Vụ án chạy thận làm 9 người chết: Bác sĩ Hoàng Công Lương nhận mức án 42 tháng tù

Đông Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - HĐXX xác định, bị cáo Hoàng Công Lương phải thấy trước được hậu quả trước khi ra y lệnh mà chưa kiểm tra chất lượng nguồn nước. Bởi vậy, tòa tuyên bị cáo Lương mức án 42 tháng tù.

Bị cáo Hoàng Công Lương 
Chiều 30/1, sau 5 ngày nghỉ nghị án, TAND TP Hòa Bình tuyên án bác sĩ Hoàng Công Lương và những người có tránh nhiệm trong vụ án chạy thận khiến 9 người tử vong tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình.
Diễn biến sau 11 phiên xét xử (từ ngày 14/1), đại diện VKS và các luật sư biện hộ phần lớn vẫn giữ quan điểm trái ngược trong việc quy kết tội các bị cáo. Tại phiên tòa chiều nay (30/1), HĐXX đánh giá, cáo trạng truy tố Hoàng Công Lương về tội “Vô ý làm chết người” là có căn cứ.
Theo HĐXX, Hoàng Công Lương là bác sĩ điều trị có chứng chỉ hành nghề và được giao phụ trách về chuyên môn tại Đơn nguyên thận nhân tạo. Bị cáo Lương đã được đào tạo, được cấp chứng nhận về kỹ thuật lọc máu bằng lọc thận nhân tạo. Bởi vậy, bị cáo Lương nhận thức rõ tầm quan trọng của chất lượng nước sử dụng cho việc chạy thận cũng như ngày 28/5/2017, hệ thống nước RO số 2 được sửa chữa.
Sáng 29/5/2017, trước khi ra y lệnh chạy thận, bị cáo Lương chưa được ai bàn giao, chưa được người có thẩm quyền thông báo và chưa chắc chắn hệ thống nước đã bảo đảm an toàn cho việc chạy thận. Khi nghe điều dưỡng thông báo, bị cáo Lương không kiểm tra lại thông tin mà vẫn ra y lệnh khiến sự cố xảy ra.
Hành vi của bị cáo Hoàng Công Lương xâm phạm tính mạng và sức khỏe của người khác được pháp luật bảo vệ. Bị cáo Lương phải thấy trước được hậu quả trước khi ra y lệnh khi chưa kiểm tra chất lượng nguồn nước. Từ những căn cứ nêu trên, bị cáo Hoàng Công Lương bị tòa tuyên phạt 42 tháng tù. Cùng với tội danh “Vô ý làm chết người”, bị cáo Bùi Mạnh Quốc (Giám đốc Công ty Trâm Anh - người trực tiếp sửa chữa hệ thống RO số 2 tại đơn nguyên thận nhân tạo) bị tuyên phạt 54 tháng tù.
Theo HĐXX, đại diện VKS truy tố các bị cáo cùng tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” đều có cơ sở. Do đó, tòa tuyên phạt các bị cáo trước đó làm việc tại BVĐK tỉnh Hòa Bình, gồm: Trương Quý Dương (cựu giám đốc) mức án 30 tháng tù; Hoàng Đình Khiếu (phó giám đốc) mức án 36 tháng tù; Trần Văn Thắng (Trưởng phòng Vật tư thiết bị y tế) mức án 36 tháng tù; Trần Văn Sơn (nhân viên Phòng Vật tư thiết bị y tế) mức án 42 tháng tù và bị cáo Đỗ Anh Tuấn (Giám đốc Công ty CP Dược phẩm Thiên Sơn) mức án 30 tháng tù.
Ngoài ra, HĐXX cho rằng các bị cáo Hoàng Công Lương, Trần Văn Sơn và Bùi Mạnh Quốc phải bồi thường cho các nạn nhân. Tuy nhiên, các bị cáo Lương, Sơn là nhân viên của BVĐK tỉnh Hòa Bình còn bị cáo Quốc là người thực hiện nhiệm vụ của Công ty Thiên Sơn nên BVĐK tỉnh Hòa Bình và Công ty Thiên Sơn phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường. Trong đó, BVĐK tỉnh Hòa Bình phải có trách nhiệm bồi thường chính với 70%; Công ty Thiên sơn chịu 30%. Cũng trong phiên tòa, HĐXX kiến nghị khởi tố điều tra với bác sĩ Hoàng Công Tình tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần