Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

VN-Index "thăng hoa" 2 tuần liên tiếp, nhà đầu tư cần lưu ý điều gì?

Huyền Phùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù nhịp rung lắc xuất hiện trong 2 phiên cuối tuần, nhưng với 3 phiên tăng mạnh trước đó đã hỗ trợ thị trường có 1 tuần tăng tốt.

VN-Index kết thúc tuần tăng mạnh

Kết tuần giao dịch từ 19-23/8, VN-Index tăng 33,1 điểm (+2,6%) lên 1.285,3 điểm; HNX-Index tăng 4,9 điểm (+2,1%) lên 240,1 điểm. 

Thị trường tiếp đà hồi phục mạnh mẽ trong tuần qua. Sau khi mở gap tăng từ đầu tuần, chỉ số bứt phá thêm hơn 30 điểm trong bối cảnh thanh khoản khá tích cực. Có duy nhất 1 phiên giảm điểm trong tuần vừa qua với lực mua chủ động cải thiện đáng kể so với tuần trước. Tuy vậy, lực cầu có dấu hiệu chững lại trong 2 phiên cuối tuần khi VN-Index tiến tới thử thách ngưỡng kháng cự mạnh 1.300 điểm.

Tổng giá trị giao dịch bình quân phiên tính trên cả 3 sàn trong tuần qua đạt 19.868 tỷ đồng. Tính riêng khớp lệnh, giá trị giao dịch bình quân phiên ở mức 17.658 tỷ đồng, tăng 18,1% so với tuần trước đó và tăng 4,6% so với trung bình 5 tuần.

Về giao dịch khối ngoại, sau khi trở lại gom mạnh trong tuần trước, dòng vốn đã nhanh chóng trở lại đà bán. Luỹ kế sau 5 phiên, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 963 tỷ đồng trên toàn thị trường, trong đó bán ròng 931 tỷ trên kênh khớp lệnh và bán ròng thêm 33 tỷ đồng trên kênh thoả thuận.

VN-Index thêm một tuần tăng mạnh
VN-Index thêm một tuần tăng mạnh

Các cổ phiếu bất động sản tiếp tục có thêm tuần giao dịch khởi sắc, với dòng tiền nhập cuộc tích cực đẩy giá nhiều mã vốn hóa vừa và lớn lên cao, như: DIG(+5,9%), CEO (+11,9%), PDR (+14,9%), NVL (+10,5%), DXG (+12,8%), NHA (+10,7%), VHM (+3,5%), NLG (+3%)...

Một số nhóm cổ phiếu khác cũng có mức tăng đáng khích lệ như chứng khoán, với SSI (+2,75%), HCM (+5,7%), MBS (+5,47%), SHS (+3,7%), VND (+4%), nhờ những thông tin về việc xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung 04 thông tư để gỡ vướng pre-funding và kiến nghị để VSDC được lập công ty con triển khai cơ chế đối tác bù trừ trung tâm (CCP) từ Bộ Tài Chính...

Hai nhóm ngành tài chính khác cũng bật lên với bảo hiểm BVH (+5,35%), BMI (+2,04%), MIG (+1,87%) và một số cổ phiếu ngân hàng TCB (+4,43%), VCB (+4,88%), BID (+6,32%), CTG (+7,54%), MBB (+2,08%), VPB (+1,9%), ACB (+1,87%)...

Nhà đầu tư cần chú ý điều gì?

Theo nhận định của các chuyên gia SHS Research, trong ngắn hạn, VN-Index đang quay trở lại xu hướng tăng trưởng, vượt qua vùng kháng cự 1.280 điểm để tiếp tục kiểm tra lại vùng đỉnh cũ quanh 1.300 điểm. Đây là vùng kháng cự rất mạnh mà sau nhiều lần thử thách trong các tháng 3, tháng 6 và 7/2024 đều chịu áp lực điều chỉnh mạnh. Tuy nhiên, áp lực cung cổ phiếu T+2 về tài khoản thấp và thị trường luân phiên phục hồi tăng điểm ở nhiều nhóm mã, tạo điều kiện cho các vị thế mua có khả năng sinh lợi.

Trong trung hạn, VN-Index duy trì xu hướng tích lũy tích cực trong vùng 1.250 điểm - 1.255 điểm, mở rộng lên vùng 1.300 điểm - 1.320 điểm. Đây là các vùng kháng cự rất mạnh, tương ứng với đỉnh giá của các tháng 06-08/2022 và đỉnh giá các tháng đầu năm 2024. Điểm cân bằng của kênh giá tích lũy này là quanh vùng 1.280 điểm.

Nhìn chung, trong ngắn hạn thị trường vẫn tích cực với áp lực điều chỉnh bình thường ở nhiều mã, cùng với sự luân chuyển phục hồi tích cực ở nhiều nhóm mã, mở ra nhiều cơ hội gia tăng và mở rộng danh mục đầu tư. Nhà đầu tư ngắn hạn và trung hạn nên duy trì tỷ trọng hợp lý và có thể xem xét gia tăng, mở rộng danh mục. Tuy nhiên, cần thận trọng với việc mua đuổi giá cao khi VN-Index tiến đến vùng 1.290 điểm - 1.300 điểm, do thị trường sẽ dần phân hóa và đây không phải là vùng giá hấp dẫn khi VN-Index luôn chịu áp lực điều chỉnh mạnh trước đó.

Đối với các nhà đầu tư có tỷ trọng thấp, dòng tiền mới vẫn có thể cân nhắc chọn lọc các mã chưa phục hồi nhiều, có vùng giá tương đương với VN-Index ở các thời điểm 1.230 điểm - 1.250 điểm trước đây. Mục tiêu là các mã cổ phiếu đầu ngành, có kết quả kinh doanh quý II tăng trưởng tốt và triển vọng tích cực trong cuối năm.