Các bị cáo đã làm hết trách nhiệm
Trong phần tự bào chữa tại tòa, bị cáo Nguyễn Biên Hùng - nguyên Phó Trưởng đoàn tư vấn giám sát tại Dự án cấp nước Sông Đà cho biết, với nhiệm vụ là Phó đoàn, mọi hành vi dẫn đến sự phạm tội đã được nêu lên trong bản cáo trạng. Tuy nhiên, bị cáo này cho rằng chỉ ký vào công văn giấy tờ nhằm hoàn chỉnh hồ sơ cho bên chủ đầu tư. “Trong toàn bộ dự án này, chức năng nhiệm vụ của tôi đến đâu thì đã hoàn thành đến đó. Khi công trình được vận hành, chúng tôi đã thấy rất mừng. Khi bị khởi tố, rất đau khổ và không biết chia sẻ như thế nào với các bị cáo khác. Nếu tòa chứng nhận tôi có tội, tôi xin nhận tội…” – bị cáo Hùng nói.
Tương tự, bị cáo Hoàng Quốc Thống - nguyên giám sát viên tại Dự án cấp nước Sông Đà cho biết, qua những ngày xét xử, bị cáo cảm ơn các giám định viên khi đã công nhận không thể cắt ống ra để thí nghiệm, khi nghiệm thu có các chứng chỉ kèm theo. Trong cáo trạng đưa ra 7 chỉ tiêu nhưng thực chất chỉ có 5 chỉ tiêu… Tư vấn giám sát đã thực hiện theo đúng quy định đề ra. “Tư vấn giám sát vẫn cho lắp đặt ống cho công trình bởi khi kiểm tra các giấy tờ kèm theo, chúng tôi phải làm theo để kịp tiến độ dự án, đảm bảo cuộc sống mưu sinh và nếu không ký là có tội với dự án. Đây là lý do khách quan mà chúng tôi không thể làm khác được…” – bị cáo Thống cho hay.
Tiếp đó, bị cáo Bùi Minh Quân - nguyên giám sát viên tại Dự án cấp nước Sông Đà cho biết, hiện đã làm trong ngành được 24 năm; tham gia thiết kế, giám sát nhiều dự án cấp nước và đây là dự án lớn nhất. Các bị cáo ở đây đều làm việc hết sức trách nhiệm. Ở đây, dự án có rất nhiều cái mới và đoàn tư vấn giám sát cũng cố gắng làm hết trách nhiệm để mang lại chất lượng tốt nhất. Theo bị cáo Quân, cái gì mới thì không tránh khỏi sai sót nên mong HĐXX cân nhắc, xem xét sự việc. Việc vỡ đường ống, các bị cáo ai cũng buồn khi đã làm hết trách nhiệm nhưng vẫn có sự cố xảy ra…
Cáo trạng quy kết không đúng tội
Trong khi đó, bào chữa cho nhóm bị cáo trong Đoàn tư vấn giám sát, luật sư Lê Ngọc Hà cho rằng, cáo trạng quy kết của Viện KSNDTC là không đúng người, đúng tội. Bên cạnh đó, việc cơ quan điều tra và Viện kiểm sát “hình sự hóa quan hệ dân sự” để khởi tố, điều tra, kết luận về tội phạm như vậy trong vụ án này đối với các cán bộ thuộc Đoàn tư vấn giám sát gồm: ông Đỗ Đình Trì, Nguyễn Biên Hùng, Hoàng Quốc Thống và Bùi Minh Quân như vậy không chính xác, không khách quan và xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của những công dân này. Cụ thể,
Cơ quan CSĐT - Bộ Công an và VKSND tối cao đã “hình sự hóa quan hệ dân sự” đối với các hành vi của Đoàn tư vấn giám sát thực hiện trong quá trình triển khai thực hiện Hợp đồng kinh tế số 18-2006/HĐKT-NSĐ ngày 28/3/2006 giữa Công ty nước & môi trường Việt Nam với Ban quản lý dự án.
Thực hiện Hợp đồng kinh tế số 18 đã ký với Ban quản lý dự án, ngày 10/4/2006, Giám đốc Công ty nước & môi trường Việt Nam (Viwase) đã ban hành quyết định số 59 QĐ/NMT thành lập Đoàn tư vấn giám sát thi công và lắp đặt thiết bị Dự án trong đó xác định “Đoàn tư vấn giám sát có nhiệm vụ tổ chức thực hiện theo đúng hợp đồng đã ký với Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Sông Đà - Hà Nội.
Bên cạnh đó, luật sư Hà còn nhận thấy cáo trạng chưa chứng minh được các dấu hiệu về mặt chủ quan của tội phạm trong cấu thành tội phạm “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”. Bởi, đối chiếu với các tài liệu thể hiện trong hồ sơ vụ án và các lời khai trong biên bản hỏi cung đối với các kỹ sư Đỗ Đình Trì, Hoàng Quốc Thống, Bùi Minh Quân, Nguyễn Biên Hùng có thể khẳng định: Trong quá trình triển khai thực hiện Hợp đồng kinh tế số 18-2006/HĐKT-NSĐ ngày 28/3/2006 giữa Công ty nước & môi trường Việt Nam với Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Sông Đà - Hà Nội, các cán bộ thuộc Đoàn tư vấn giám sát của Viwase đã tuân thủ đúng các nghĩa vụ của mình theo quy định tại hợp đồng kinh tế số 18 và Đề cương giám sát, không có lỗi dẫn đến sự cố vỡ đường ống cốt sợi thủy tinh.
Cơ quan điều tra đã xác định lỗi vỡ ống do chất lượng đường ống không đảm bảo gây ra, khi Kết luận giám định của Bộ xây dựng khẳng định các đơn vị thi công tuyến ống về cơ bản đã tuân thủ yêu cầu thiết kế dự án khi thực hiện, công tác thi công xây lắp (do tư vấn giám sát Viwase thực hiện giám sát tại hiện trường) không phải là nguyên nhân gây ra vỡ tuyến ống thì việc khởi tố, truy tố, xét xử đối với 4 cán bộ Đoàn tư vấn giám sát là bất hợp lý, không công bằng.
Ngoài ra, khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ tư vấn giám sát hiện trường, các kỹ sư Đỗ Đình Trì, Hoàng Quốc Thống, Bùi Minh Quân, Nguyễn Biên Hùng hoàn toàn không có động cơ, mục đích phạm tội. Đặc biệt, không có tư lợi và chỉ đơn thuần là cán bộ làm công ăn lương theo hợp đồng lao động ký với Viwase. Đây là nhóm các kỹ sư chuyên ngành cấp thoát nước có chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình, đã có nhiều năm kinh nghiệm và cống hiến công tác trong nhiều dự án cấp thoát nước có vốn đầu tư ngân sách Nhà nước, vốn đầu tư nước ngoài khắp các tỉnh, TP trên toàn quốc.
Cũng theo luật sư Hà, cáo trạng truy trách nhiệm của Đoàn tư vấn giám sát khi đã không cho thu hồi lô ống cùng loại với ống phát hiện có lỗi chất lượng như phồng rộp, tách lớp, lồi lõm, nhiều vết nứt, xước, rạn xung quanh thành ống ... Tuy nhiên, luật sư cho rằng, Đoàn tư vấn giám sát hoàn toàn không có thẩm quyền thu hồi lô ống cốt sợi thủy tinh được sản xuất cùng loại với những ống đã phát hiện có lỗi chất lượng như yêu cầu bất khả thi của cáo trạng.
Với những phân tích trên, luật sư Hà đề nghị HĐXX, áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội tại Điều 13 Bộ luật TTHS năm 2015, áp dụng quy định tại Điều 25 Bộ luật hình sự năm 2015 tuyên bố hành vi đã thực hiện của các bị cáo Đỗ Đình Trì, Nguyễn Biên Hùng, Hoàng Quốc Thống và Bùi Minh Quân trong quá trình triển khai thực hiện Hợp đồng kinh tế số 18-2006/HĐKT-NSĐ ngày 28/3/2006 giữa Công ty CP nước & môi trường Việt Nam với Ban quản lý dự án không phải là tội phạm.