp tục đưa chỉ tiêu thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và các năm tiếp theo. Đồng thời, chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN năm 2024 được giao tại Quyết định số 289/QĐ-BCĐ.