Ông cho rằng, SGK chưa phải là tất cả để đánh giá chất lượng môn Lịch sử ở giáo dục phổ thông, nhưng lại là một trong những khâu cơ bản nhất. Thế nên việc đổi mới môn Lịch sử ở bậc phổ thông, phải tạo đột phá từ SGK.
Muốn sách giáo khoa tốt phải có chương trình chuẩn
Nhiều chuyên gia đồng tình với quan điểm của GS Phan Huy Lê về chương trình SGK môn Sử: Chức năng của SGK chưa được xác định đúng, vẫn bị gò bó bởi chương trình, số trang và chương mục; Kiến thức chuẩn chưa rõ ràng, biên soạn theo hướng nặng về bồi dưỡng kiến thức. Nhiều kiến thức lựa chọn rất tùy tiện, thừa những cái không cần thiết nhưng lại thiếu những cái cơ bản.
Sau năm 2015, Bộ GD&ĐT sẽ đổi mới toàn diện môn Lịch sử. Ảnh: Tấn Thạnh
Để thay đổi chất lượng dạy và học môn học này, GS Đỗ Thanh Bình, nguyên Trưởng khoa Lịch sử ĐH Sư phạm Hà Nội đề xuất, cần có một biện pháp đồng bộ mang tính cách mạng, trong đó có SGK. Bộ SGK Lịch sử phải tốt cả về nội dung và cách thể hiện để đáp ứng với kỳ vọng đổi mới giáo dục hiện nay. Chúng ta phải đổi mới trong tư duy viết SGK, có sự lựa chọn kiến thức và cách thể hiện, đặc biệt nắm chắc tâm lý, khả năng nhận thức của từng độ tuổi, từ đó chú ý đến kỹ năng phát triển năng lực của học sinh. "Điều căn bản là phải có một chương trình phù hợp. Chương trình tốt sẽ là tiền đề của một bộ SGK tốt" - GS Bình nhấn mạnh.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, trước khi viết SGK Lịch sử, ngoài chương trình, cần xây dựng được chuẩn quốc gia môn Lịch sử về kiến thức và kỹ năng. PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ (khoa Lịch sử, ĐH Sư phạm Hà Nội) đưa ra các giải pháp xây dựng bộ SGK mới hiện đại, xây dựng, biên soạn SGK Lịch sử theo hướng phát triển năng lực người học, chú trọng các năng lực như tự học, cá nhân, xã hội, hợp tác, giao tiếp, tư duy, giải quyết vấn đề.
Chương trình đường thẳng, nội dung tích hợp
Đổi mới dạy và học Lịch sử trước hết phải đổi mới chương trình. Theo TS Tưởng Phi Ngọ (khoa Lịch sử, ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh), việc đầu tiên cần làm là xác định vai trò môn Lịch sử trong chương trình giáo dục chung. Đổi mới phải đồng bộ 4 yếu tố: Mục tiêu, nội dung, phương pháp và kiểm tra đánh giá.
Chương trình thiết kế theo hướng đường thẳng để giáo viên có thêm thời gian áp dụng các phương pháp dạy tích cực. GS Phan Huy Lê đề nghị, lượng kiến thức SGK phải gấp đôi, gấp ba thay vì trên dưới 100 trang, nội dung phải phong phú, nhất là tính sinh động. Đặc biệt, việc biên soạn và cập nhật SGK cũng luôn phải đặt ra.
Để phù hợp với khuynh hướng của nền giáo dục hiện đại, PGS Nghiêm Đình Vỳ đề nghị, thực hiện tích hợp SGK Lịch sử với một số môn có liên quan. Cụ thể, ở cấp tiểu học là các nội dung về tự nhiên và xã hội, ở cấp THCS có thể thuộc môn khoa học xã hội. Riêng bậc THPT, SGK viết dưới dạng chuyên đề, chủ đề. Có ý kiến cho rằng, SGK cần được tích hợp ngay trong 3 bộ phận tạo thành của bộ môn Lịch sử: Lịch sử Việt Nam, khu vực và thế giới.
Từ thực tế dạy học, ông Trần Trung Hiếu, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) đề nghị hết sức cụ thể: Giảm tải những nội dung mang tính hàn lâm, tăng thêm những câu chuyện lịch sử, phần bối cảnh; Mở rộng thành phần tham gia biên soạn và thẩm định SGK là các thầy cô ở phổ thông; Kiến thức lịch sử các cuộc kháng chiến, chiến tranh thế giới và Việt Nam cần nêu rõ sự thiệt hại, sự thương vong của dân tộc ta để giáo dục học sinh truyền thống yêu nước và giá trị của độc lập tự do.
Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, dù có thay đổi SGK, nhưng nếu môn Lịch sử vẫn bị xem là môn phụ, vẫn phải bốc thăm để năm thi, năm không thi tốt nghiệp THPT thì tất cả mọi thay đổi đều vô ích.