Vốn ngoại dồn vào dệt may

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong 10 tháng đầu năm, gần 20 tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư hàng trăm triệu USD vào ngành dệt may Việt Nam.

Đầu tháng 10, Tập đoàn TAL (Hong Kong) được tỉnh Hải Dương quyết định đầu tư 600 triệu USD xây dựng Nhà máy sản xuất sợi, dệt nhuộm và may mặc ở khu công nghiệp Đại An. Dự án dự kiến được triển khai trên diện tích 40ha, vốn đầu tư thời kỳ đầu 200 triệu USD và giai đoạn 2 là 400 triệu USD. TAL đã đầu tư vào ngành dệt may Việt Nam từ năm 2004 với nhà máy tại Thái Bình và có nhiều sản phẩm xuất đi Mỹ.

Trước đó, Nam Định đã cấp phép xây dựng nhà máy sản xuất sợi-dệt-nhuộm có vốn đầu tư 68 triệu USD cho Tập đoàn dệt may Yulun Giang Tô (Trung Quốc). Đơn vị này sẽ xây dựng nhà máy trên diện tích 8ha tại khu công nghiệp Bảo Minh, dự kiến đi vào hoạt động giữa năm 2016.

Tại phía Nam, nhiều tập đoàn của Đài Loan, Hong Kong cũng tăng cường đẩy mạnh đầu tư. Trong đầu tháng 10, Tập đoàn Haputex Development Limited (Hong Kong) và Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Việt Hương đã liên doanh đầu tư 120 triệu USD lập Công ty TNHH liên doanh Nam Phương Textile Limited. Dự án đặt tại Bình Dương rộng 12ha chuyên về lĩnh vực dệt vải, sẽ hoạt động vào đầu 2016, sử dụng khoảng 3.000 lao động. Mỗi năm, nhà máy có thể cung cấp cho ngành may mặc 96 triệu mét vải dệt, 15.000 tấn sợi các loại và 10 triệu sản phẩm may mặc xuất khẩu đi thị trường Mỹ và châu Âu.

 
Dệt may trong nước đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: QH.
Dệt may trong nước đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: QH.
Còn tại khu công nghiệp Đông Nam huyện Củ Chi, TP HCM, 2 dự án với tổng vốn đầu tư gần 200 triệu USD của 2 công ty nước ngoài cũng đang ráo riết triển khai. Trong đó, Công ty TNHH Worldon Việt Nam thực hiện dự án nhà máy sản xuất sản phẩm may mặc cao cấp, quy mô 80 triệu sản phẩm mỗi năm, vốn đầu tư 140 triệu USD. Dự kiến giai đoạn một của nhà máy sẽ chính thức hoạt động vào tháng 6/2015. Còn Công ty TNHH Sheico Việt Nam đang bắt tay đầu tư dự án sản xuất dệt vải, may hàng xuất khẩu với tổng vốn đầu tư 50 triệu USD, giai đoạn một dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 11/2014.

Ngoài hình thức đầu tư xây dựng nhà máy, nhiều tập đoàn nước ngoài còn mua cổ phần hoặc liên doanh vào các lĩnh vực dịch vụ với doanh nghiệp Việt.

Theo thông tin từ Nikkei, Tập đoàn thương mại đa ngành Itochu sẽ mua 5% cổ phần công ty dệt may lớn nhất Việt Nam - Vinatex với giá hơn một tỷ yen (9,25 triệu USD). Chia sẻ với VnExpress, một đơn vị tư vấn IPO cho Vinatex cho hay, việc Itochu muốn đầu tư vào doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã được chuẩn bị từ lâu. Ban đầu, nhà đầu tư Nhật Bản định làm đối tác chiến lược nhưng cuối cùng lại chọn mua theo hình thức đấu giá. Sau khi hoàn tất thương vụ, họ cũng sẽ lên kế hoạch mua sợi và các nguyên liệu khác trong nước hoặc các quốc gia láng giềng như Thái Lan, để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Sau đó, các nguyên liệu này sẽ được xử lý tại nhà máy của Vinatex để xuất khẩu sản phẩm hoàn chỉnh ra thế giới.

Là công ty con dẫn đầu trong Tập đoàn dệt may Việt Nam, Phong Phú đang được khá nhiều công ty nước ngoài nhòm ngó. Cuối tháng 4 vừa qua, để tiến gần hơn với doanh nghiệp này, Công ty Hirose Shokai (Nhật) đã ký kết hợp đồng với Phong Phú liên doanh đầu tư cung ứng các dịch vụ giặt ủi cao cấp. Sau quá trình góp vốn với tỷ lệ 60:40, cả hai đã thành lập Công ty Linen Supply Services (LSS). Dự án này có vốn đầu tư giai đoạn một hơn 3 triệu USD, công suất giặt 18 tấn sản phẩm một ngày. Thời gian tới, liên doanh sẽ tiếp tục khảo sát, nghiên cứu, mở rộng đầu tư tại Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang…

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số lượng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đổ vốn vào ngành dệt may đang tăng dồn dập trong thời gian gần đây. Tính từ đầu năm 2014, đã có gần 20 dự án mới của khối doanh nghiệp FDI được các địa phương chấp thuận chủ trương đầu tư.

Tuy nhiên, theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), việc các doanh nghiệp FDI dồn dập triển khai các dự án quy mô lớn cho thấy khoảng cách giữa doanh nghiệp FDI và trong nước ngày càng nới rộng ra, cảnh báo nguy cơ tụt lại sau của doanh nghiệp trong nước. Đại diện Vitas cho biết, số lượng doanh nghiệp FDI ngành dệt may ít, nhưng quy mô lớn. Hiện kim ngạch xuất khẩu dệt may mỗi năm của Việt Nam hơn 20 tỷ USD, thì khối FDI đã đóng góp tới 12 tỷ USD. Với tốc độ đầu tư như hiện nay thì lợi thế thu hút lượng đơn đặt hàng lớn đang nghiêng về khối này.

Trao đổi với báo giới, ông Phạm Xuân Trình, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Phong Phú nhìn nhận, việc nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt đổ vốn vào Việt Nam là nhằm đón đầu TPP. Hiện nay, đầu tư vào Trung Quốc gặp nhiều khó khăn. Ngược lại, tại Việt Nam chính sách ưu đãi tốt, lao động có tay nghề cao và dồi dào, nằm trong top 5 xuất khẩu dệt may thế giới nên nơi này là "căn cứ địa" tốt để họ đầu tư. Nhưng điều này cũng tạo ra mối lo lớn cho doanh nghiệp Việt.

"Doanh nghiệp trong nước sẽ đối mặt với cạnh tranh khốc liệt, nguy cơ mất dần nguồn nhân lực, đặc biệt lĩnh vực dệt-nhuộm. Bởi lẽ, doanh nghiệp Việt đang nằm trong thế xuất phát điểm thấp, vốn nhỏ, chính sách ưu đãi cho người lao động còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, nước ngoài vào Việt Nam mang theo nguồn vốn lớn, lại được ưu đãi khi xây dựng đầu tư nhà máy", ông Trình giải thích.

Ở một khía cạnh khác, ông Phạm Xuân Hồng, Phó chủ tịch Vitas cho rằng nội lực doanh nghiệp Việt còn yếu, công nghệ còn lạc hậu, trong đó, để phát triển dệt may cần có công nghệ tốt. Mặt khác, Việt Nam luôn phải nhập nguyên phụ liệu ở nước ngoài nên đây là cơ hội tốt để có nguyên liệu giá rẻ.

"Sự mở rộng đầu tư vào dệt may của nước ngoài ở Việt Nam là không thể ngăn cản khi mình chưa làm tốt và còn yếu. Do vậy, để cạnh tranh, doanh nghiệp Việt nên quan tâm cải thiện năng suất và chất lượng, không để ở thế thụ động. Đồng thời, các đơn vị nên nỗ lực cải thiện thu nhập cho người lao động để giữ chân họ", ông Hồng nhấn mạnh.