Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vòng luẩn quẩn

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bất chấp sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, đơn vị chủ trì trong việc khắc phục, sửa chữa sai sót, bất cập ở các dự án BOT giao thông là Bộ GTVT vẫn đang loay hoay trong vòng luẩn quẩn chưa có lối ra. Và, với đề xuất tăng phí tại 49 dự án BOT mà Bộ GTVT vừa đưa ra, có thể thấy cơ quan này đang đi ngược lại “phác đồ điều trị” đối với “căn bệnh” BOT vốn đang ngày càng trầm trọng trong nhiều năm qua.

 BOT Cai Lậy luôn là ''điểm nóng'' của ngành giao thông trong những năm qua
Để biện minh cho đề xuất đó, Bộ GTVT đưa ra số liệu rằng, năm 2018, có 31/52 dự án có lưu lượng phương tiện thực tế cao hơn dự báo trong hợp đồng BOT; có 11/52 dự án có lưu lượng thực tế đạt 80 - 100% so với dự báo và khoảng 10 dự án có lưu lượng thực tế thấp (dưới 80%) so với dự báo trong hợp đồng. Bất ngờ hơn, một trong những lý do khiến lưu lượng phương tiện giảm so với dự báo được Bộ GTVT đưa ra chính là việc thực hiện giảm mức phí chung và miễn giảm cho chủ xe sống quanh trạm thu phí.
Thậm chí, Bộ này còn “dọa” rằng, nếu không được chấp thuận tăng phí, 49 dự án BOT sẽ đối mặt với nguy cơ bị phá vỡ phương án tài chính, khoản vay đầu tư trở thành nợ xấu. Khi đó, nguy cơ Nhà nước phải cấp bù ngân sách để xử lý nợ xấu là điều khó tránh khỏi. Chỉ tính riêng 9 dự án có nguy cơ phá vỡ phương án tài chính sớm nhất mà Bộ GTVT nêu ra, Nhà nước sẽ phải cấp bù tới 3.000 tỷ đồng.
Trở lại với hành trình xử lý bất cập tại các dự án BOT mà Bộ GTVT thực hiện trong thời gian qua, không khó để nhận ra giải pháp gần như duy nhất mà Bộ này nghĩ ra và thực hiện là điệp khúc... giảm giá vé. Đối diện với hàng loạt bất cập ở các dự án BOT giao thông, từ vị trí đặt trạm sai, thời gian thu phí không chuẩn, công tác thu phí bị thất thoát, thiếu minh bạch... nhưng giải pháp duy nhất Bộ GTVT đưa ra vẫn chỉ là “tiếp tục giảm giá vé”.
Có lẽ vì quá tự hào với “thành tích” này mà trong suốt những năm qua, khi báo cáo Chính phủ, Quốc hội hay trả lời dư luận, người dân về công tác xử lý bất cập BOT, Bộ GTVT không bao giờ quên điểm lại con số trạm BOT đã được giảm giá vé. Gần đây nhất, theo số liệu đưa ra là đã có 39 dự án BOT được giảm giá. Trong khi đó, giải pháp được kỳ vọng sẽ giải quyết triệt để hơn những bất cập của BOT hiện nay là triển khai thu phí tự động không dừng, song không hiểu vì sao Bộ GTVT liên tục trễ hẹn dù Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt.
Và rồi, mới đây, Bộ GTVT lại bất ngờ đề nghị tăng phí cho 49 dự án BOT với lý giải rằng nếu không tăng phí, nhiều dự sẽ thành nợ xấu đẩy gánh nặng cho ngân sách Nhà nước. Việc đề xuất tăng phí cho 49 dự án BOT, Bộ GTVT chẳng những tự phủ nhận “niềm tự hào” trong cuộc xử lý bất cập BOT mà còn thể hiện thái độ lửng lơ, thiếu trách nhiệm với chính những bất cập tự mình gây ra. Không hiểu trong thời gian tới, nếu báo cáo “thành tích” trong xử lý bất cập BOT, Bộ GTVT sẽ lấy gì ra để nói khi mà “thành tích” đáng kể nhất là giảm giá vé đã không còn (?!).