Vụ án thế kỷ: 6 thanh niên trẻ đối chọi cả châu Âu

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vụ án nghiêm trọng bậc nhất trong lịch sử này sẽ là hồi chuông cảnh báo cho thế giới về biến đổi khí hậu.

Vào hôm 27/9, Tòa án Nhân quyền châu Âu xử một vụ kiện “chưa từng có” trong lịch sử khi sáu thanh niên khởi kiện hơn 32 quốc gia châu Âu do không giải quyết được khủng hoảng biến đổi khí hậu.

Đây là vụ kiện về khí hậu đầu tiên được đệ trình lên Tòa án Nhân quyền châu Âu và là vụ lớn nhất về khí hậu mà tòa án đang xét xử.

Vụ việc được đệ trình lên Tòa án Nhân quyền châu Âu vào năm 2020. Nhận thấy tính cấp bách và mức độ nghiêm trọng của vấn đề, tòa án đã buộc phải hành động nhanh chóng.

Nguyên đơn là những thanh niên Bồ Đào Nha độ tuổi từ 11 đến 24. Họ cho biết đang phải gánh chịu hậu quả khủng khiếp của biến đổi khí hậu và yêu cầu tòa án buộc các quốc gia phải gấp rút hành động.

Vụ cháy rừng thế kỷ đã cướp đi sinh mạng của hàng chục người gần Pedrogao Grande, quận Leiria, Bồ Đào Nha, ngày19/6/2017. Nguồn: CNN
Vụ cháy rừng thế kỷ đã cướp đi sinh mạng của hàng chục người gần Pedrogao Grande, quận Leiria, Bồ Đào Nha, ngày19/6/2017. Nguồn: CNN

Họ nhấn mạnh rằng sẽ là vi phạm nhân quyền nghiêm trọng nếu tòa án không giải quyết yêu cầu của mình, bao gồm vi phạm về quyền sống, quyền tự do, không bị đối xử vô nhân đạo và quyền không bị phân biệt đối xử do tuổi tác.

Họ muốn tòa án ràng buộc các quốc gia gây ra khủng hoảng khí hậu phải có trách nhiệm bảo vệ không chỉ riêng công dân của mình mà còn cả công dân nước khác.

Theo đó, 32 quốc gia, gồm 27 thành viên Liên minh châu Âu cùng với Na Uy, Nga, Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ và Vương quốc Anh, phải hạn chế tối đa hành vi gây ô nhiễm, đồng thời buộc các công ty có trụ sở chính tại lãnh thổ của mình phải cắt giảm lượng khí thải trong sản xuất, kinh doanh.

Với tính chất, quy mô và mức độ nghiêm trọng của vụ án, việc thắng kiện sẽ là lời cảnh tỉnh cho các nước châu Âu và nhiều quốc gia vốn đang ngó lơ ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, buộc họ phải đẩy mạnh các biện pháp hành động khẩn cấp. Ngược lại, nếu các nguyên đơn thất bại, các nước sẽ tiếp tục bỏ qua những cảnh báo về biến đổi khí hậu.

Gearóid Ó Cuinn, Giám đốc Mạng lưới Hành động Pháp lý Toàn cầu (GLAN), cho biết: “Đây chẳng khác nào cuộc chiến giữa chú lùn David và người khổng lồ Goliath. Số lượng các quốc gia phải tự bào chữa cho mình chưa từng có trong lịch sử”.

Về phần mình, các quốc gia bị kiện cho rằng không ai trong số các nguyên đơn chứng minh được tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu lên cuộc sống của mình.

Thậm chí ngay chính Hy Lạp - quốc gia vừa trải qua mùa hè khủng khiếp với các đợt cháy rừng gây chết người hàng loạt - cũng cho rằng: “Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cho đến nay dường như không đe dọa trực tiếp đến cuộc sống hoặc sức khỏe con người”.

Hiện có nhiều lập luận về hướng đi của Tòa án Nhân quyền Châu Âu. Trong đó, tòa án có thể bác bỏ yêu cầu bồi thường của các nguyên đơn dựa trên việc tuyên bố rằng mình không có thẩm quyền xét xử. Còn nếu phán quyết có lợi cho nguyên đơn, nó sẽ giống như một phán quyết pháp lý buộc tất cả 32 quốc gia phải thúc đẩy hành động về khí hậu.

Vụ cháy rừng gây chết người hàng loạt tại Bồ Đào Nha

Nguyên nhân khiến 6 thanh niên buộc phải khởi kiện các quốc gia châu Âu đã bắt đầu từ 6 năm trước. Trả lời CNN, Catarina Mota, một trong những nguyên đơn cho biết: “Vào năm 2017, những trận cháy rừng tàn khốc đã thiêu rụi 500.000 ha rừng Bồ Đào Nha và khiến 100 người thiệt mạng. Khi đám cháy lan đến nơi tôi ở, toàn bộ những ngôi trường trong khu vực đều phải đóng cửa".

Với sự hỗ trợ của GLAN, Mota đã tập hợp thêm các thành viên khác bị ảnh hưởng từ vụ cháy nhằm tìm cách giải quyết. Không chỉ liên quan đến hỏa hoạn, nhóm này cho rằng những hiện tượng khác của biến đổi khí hậu như: nắng nóng kéo dài đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, tình trạng sức khỏe, học tập và làm việc của mình.

“Nó khiến chúng tôi lo lắng về tương lai, sợ hãi về những điều đang xảy ra” - Nguyên đơn André dos Santos Oliviera cho biết.

Đây là vụ kiện lớn nhất trong ba vụ kiện liên quan đến biến đổi khí hậu mà các quốc gia phải có nghĩa vụ với công dân của mình.

Hai vụ còn lại đã được tòa xét xử vào tháng Ba. Trong đó, vụ thứ nhất liên quan đến việc hơn 2.000 phụ nữ lớn tuổi ở Thụy Sĩ buộc nước mình phải giải quyết tình trạng sóng nhiệt do biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Vụ còn lại của một thị trưởng Pháp khi cho rằng chính phủ nước này đã vi phạm nhân quyền khi không hành động đối với biến đổi khí hậu.