Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vụ án sai phạm tại SAGRI: 2 bị cáo phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”

TÂN TIẾN
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn - TNHH Một thành viên (SAGRI), với 19 bị cáo bị xét xử ở 4 nhóm tội danh. Trong đó có 2 bị cáo phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nhiêm trọng”.

Thay đổi cơ cấu sử dụng đất vẫn không nộp tiền bổ sung
Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, “Tham ô tài sản”, “Che giấu tội phạm” xảy ra tại SAGRI, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 672 tỷ đồng, đang được TAND TP Hồ Chí Minh xét xử.
 Các bị cáo trong vụ án sai phạm tại SAGRI, gây thiệt hại hơn 672 tỷ đồng của Nhà nước, bị dẫn giải đến tòa.
Trong 19 bị cáo bị truy tố thuộc 4 nhóm tội danh nêu trên, có bị cáo Dư Huy Quang (SN 1972, nguyên Trưởng phòng Quản lý đất Sở TN&MT); Nguyễn Thị Thanh An (SN 1967, nguyên Phó Giám đốc Nhân sự hành chính, nguyên Kiểm soát viên SAGRI) bị xét xử tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại khoản 3 điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015. Hiện cả 2 bị cáo được tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú.
Theo cáo trạng của Viện KSND Tối cao, sau khi SAGRI ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Tổng Công ty Phong Phú, rồi nộp 125.379.794.225 đồng để thực hiện nghĩa vụ tài chính khi chuyển mục đích sử dụng đất (SDĐ) và được Sở TN&MT TP Hồ Chí Minh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất với diện tích 36.676,10m2 tại khu phố 4, phường Phước Long B, quận 9 (nay là TP Thủ Đức thuộc TP Hồ Chí Minh). Mục đích sử dụng: Đất ở đô thị; Đất cơ sở giáo dục - đào tạo, thời hạn sự dụng lâu dài.
Tháng 7/2012, SAGRI ký hợp đồng ủy quyền số 149/HĐUQ-TCT, cho Tổng Công ty Phong Phú trực tiếp chỉ đạo, điều hành Ban Quản lý Dự án Khu nhà ở, thay mặt các bên xúc tiến các thủ tục liên quan công tác đầu tư xây dựng và kinh doanh dự án, ngoại trừ các nội dung thuộc thẩm quyền của chủ đầu tư mà pháp luật quy định không được ủy quyền; Lập hồ sơ mời thầu, chỉ đạo việc tổ chức đấu thầu, chọn thầu; Tìm kiếm đối tác góp vốn khách hàng mua nhà ở; Tổ chức triển khai thực hiện các hợp đồng đã ký; Hợp đồng có thời hạn một năm kể từ ngày ký kết.
Ngày 29/8/2013, UBND quận 9 ban hành quyết định 269/QĐ-UBND phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 dự án do SAGRI làm chủ đầu tư. Trong đó có sự thay đổi cơ cấu SDĐ đối với các nhóm nhà ở biệt thự từ 6.500m2 lên 9.568m2 (tăng so với chỉ tiêu quy hoạch đã được phê duyệt làm căn cứ để xác định giá đất tính thu tiền SDĐ khi cho chuyển mục đích SDĐ trước đó).
Ngày 10/1/2014, UBND quận 9 ban hành công văn 71/UBND-QLĐT chấp thuận đầu tư Dự án phát triển Khu nhà ở nêu trên do SAGRI làm chủ đầu tư. Theo đó, SAGRI phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính về quyền sử dụng đất đối với phần diện tích đất do Nhà nước quản lý có trong dự án và tài chính đất đai khác theo đúng quy định. Nhưng sau đó, bị cáo Lê Tấn Hùng, Tổng Giám đốc SAGRI không chỉ đạo Tổng Công ty thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung liên quan đến việc thay đổi cơ cấu SDĐ làm tăng diện tích nhóm đất ở biệt thự theo nội dung văn bản của UBND quận 9.
2 bị cáo cùng tội danh, phạm tội ra sao?
Bị cáo Dư Huy Quang, lúc còn là Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai Sở TN&MT, đã không làm đúng và đầy đủ trách nhiệm thuộc thẩm quyền của mình khi giải quyết hồ sơ đăng ký biến động của Tổng Công ty Phong Phú gửi đến Văn phòng đăng ký đất đai.
Trong hồ sơ thể hiện Dự án Khu nhà ở, đã có sự thay đổi cơ cấu SDĐ, nhưng không có chứng từ thể hiện việc nộp nghĩa vụ tài chính bổ sung của SAGRI, đồng thời hợp đồng chuyển nhượng dự án không thể hiện giá trị quyền SDĐ khi chuyển nhượng dự án. Nhưng bị cáo Quang đã không yêu cầu xác minh về nghĩa vụ tài chính bổ sung của SAGRI, không yêu cầu SAGRI và Tổng Công ty Phong Phú báo cáo giải trình hoặc bổ sung hoàn thiện hợp đồng chuyển nhượng dự án theo đúng quy định pháp luật những nội dung trên chưa thực hiện là chưa đủ điều kiện và căn cứ pháp lý để đăng ký biến động.
Tuy nhiên, ngày 9/5/2018, Dư Huy Quang đã ký xác nhận việc chuyển tên người SDĐ cho Tổng Công ty Phong Phú. Chính vì sự thiếu trách nhiệm của Quang trong thực hiện nhiệm vụ đã dẫn tới hậu quả dự án nêu trên đã được hoàn tất việc chuyển nhượng trái pháp luật từ SAGRI sang Tổng Công ty Phong Phú.
Đối với bị cáo Nguyễn Thị Thanh An, thời điểm này là Kiểm soát viên SAGRI, An biết việc chuyển nhượng Dự án Khu nhà ở, phải thực hiện đúng quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, phải tiến hành thẩm định giá, xác định giá trị chuyển nhượng theo giá thị trường và các quy định pháp luật khác có liên quan. SAGRI chưa có phương án, kế hoạch thoái vốn tại dự án trình cơ quan đại diện chủ sở hữu là UBND TP Hồ Chí Minh phê duyệt. Với vai trò của mình, bị can An có trách nhiệm kiểm tra tính hợp pháp của Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc trong thực hiện quyền chủ sở hữu, trong hoạt động điều hành kinh doanh tại SAGRI; Yêu cầu cung cấp bất kỳ hồ sơ, tài liệu để kiểm tra theo quy định; Báo cáo và khuyến nghị kịp thời tới chủ sở hữu về những hoạt động bất thường, trái quy định pháp luật.
Bị cáo Nguyễn Thị Thanh An không chịu sự chỉ đạo hay sức ép nào cản trở thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Kiểm soát viên, nhưng đã không làm đầy đủ trách nhiệm của Kiểm soát viên để Lê Tấn Hùng làm thủ tục chuyển nhượng toàn bộ Dự án Khu nhà ở do SAGRI làm chủ đầu tư cho Tổng Công ty Phong Phú trái quy định của pháp luật.
Trong quá trình điều tra, Dư Huy Quang khai khi giải quyết việc đăng ký biến động quyền SDĐ dự án nêu trên, không được hưởng lợi ích vật chất, không chịu sức ép chỉ đạo của người khác, không tham gia bàn bạc về việc chuyển nhượng và giá trị chuyển nhượng. Do thiếu trách nhiệm không kiểm tra hồ sơ và nội dung hợp đồng nên không phát hiện được sai phạm của hồ sơ nên mới ký xác nhận.
Còn Nguyễn Thị Thanh An thừa nhận sai phạm của mình. An khai không có bất cứ sự chỉ đạo hay sức ép nào cản trở thực hiện chức năng, nhiệm vụ của kiểm soát viên, và không được hưởng lợi ích vật chất gì trong việc làm sai này. Với hành vi sai trái của bị cáo Quang và An, đã gây gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền 672.140.972.741 đồng.
Nhóm tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, gồm: Lê Tấn Hùng (SN 1963, nguyên Tổng Giám đốc SAGRI) được xác định chủ mưu. Trần Vĩnh Tuyến (SN 1965, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh); Trần Trọng Tuấn (SN 1969, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh); Nguyễn Thị Thúy (SN 1966, nguyên Kế toán trưởng SAGRI); Vân Trọng Dũng (SN 1967, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên SAGRI); Hồ Văn Ngon (SN 1958, nguyên Phó Tổng Giám đốc SAGRI); Lê Văn Thanh (SN 1962, nguyên Phó Chánh Văn phòng UBND thành phố); Nguyễn Thanh Chương (SN 1974, nguyên Trưởng phòng Đô thị thuộc Văn phòng UBND thành phố); Phan Trường Sơn, Trần Quốc Đạt và Lê Tấn Hòa (Cả 3 là cán bộ Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh).
Nhóm tội “Tham ô tài sản”: Lê Tấn Hùng, Nguyễn Thị Thúy; Nguyễn Thị Tuyết Mai (SN 1980, nguyên Trưởng phòng Nhân sự hành chính SAGRI); Trần Văn Trường (SN 1976) và Đỗ Sĩ Hoài Thanh (SN 1977, cả 2 nguyên là Giám đốc và Kế toán trưởng Công ty CP Du lịch Thanh niên xung phong); Đoàn Quang Hồi (SN 1972) và Nguyễn Thị Nguyên (SN 1968, cả 2 nguyên là Giám đốc và Kế toán trưởng Công ty TNHH TMDV Lữ hành Hòa Bình quốc tế).
Bị cáo Lê Thị Diệp Cẩm (SN 1981, nguyên Phó trưởng Phòng Nhân sự hành chính SAGRI) bị xét xử tội “Che giấu tội phạm”.
Phiên tòa sơ thẩm sẽ tiếp tục với phần xét hỏi vào ngày thứ Hai (13/12) đối với các bị cáo nêu trên.