Theo đó, trả lời HĐXX, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Sơn cho biết, mặc dù là giám đốc doanh nghiệp nhưng bản thân không tham gia công việc kinh doanh và chỉ làm theo chỉ đạo của chồng.
Về số tiền 263 tỷ đồng vợ chồng Sơn bị cáo buộc đã chiếm đoạt, phải hoàn trả cho BIDV, cựu Giám đốc Công ty Hà Nam nhiều lần khẳng định trước tòa sẽ bồi thường. Theo bị cáo Sơn, hiện Công ty Hà Nam không còn hoạt động, mọi tài sản của công ty đã thế chấp hết và bản thân đang được tại ngoại nuôi con.
Tương tự, chồng bị cáo Sơn là Đoàn Hồng Dũng - cựu Giám đốc Công ty Trung Dũng cũng khẳng định sẽ cầm cố, bán hết tài sản, vay thêm anh em để bồi thường thiệt hại hơn 200 tỷ đồng cho Ngân hàng BIDV.
Liên quan đến vụ án này, tại phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án sai phạm xảy ra tại Ngân hàng BIDV, con gái ông Trần Bắc Hà (cựu Chủ tịch HĐQT BIDV đã mất) được xác định là người thừa kế quyền và nghĩa vụ từ mẹ. Cụ thể, ngoài các bị cáo kháng cáo kêu oan và xin giảm nhẹ hình phạt, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là bà Ngô Kim Lan (vợ ông Trần Bắc Hà) cũng có đơn kháng cáo. Tuy nhiên, sau thời gian bị bệnh nan y, bà Lan qua đời hồi tháng 4. Tại phiên tòa phúc thẩm, chị Trần Lan Phương - con gái bà Lan được xác định là người thừa kế quyền và nghĩa vụ kháng cáo của mẹ.
Theo bản án sơ thẩm, ông Trần Bắc Hà phải chịu trách nhiệm chính trong việc để xảy ra sai phạm dẫn đến hậu quả mất vốn của Ngân hàng BIDV. Đối với các tài sản đã kê biên, phong tỏa, ngăn chặn giao dịch đứng tên ông Trần Bắc Hà và có liên quan đến quyền lợi của ông Hà, tòa án cấp sơ thẩm quyết định tiếp tục kê biên, phong tỏa, ngăn chặn giao dịch. Việc này nhằm bảo đảm cho nghĩa vụ hoàn trả của các Công ty Bình Hà, Công ty Trung Dũng với BIDV. Do ông Hà đã mất nên các nghĩa vụ về tài sản của ông Hà được thực hiện theo quy định của điều 615 Bộ luật Dân sự. Nghĩa vụ hoàn trả giữa Công ty Bình Hà, Công ty Trung Dũng.