Virus SARS-CoV-2 vẫn có thể tồn tại ở nhiệt độ 60 độ C

Nguyễn Phương (Theo SCMP)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo kết quả thí nghiệm của một nhóm các nhà khoa học Pháp, virus SARS-CoV-2 có thể sống sót khi tiếp xúc lâu với nhiệt độ cao.

Giáo sư Remi Charrel và các đồng nghiệp tại Đại học Aix-Marseille ở miền Nam nước Pháp đã thử nghiệm xử lý virus SARS-CoV-2 trong nhiệt độ 60 độ C suốt 1 giờ và phát hiện một số mẫu virus vẫn có khả năng nhân bản.
 Theo thí nghiệm của một nhóm nhà khoa học Pháp, virus SARS-CoV-2 vẫn có thể tồn tại ở nhiệt độ 60 độ C.
Lâu nay, người dân trên thế giới vẫn muốn biết liệu virus SARS-CoV-2 có bị tiêu diệt trong điều kiện nhiệt độ cao hay không, đồng nghĩa với dịch bệnh Covid-19 có thể chấm dứt vào mùa hè sắp tới hay không.
Để trả lời câu hỏi này, các nhà khoa học Pháp đã thử nghiệm virus trong nhiệt độ tự nhiên cao nhất trên Trái đất là 56,7 độ C, từng được ghi nhận tại Thung lũng chết ở California vào ngày 10/7/1913.
Kết quả nghiên cứu được công bố trên chuyên san bioRxiv.org cho thấy quá trình đun nóng rõ ràng giúp giảm tình trạng lây nhiễm, song vẫn còn các chủng virus SARS-CoV-2 sống sót để có thể bắt đầu một đợt lây nhiễm khác. Nghiên cứu này chưa nhận được phản biện khoa học.
Quy tắc đun nóng virus ở 60 độ C trong suốt 60 phút đã được dùng trong nhiều phòng thí nghiệm để vô hiệu hóa các loại virus nguy hiểm, bao gồm cả Ebola.
Đối với virus SARS-CoV-2, nhiệt độ 60 độ C này có thể vô hiệu hóa các mẫu có hàm lượng virus thấp, song không hiệu quả đối với các mẫu có hàm lượng virus cực cao.
Nghiên cứu của các nhà khoa học Pháp ghi nhận khi nâng nhiệt độ lên 92 độ C trong 15 phút thì virus bị vô hiệu hóa hoàn toàn. Tuy nhiên, mức nhiệt quá cao có thể phá hủy mẫu bệnh phẩm và giảm độ nhạy của xét nghiệm.
Các nhà khoa học đề nghị cơ sở y tế có thể sử dụng hóa chất để vô hiệu hóa virus thay vì phương pháp nhiệt độ, đồng thời cần tìm sự cân bằng giữa hiệu quả xét nghiệm và sự an toàn của nhân viên kỹ thuật.
Thí nghiệm của Pháp cung cấp những thông tin có giá trị nhưng tình hình trong thực tiễn có thể phức tạp hơn nhiều so với những mô phỏng trong phòng thí nghiệm, theo các nhà khoa học.
Trước đó, trong một bài báo đăng trên tạp chí JAMA Network Open hồi đầu tháng này, một nhóm các nhà nghiên cứu Trung Quốc cũng cảnh báo về khả năng virus SARS-CoV-2 có thể lây lan trong môi trường nóng ẩm.
Trong khi đó, Jan Albert, giáo sư kiểm soát bệnh truyền nhiễm, chuyên gia về virus tại Viện Karolinska ở Stockholm (Thụy Điển) cảnh báo: “Dịch bệnh Covid-19 dường như không thể biến mất hoàn toàn trong những tháng mùa Hè như một số người đã nêu”.
Giáo sư Albert thậm chí còn cho rằng sẽ là không ngạc nhiên nếu dịch Covid-19 quay trở lại vào mua thu hoặc mùa đông. Tuy nhiên, ông Albert cho rằng khả năng dịch bệnh dịu đi trong mùa hè cũng mang lại tín hiệu tốt.
Một nghiên cứu của trường Đại học Maryland đã chỉ ra rằng virus SARS-CoV-2 đã lây lan hầu hết ở các TP và khu vực trên thế giới, nơi nhiệt độ trung bình khoảng 5-11 độ C và độ ẩm tương đối thấp. Tuy nhiên cũng có một số lượng đáng kể các trường hợp nhiễm bệnh ở vùng nhiệt đới.
Từng có hy vọng rằng dịch bệnh ở bắc bán cầu sẽ giảmbớt khi nhiệt độ tăng do sự chuyển mùa. Tuy nhiên, một số nghiên cứu gần đây đã phát đi tín hiệu đáng báo động rằng dịch bệnh Covid-19 có thể tiếp tục lan rộng suốt mùa Hè./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần