Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vốn vay nhà ở xã hội: Hiện thực giấc mơ an cư, lạc nghiệp

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Thời gian qua, NHCSXH TP Hà Nội đã tăng cường công tác phối hợp tuyên truyền, triển khai chương trình vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100 của Chính phủ. Từ nguồn vốn này, nhiều cán bộ, công chức, người lao động thu nhập thấp đã hiện thực hóa được mong ước an cư, lạc nghiệp.

Ngỡ như giấc mơ

Trong căn hộ ấm cúng thuộc dự án nhà ở cho người thu nhập thấp tại phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, chị Nguyễn Thị Huyền Trang có cuộc sống hạnh phúc viên mãn bên chồng và 2 con nhỏ.

Chia sẻ về tổ ấm của mình, chị Trang hạnh phúc kể: “Vợ chồng tôi mua được căn hộ này khi vừa tròn 28 tuổi. Khi đó tôi đang là lao động hợp đồng ngắn hạn của UBND phường Phúc La, còn chồng cũng là giáo viên hợp đồng của một trường tiểu học trên địa bàn phường Kiến Hưng. Vợ chồng trẻ, công việc chưa ổn định, vì vậy, giấc mơ về một ngôi nhà riêng là điều mà vợ chồng không dám mơ tới. Nhưng may mắn, năm 2019, thông qua Đoàn thanh niên phường, tôi được tiếp cận với gói vay mua nhà ở xã hội với số tiền được vay là 650 triệu đồng, thời hạn vay là 24 năm. Sau khi ổn định chỗ ở, mọi thứ từ cuộc sống tới công việc cũng thuận lợi hơn”.

Chị Nguyễn Thị Huyền Trang, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông  (áo đỏ) hạnh phúc trong căn hộ của gia đình. Ảnh: Phương Nga
Chị Nguyễn Thị Huyền Trang, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông  (áo đỏ) hạnh phúc trong căn hộ của gia đình. Ảnh: Phương Nga

Cũng được thụ hưởng gói vay mua nhà ở xã hội, chị Trần Thị Thúy Nga – giáo viên trường THCS An Phú, huyện Mỹ Đức được vay 360 triệu để xây nhà. Tiếp chúng tôi trong căn nhà 3 tầng khang trang còn thơm mùi sơn, chị Nga cho biết: Trước khi chuyển về ngôi nhà mơ ước này, vợ chồng chị có 9 năm ở trong căn phòng tập thể chật chội của trường. Cả gia đình 4 người sinh hoạt chung trong một căn phòng 30m2, vì vậy nhiều thứ bất tiện.

“Với đồng lương viên chức ít ỏi của tôi và lương bảo vệ của chồng, tôi chưa bao giờ dám mơ mình sẽ có được căn nhà riêng khang trang như ngày hôm nay. Nhưng với sự hỗ trợ tận tình của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Mỹ Đức, tôi đã thực hiện mong ước của mình. Gói vay này phù hợp khi thời hạn trả nợ lên tới 25 năm, với lãi suất thấp, cũng như khoản tiền gốc phải trả hàng tháng phù hợp với thu nhập trung bình của cán bộ viên chức như gia đình tôi” – chị Nga hạnh phúc nói.

Chia sẻ về chương trình này trên địa bàn Hà Nội, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH Hà Nội Phạm Văn Quyết cho biết: Chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ được triển khai từ năm 2018. Trong những năm qua NHCSXH TP đã thường xuyên phối hợp với Sở Xây dựng rà soát các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn để nắm bắt nguồn cung nhà ở xã hội và nhu cầu vay vốn của các đối tượng mua, thuê mua căn hộ tại các dự án này.

Bên cạnh đó, chi nhánh cũng tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương triển khai tuyên truyền, rà soát trường hợp xây nhà, sửa nhà đúng đối tượng được vay vốn, đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn để hướng dẫn hồ sơ cho vay.

Chị Trần Thị Thúy Nga – giáo viên trường THCS An Phú, huyện Mỹ Đức được vay 360  theo gói vay nhà ở xã hội triệu để xây nhà. Ảnh: Phương Nga
Chị Trần Thị Thúy Nga – giáo viên trường THCS An Phú, huyện Mỹ Đức được vay 360  theo gói vay nhà ở xã hội triệu để xây nhà. Ảnh: Phương Nga

Ông Phạm Văn Quyết đánh giá, Chương trình cho vay này với mức cho vay tương đối cao, thời hạn dài và lãi suất ưu đãi, nên đã thực sự hỗ trợ giúp các đối tượng người thu nhập thấp có tiền để an cư, lạc nghiệp.

Người vay vốn để mua, thuê mua nhà ở xã hội được cho vay tối đa bằng 80% giá trị Hợp đồng mua, thuê mua nhà ở xã hội; đối với trường hợp xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở mức vốn cho vay tối đa là 500 triệu đồng và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay, 70% giá trị dự toán hoặc phương án vay vốn. Thời hạn vay vốn tối đa lên đến 25 năm.

 

"Người dân ai có nhu cầu vay vốn mua nhà ở xã hội đều có thể tìm hiểu về chính sách này tại các điểm giao dịch của NHCSXH được đặt tại UBND các xã, phường, thị trấn, hoặc có thể tìm hiểu qua các tổ Tiết kiệm & Vay vốn tạicác thôn, tổ dân phố." - Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH Hà Nội Phạm Văn Quyết

Đẩy mạnh giải ngân

Theo báo cáo của Chi nhánh NHCSXH TP Hà Nội, đến 30/1/2023, tổng dư nợ cho vay nhà ở xã hội là 280,1 tỷ đồng cho 644 khách hàng vay vốn, trong đó có 555 hộ vay mua căn hộ nhà ở xã hội, 89 khách hàng vay vốn để xây mới, sửa chữa nhà để ở.

Về nguồn vốn để cho vay chương trình này hàng năm được Trung ương phân bổ cho địa bàn Hà Nội cũng cơ bản đáp ứng được nhu cầu vay vốn của Nhân dân.

Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, năm 2022 và năm 2023 nguồn vốn cho chương trình này được bổ sung nhiều hơn. Tuy nhiên, thực tế quá trình giải ngân gói vay nhà ở xã hội vẫn còn nhiều hạn chế, vướng mắc.

Chia sẻ về những khó khăn thực tế khi triển khai, Phó Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH quận Hà Đông Phạm Thị Liên chia sẻ: Việc triển khai chương trình nhà ở xã hội tiến độ giải ngân chậm do hiện nay trên địa bàn quận chưa có dự án nhà ở xã hội mới nào được khởi công, mở bán, các trường hợp vay để xây, sửa nhà có nhu cầu nhưng khi tiếp cận để hướng dẫn hồ sơ thì lại không có nhu cầu nữa hoặc từ chối cho vay do những vướng mắc liên quan đến quy định đảm bảo tiền vay, điền kiện vay vốn khác.

Không chỉ riêng Hà Nội, tình trạng chậm giải ngân gói vay nhà ở xã hội là tình trạng chung ở các địa phương hiện nay. Nguyên nhân do trong quá trình triển khai thực hiện, nguồn cung nhà ở xã hội tại các địa phương còn hạn chế, nhiều công trình chưa khởi công theo kế hoạch; đối tượng có nhu cầu vay vốn nhưng qua rà soát không đủ điều kiện vay.

Hiện, đang có nhiều rào cản trong cơ chế phát triển nhà ở xã hội như chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất nhưng vẫn phải thực hiện quy trình xác định tiền sử dụng đất dự án rồi mới làm thủ tục miễn tiền sử dụng đất. Điều này làm phát sinh thủ tục, chi phí, thông thường các DN đầu tư nhà ở xã hội phải mất 1-2 năm để hoàn thành thủ tục này.

Trước thực tế trên, Thứ Trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đề nghị chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy nhanh tốc độ triển khai các dự án nhà ở xã hội từ đó tạo nguồn cung về nhà ở xã hội; đồng thời hỗ trợ kịp thời các đối tượng có nhu cầu về nhà ở được mua, thuê mua hoàn thiện hồ sơ vay vốn. Trên cơ sở đó, NHCSXH tổ chức tiếp cận, hướng dẫn, triển khai cho vay theo quy định.

Ông Phạm Văn Quyết cho biết: Để tiếp tục đẩy mạnh giải ngân gói vay mua nhà ở xã hội, trong thời gian tới Chi nhánh sẽ tiếp tục rà soát, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong triển khai các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn, đảm bảo tiến độ mở bán theo kế hoạch, tạo nguồn cung về nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu vay của các đối tượng thụ hưởng. Đồng thời, làm cơ sở để tăng trưởng cho vay đối với chương trình cho vay nhà ở xã hội trong năm 2023 và các năm tiếp theo. Bên cạnh đó tiếp tục tuyên truyền để các trường hợp có nhu cầu vay vốn và đủ điều kiện vay để xây, sửa nhà theo quy định.