ACB muốn phát hành tối đa 20.000 tỷ đồng trái phiếu
Nỗ lực của nhóm ngân hàng là không đủ để đưa VN-Index vượt mốc 1.200 điểm, do vấp phải lực cản của các trụ cột khác. Bộ đôi VIC, VHM cùng điều chỉnh trong thời điểm VN-Index chỉ còn cách hơn 1 điểm trước mốc 1.200 điểm. Nhóm bất động sản cũng ngập trong sắc đỏ, tương tự với các mã ngành xây dựng. Thanh khoản vẫn ở mức cao, nhưng điểm số chưa thể bứt phá do áp lực chốt lời dâng cao. Sắc đỏ bao trùm cổ phiếu bất động sản, với DXG, CII, LDG, HQC, ITA, DRH, IDI, NLG,IJC, DXS, CRE, KDH cùng giảm giá.
Trong khi đó, “anh cả” dòng ngân hàng là VCB nỗ lực kéo chỉ số tăng gần 4 điểm. VCB đóng cửa tăng 3,5% lên 91.700 đồng. Hôm nay là ngày giao dịch không hưởng quyền để Vietcombank chốt danh sách cổ đông trả cổ tức. từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019, 2020 sau thuế, sau trích các quỹ và chia cổ tức.Cụ thể, Vietcombank sẽ phát hành phát hành gần 856,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 18,1% (cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu tại ngày chốt quyền được nhận thêm 181 cổ phiếu mới).
Tuần này, ngoài VCB, thì SHB cũng đã chốt quyền nhận cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 18%. Ngân hàng này dự kiến phát hành hơn 552 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cổ đông hiện hữu với tỷ lệ phát hành là 18%, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận thêm 18 cổ phiếu mới.
Sau khi hoàn thành việc chi trả cổ tức, vốn điều lệ của SHB sẽ tăng thêm hơn 5.520 tỷ đồng, lên mức 36.194 tỷ đồng. Trước Vietcombank và SHB thì MB và HDBank cũng đã chốt danh sách cổ đông vào ngày 17/7 và 20/7 để trả cổ tức bằng cổ phiếu với cùng tỷ lệ 15%.
Theo sau VCB, nhóm dẫn dắt thị trường còn có nhiều cổ phiếu ngân hàng như TCB, BID, OCB, ACB, TPB. ACB vừa thông báo Nghị quyết HĐQT về phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ lần 1 năm 2023, ACB sẽ phát hành tối đa 200.000 trái phiếu trong 20 đợt với mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu hoặc bội số của 100 triệu đồng. Giá phát hành bằng mệnh giá.
Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản và không phải là nợ thứ cấp của ACB. Trái phiếu có kỳ hạn tối đa 5 năm và có lãi suất cố định suốt thời hạn. Mục đích là nhằm phục vụ nhu cầu cho vay, đầu tư cũng như đảm bảo tuân thủ các chỉ tiêu an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 5,18 điểm (0,44%) lên 1.195,9 điểm. HNX-Index tăng 0,4 điểm (0,17%) lên 236,93 điểm. UPCoM-Index giảm 0,11 điểm (0,12%) xuống 88,58 điểm. Xét về xu hướng, nhóm phân tích của Chứng khoán Kiến thiết (CSI) cho rằng, tín hiệu tích cực vẫn còn khá mạnh, tuy nhiên, tại mức điểm hiện nay, nhà đầu tư cần thận trọng hơn và ưu tiên việc bảo toàn lợi nhuận. Vùng 1.190-1.200 điểm là ngưỡng kháng cự tâm lý khá mạnh.
HVN chưa hẹn ngày nộp báo cáo tài chính
Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, Vietnam Airlines (HVN) vừa giải trình việc chậm công bố thông tin kiểm toán năm 2022 và chưa tổ chức đại hội cổ đông năm 2023. HVN cho biết giai đoạn vừa qua đang trong quá trình tái cấu trúc toàn diện, sắp xếp ổn định lại hoạt động sản xuất kinh doanh và từng bước tái cơ cấu doanh nghiệp nên việc thu thập, đối chiếu tài liệu mất nhiều thời gian.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn dịch Covid-19, HVN đã đàm phán và được nhiều nhà cung cấp đồng ý giảm giá hàng hóa, giãn hoãn các khoản thanh toán nhưng đi kèm với một số điều kiện làm thay đổi hợp đồng, nên HVN cần thêm thời gian để đối chiếu, xác nhận công nợ. Do vậy, HVN chưa phát hành được báo cáo tài chính.
Hiện HVN đang trong giai đoạn cuối, cùng với công ty kiểm toán khẩn trương hoàn thiện báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 của HVN. Đồng thời, HVN khẳng định sẽ công bố ngay sau khi hoàn tất báo cáo tài chính.
HVN có nguy cơ bị hủy niêm yết trên HoSE do báo lỗ trong 2 năm liên tiếp 2020 và 2021, và cũng lỗ trên báo cáo tài chính chưa kiểm toán của năm 2022. Nếu sau kiểm toán, Vietnam Airlines vẫn lỗ năm 2022 thì công ty sẽ rơi vào diện thua lỗ 3 năm liên tiếp và có thể bị hủy niêm yết trên sàn chứng khoán.