Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

VTV và SCIC thoái vốn tại công ty đầu tư Tháp truyền hình Việt Nam

D. Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về thoái vốn tại Công ty cổ phần Đầu tư Tháp Truyền hình Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ đồng ý Đài Truyền hình Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước thoái vốn tại Công ty cổ phần Đầu tư Tháp Truyền hình Việt Nam, bảo đảm theo đúng các quy định của pháp luật, công khai, minh bạch, hiệu quả, không để thất thoát vốn nhà nước.
Đài Truyền hình Việt Nam trao đổi với các đối tác, đề xuất cụ thể tỷ lệ thoái vốn tại Công ty cổ phần Đầu tư Tháp Truyền hình Việt Nam, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ đầu tư nghiên cứu, triển khai dự án Tháp Truyền hình Việt Nam thực hiện các cơ chế, chính sách, pháp luật và các thủ tục về đất đai có liên quan theo đúng quy định.

Trước đó, Bộ Tài chính có công văn gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo về dự án Tháp truyền hình Việt Nam và phương án tái cơ cấu vốn đầu tư tại Công ty cổ phần Tháp truyền hình Việt Nam.

Theo Bộ Tài chính, từ cuối tháng 5, Đài truyền hình Việt Nam (VTV) đã có công văn đề nghị thoái toàn bộ hoặc phần lớn vốn tại công ty trên. Điều đó cũng đồng nghĩa VTV sẽ không tham gia đầu tư dự án Tháp truyền hình Việt Nam - một trong những tháp theo dự kiến ban đầu sẽ thuộc loại cao nhất thế giới. Lý do của đơn vị này là hiện cần tập trung ưu tiên dành nguồn lực đầu tư cho sản xuất chương trình và phát triển kinh doanh trong lĩnh vực truyền hình.

Tại công văn nêu trên, VTV cũng cho biết Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) chủ trương đưa Công ty cổ phần Tháp truyền hình Việt Nam vào danh mục điều chỉnh triển khai thoái vốn (rút 100% vốn khỏi công ty) do dự án không nằm trong danh mục hiện hữu mà Nhà nước cần chi phối hoặc đầu tư góp vốn trong định hướng phát triển của SCIC. Mặt khác, theo báo cáo của VTV thì hiện tại dự án chưa được Thủ tướng phê duyệt, chưa triển khai thực hiện.

Do vậy, Bộ Tài chính đề nghị Văn phòng Chính phủ yêu cầu chủ đầu tư dự án báo cáo lại Thủ tướng về sự cần thiết phải triển khai dự án, mục tiêu và năng lực thực hiện dự án của chủ đầu tư. Trường hợp VTV và SCIC không tham gia dự án đồng nghĩa với việc Nhà nước không đầu tư vốn vào dự án.

Bộ Tài chính cũng đề nghị VTV và SCIC yêu cầu công ty tổ chức Đại hội đồng cổ đông để xác định lại sự cần thiết, mục tiêu của dự án, báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định.

Trước đó, dự án Tháp truyền hình Việt Nam được Thủ tướng đồng ý về chủ trương nghiên cứu, hợp tác đầu tư từ đầu năm 2015. Công trình dự kiến được xây dựng trên khu đất hơn 14 ha tại khu trung tâm đô thị Tây Hồ Tây. Đây được đánh giá là dự án tầm cỡ quốc tế, có tính chất đặc thù nên cần có cơ chế đặc biệt do Thủ tướng quyết định về vốn, hình thức giao đất và phương thức chọn nhà thầu. Dự án cũng được áp dụng chính sách ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật.

Tập đoàn BRG được lựa chọn sau khi Thủ tướng cho phép Đài Truyền hình Việt Nam chọn thêm đối tác là doanh nghiệp tư nhân có năng lực tài chính và kinh doanh, góp vốn cùng tham gia dự án.

Khi đó, lãnh đạo VTV cũng cho biết độ cao của tháp sẽ là 636m, hơn tháp cao nhất châu Á hiện nay là Sky Tree ở Tokyo - Nhật Bản (634m) và tháp truyền hình Quảng Châu - Trung Quốc (600m) và sẽ thuộc loại cao nhất trong số tháp truyền hình đã được xây dựng trên thế giới.

Công ty Cổ phần Tháp truyền hình được cấp giấy chứng nhận đăng ký vào cuối năm 2015 với số vốn điều lệ 600 tỷ đồng.