Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vụ Dubai nói lên điều gì?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Thế giới đang hết sức lo âu trước việc Dubai World xin khất nợ 60 tỷ USD. Sau khi có thông báo xin khất nợ của Dubai World, Hãng xếp hạng tín dụng S&P đã đánh tụt hạng của một số thể chế có liên quan tới chính quyền Dubai.

KTĐT - Thế giới đang hết sức lo âu trước việc Dubai World xin khất nợ 60 tỷ USD. Sau khi có thông báo xin khất nợ của Dubai World, Hãng xếp hạng tín dụng S&P đã đánh tụt hạng của một số thể chế có liên quan tới chính quyền Dubai. Nhiều sàn thị trường chứng khoán châu Á và châu Âu tuột dốc trong mấy ngày qua.
 
Một số nhà phân tích lo ngại việc thiếu thông tin chi tiết về kế hoạch trả nợ của Dubai có thể làm dấy lên nỗi lo về tình hình tài chính của họ. Nhiều thể chế đầu tư hùng mạnh khác cảnh báo nợ của Dubai có thể lên tới 80 tỷ USD, trong đó 59 tỷ USD là nợ của Dubai World. Nguy cơ Dubai bị vỡ nợ khiến người ta liên tưởng tới vụ phá sản của đại gia Lehman Brothers mùa Thu năm ngoái, khởi nguồn cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Một số còn tỏ ra cực đoan khi đưa ra kịch bản "cuộc khủng hoảng tài chính thứ hai". Giới đầu tư lo ngại hậu quả dây chuyền, khi có thêm những tập đoàn khác trong khu vực xin gia hạn nợ, và tác hại đối với hệ thống ngân hàng sẽ rất nghiêm trọng.
 
Dubai, ốc đảo ở Vùng Vịnh đã bừng tỉnh sau cuộc khủng hoảng nợ của Dubai World - Tập đoàn địa ốc lớn nhất và quan trọng nhất của Tiểu vương Dubai thuộc Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE), từng được biết đến với khẩu hiệu "Mặt Trời không bao giờ lặn ở Dubai World".
  
Dubai là trung tâm lớn thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đồng thời là trung tâm đầu tư ra nước ngoài, với các hoạt động chính là địa ốc, tài chính, du lịch. Năm 2008, Dubai  thu hút 21 tỷ USD đầu tư nước ngoài. 
 
Là một Tiểu vương trong bảy Tiểu vương quốc Árập Thống nhất (UAE), ra đời từ năm 1971. Mỗi tiểu vương quốc thực ra chỉ là một thành phố. Giàu mạnh nhất thì có Abu Dhabi, là thủ đô và trung tâm công nghiệp có rất nhiều dầu mỏ. Đông dân nhất thì có Dubai, là một tiểu vương quốc không có dầu mà lại nuôi giấc mơ trở thành trung tâm thương mại và giải trí giữa sa mạc như Las Vegas của Mỹ, đồng thời cũng là một trung tâm tài chính và dịch vụ quốc tế như Genève của Thụy Sĩ. Lợi thế duy nhất của Dubai là nắm một thương cảng truyền thống có tiếng. Nhờ sự phát triển nhanh trong những năm gần đây Dubai đã trở thành trung tâm du lịch và tài chính trong khu vực.

Nhưng không như những người láng giềng khác, Dubai đã có hướng phát triển hoàn toàn khi phá kỷ lục thế giới. Dubai trong một thời gian dài đã được cả thế giới ngưỡng mộ. Thành công của Dubai trên giấy tờ quả là ngời sáng, với 95% GDP là từ khu vực dịch vụ. Chính quyền Dubai là chủ đầu tư của gần hai chục tập đoàn kinh doanh, đứng đầu là Dubai World, đã vay mượn rất nhiều cho các dự án hào nhoáng mà thật ra có rất ít giá trị kinh tế. Cho đến nay, Dubai là biểu tượng của các kế hoạch đầu tư đầy tham vọng, nhưng không phải nhờ dầu mà nhờ vào địa ốc và tài chính. Nhưng cùng với cuộc khủng hoảng tín dụng toàn cầu, đầu tư nước ngoài bắt đầu giảm. Căn bệnh của Dubai, là "vươn ra quá rộng" với nhiều dự án khổng lồ, từ đảo nhân tạo cho đến cao ốc nhất đỉnh, tất cả chỉ nhờ tiền vay từ bên ngoài. Và nay thì ai cũng thấy là tiểu vương này "nợ như chúa chổm". Thị trường bất động sản chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế Dubai. Nay, Dubai có thể sẽ rao bán bất động sản có giá trị với giá rẻ và gây ra hiệu ứng đôminô trên toàn thị trường bất động sản. Số liệu từ Ngân hàng Deutsche Bank cho thấy giá nhà đất ở Dubai đã giảm một nửa từ tháng 8 tới nay và nhiều công trình nay đã bị bỏ dở vì thiếu tài chính.
 
Về nguyên nhân, nhiều chuyên gia cho rằng Dubai bị tác động nặng nề của khủng hoảng kinh tế và tài chính toàn cầu. Những lĩnh vực mà Dubai dựa vào như địa ốc, tài chính, du lịch lại bị tác hại nhiều nhất. 
 
Một số nhà phân tích cho rằng sự kiện Dubai chỉ là khởi đầu cho sự điều chỉnh trên thị trường. Mohamed El-Erian, Tổng giám đốc Pacific Investment Management Co. của Mỹ nói rằng những khó khăn của Dubai báo trước "sự điều chỉnh quá chậm" trên TTCK và thị trường đầu tư có rủi ro khác vốn lệ thuộc vào việc bơm tiền từ các gói kích thích kinh tế nhiều tỷ USD của chính phủ các nước. Để chống chọi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nhiều nước đã giữ lãi suất ở mức cực thấp và liên tục bơm tiền vào hệ thống tài chính. Và bong bóng tài sản đứng đằng sau các thị trường được cho là khởi sắc thời gian qua.
 
Quan điểm đó cũng nhận được sự đồng thuận của Mark Mobius từ Công ty Templeton, người dự báo cuộc khủng hoảng nợ Dubai có thể làm các TTCK ở các nền kinh tế đang nổi giảm 20%.
 Các nhà phân tích từ Bank of America cảnh báo nếu cuộc khủng hoảng nợ Dubai lan sang các nền kinh tế mới nổi sự phục hồi của kinh tế thế giới có thể sẽ bị thụt lùi. Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Dominique Strauss-Kahn cảnh báo kinh tế thế giới đang trong quá trình phục hồi nên nguy cơ bị tổn thương vẫn rất cao. Do đó, mỗi nền kinh tế cần phải gắn phát triển với tăng cường kiểm soát rủi ro, nhất là trong lĩnh vực ngân hàng.

Trong số các nước có nhiều nguy cơ, tình hình Hy Lạp là đáng ngại nhất và nếu xứ này bị khủng hoảng thì sẽ gieo họa cho các nước trong khu vực Đông Nam của châu Âu. Hy Lạp đáng ngại vì bị bội chi ngân sách quá nặng, tới hơn 12% GDP và mắc nợ đến hơn 110% GDP. Ngân hàng Trung ương châu Âu đang theo dõi tình hình và đã chuẩn bị đối phó, chưa kể đến IMF với dự án cấp cứu của mình. Cho nên Hy Lạp rất khó vỡ nợ và không đến nỗi phải rút khỏi hệ thống tiền tệ thống nhất của châu Âu, là một trường hợp bất khả về pháp lý. Dù sao, kinh nghiệm của Dubai khiến các nước cùng cảnh giác về ảo vọng tăng trưởng thiếu cơ sở và tai họa nối tiếp là bong bóng đầu tư hoặc tín dụng thứ cấp như đã xảy ra tại Mỹ và Châu Âu.
 
Trong một động thái nhằm trấn an giới đầu tư, ngày 29/11, Ngân hàng Trung ương UAE cam kết sẽ hỗ trợ các ngân hàng trong nước và quốc tế đang hoạt động tại nước này, thông qua việc hỗ trợ khả năng thanh khoản và khẳng định hệ thống tài chính vẫn lành mạnh. Ngân hàng đang theo dõi sát sao tình hình sau cuộc khủng hoảng nợ Dubai để bảo đảm không gây phương hại tới nền kinh tế. IMF và nhiều nước đã hoan nghênh động thái trên của Ngân hàng Trung ương UAE, đồng thời kêu gọi nhà chức trách Dubai có một cơ chế phối hợp giải quyết vấn đề giữa các chủ nợ và Dubai World.
 
Các nhà phân tích đang thận trọng chờ xem tình hình sẽ diễn tiến ra sao. Theo họ, sự kiện Dubai nhắc nhở mọi người rằng sức mạnh của hệ thống tài chính toàn cầu chưa thực sự trở lại bình thường. Trong bối cảnh đó, các nhà lãnh đạo chính trị ra sức trấn an rằng nay nền kinh tế thế giới đã đủ vững chắc để chống đỡ với nguy cơ tương tự như nguy cơ vỡ nợ của Dubai.

Bộ phận phân tích thông tin kinh tế (EIU) thuộc tạp chí The Economist (Anh) cho rằng vụ khủng hoảng nợ của Dubai World làm thị trường tài chính rung động, tuy nhiên cho đến nay dường như ảnh hưởng của nó chỉ hạn chế ở khu vực vùng Vịnh. Về phương diện quốc tế, vụ việc này tác động đến nhận thức của nhà đầu tư về rủi ro ở cả các nước phát triển và các nước đang phát triển. Sự phục hồi giá tài sản trên toàn cầu đã tạo ra sự tự mãn trong những tháng gần đây. Tuy nhiên, vụ việc này là lời cảnh báo rằng sự phục hồi đó trì hoãn cái ngày người đi vay có thể trả được nợ và rằng vẫn cần một quá trình khó khăn để cơ cấu lại nợ trước khi nền kinh tế toàn cầu trở lại tình trạng khoẻ mạnh.

Cuộc khủng hoảng của Dubai như một lời cảnh tỉnh kịp thời rằng kinh tế toàn cầu chưa phục hồi hoàn toàn. Nhiều vấn đề vẫn còn đang lẩn khuất trong hệ thống tài chính toàn cầu và có khả năng gây ra sự đổ vỡ trên diện rộng. Tác động lớn nhất của những khó khăn này là nó ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư. Sự bối rối không biết các khoản nợ của Dubai World có được chính phủ bảo đảm hay không và liệu một sự phá sản có tiếp tục dẫn đến một sự phá sản chủ quyền hay không là yếu tố chính làm thị trường rối loạn. Sự kiện này cũng thể hiện rõ tâm lý mong manh của nhà đầu tư và chủ nợ, và đặt ra nghi vấn về triển vọng tăng trưởng và khả năng trả nợ của chính phủ ở các khu vực khác trên thế giới có mong manh như thế không.

Rõ ràng là những cơ sở cho sự phục hồi kinh tế toàn cầu và sự tăng giá của cổ phiếu và các tài sản khác là mong manh. Tình trạng tài chính công rất yếu ở nhiều nước trong năm qua tạo ra những lo ngại về khả năng của chính phủ trong việc tiếp tục thúc đẩy kinh tế phục hồi thông qua các biện pháp kích thích tốn kém. Nó cũng gây ra những lo ngại về mức độ tin cậy của bản thân các chính phủ. Nếu các vụ việc ở Dubai làm các nhà đầu tư đánh giá lại rủi ro chủ quyền thì nhiều chính phủ sẽ đối mặt với chi phí đi vay cao hơn. Điều này có thể làm cho tình trạng tài chính công đã xấu ở nhiều nước càng xấu thêm.

Sự sẵn sàng mua cổ phiếu của các nhà đầu tư cũng bị ảnh hưởng làm thị trường chứng khoán lại đi xuống. Đối với các doanh nghiệp, việc giá tài sản cao hơn trong mấy tháng qua đã giúp cân đối bản quyết toán và che đậy nhiều vấn đề có thể tái nổi lên nếu giá tài sản lại giảm mạnh trở lại. Trong những năm bùng nổ, nợ của doanh nghiệp và hộ gia đình đã tăng mạnh ở nhiều nền kinh tế, chủ yếu là ở các nước phát triển. Mặc dù các thị trường đang lên và một nền kinh tế toàn cầu đang phục hổi đã tạo ra một bước đệm nhưng vẫn còn một số lượng nợ rất lớn mà cuối cùng thì các khoản nợ này cũng bung ra. Đây chính là điều Dubai đang phải chịu hiện nay và không sớm thì muộn các nền kinh tế khác cũng phải trải qua quá trình này.

Cuối cùng, những giả định mong manh nhất chính là những giả định về tăng trưởng toàn cầu. Nếu các thị trường bắt đầu tin rằng sự phục hồi toàn cầu được xây trên cát, khi đó sẽ có có một sự đảo ngược về tâm lý mang tính huỷ diệt. Các chính phủ kẹt tiền không thể tiếp tục cung cấp các kích thích tài chính và có nguy cơ lớn kinh tế toàn cầu lại đi xuống khi các chương trình kích thích hiện nay kết thúc.
 
Vụ Dubai có thể là một vấn đề độc nhất, nhưng vấn đề này là triệu chứng thể hiện những nhược điểm lớn tiềm tàng trong nền kinh tế toàn cầu./.