Vũ khí “mềm” trong đấu tranh, bảo vệ chủ quyền

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian gần đây, các tác phẩm, chương trình biểu diễn, triển lãm về chủ đề biển đảo&...

Kinhtedothi - Thời gian gần đây, các tác phẩm, chương trình biểu diễn, triển lãm về chủ đề biển đảo… lần lượt trình diện công chúng. Điểm chung của hầu hết các chương trình nghệ thuật này là đều không làm vì cát xê mà vì mục đích góp tiếng nói khẳng định chủ quyền biển đảo quê hương của giới văn nghệ sĩ.

Đối với giới văn nghệ sĩ, ngòi bút, màu vẽ, máy ảnh, máy quay là những vũ khí không kém phần sắc bén, nhất là vào thời điểm này.

 
Khách tham quan trong triển lãm ảnh “Chủ quyền biển đảo Việt Nam”. Ảnh: Trần Thùy
Khách tham quan trong triển lãm ảnh “Chủ quyền biển đảo Việt Nam”. Ảnh: Trần Thùy
Mỗi nhà văn là một chiến sĩ

Như chia sẻ của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: "Là một nhà văn, tôi luôn tâm niệm mình phải dùng bản lĩnh của ngòi bút để truyền tải thông điệp yêu nước, kêu gọi, đấu tranh khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam tới độc giả".  Bằng những tác phẩm của mình, các nhà văn, nhà thơ đã gửi đến miền khơi xa những tình cảm yêu mến chân thành. Nhiều tác phẩm trong số đó sau khi được quảng bá đã lan truyền và gây xúc động mạnh đến công chúng. Bài thơ "Nếu một mai cha không về nữa" của một người lính đảo gửi con trai là một điển hình như vậy. Với những câu chữ mộc mạc, giản dị chất chứa tình yêu mãnh liệt với gia đình, Tổ quốc, bài thơ đã khiến nhiều người rưng rưng ngay khi đọc những câu mở đầu: "Tổ quốc gọi rồi... cha phải đi thôi/Con trai à, việc nhà nhờ con nhé/Vì cha biết... con rất mạnh mẽ/Sẽ là bờ vai cho mẹ dựa thay cha...".

Từ giảng đường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, cô sinh viên năm thứ hai Đoàn Thị Ngọc đã sáng tác tới 54 bài thơ tặng các chiến sĩ hải quân nói chung và bộ đội Trường Sa nói riêng.

Nhà văn Bùi Đình Kính, người từng đạt nhiều giải thưởng văn học với những sáng tác về chủ đề biển đảo chia sẻ: "Thế kỷ XXI là thế kỷ "vươn ra biển lớn". Với chúng tôi, biển đảo là một đề tài lớn và mang tính muôn thuở chứ không phải chỉ trong giai đoạn căng thẳng ở Biển Đông đang leo thang như hiện nay. Tuy vậy, điểm nóng của vấn đề lại là động lực kích thích các nhà văn, nhà thơ cầm bút bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc".

Nhiều tác phẩm mỹ thuật, âm nhạc gây xúc động

Cùng với sự ra đời của nhiều tác phẩm văn học, các nhạc sĩ cũng sôi nổi với nhiều sáng tác về chủ đề biển đảo quê hương.  Ca khúc "Hịch biển Đông" của nữ nhạc sĩ Quỳnh Hợp được phỏng từ bài thơ "Khi Tổ quốc bão giông" của nhà thơ, nhà báo Đỗ Thị Hoa Lý là một trong những ca khúc nhận được khá nhiều lời khen của công chúng. Các sân khấu biểu diễn, các nhà triển lãm cũng dồn dập mở cửa đón các sáng tác mới của giới làm nghệ thuật. MV "Những trái tim Việt Nam" với sự tham gia của hơn 100 nghệ sĩ và hơn 1.000 sinh viên của 8 trường đại học, cao đẳng tại TP Hồ Chí Minh vừa ra mắt đã lan truyền nhanh chóng trên các trang cá nhân.

Tiếng nói yêu thương hướng về nơi biển đảo và lời khẳng định chủ quyền càng rõ nét trong các trưng bày mỹ thuật. Ví như triển lãm "Chủ quyền biển đảo của Việt Nam" do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức mới đây đã kịp thời trưng bày hai bộ ảnh mới nhất về lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư Việt Nam đang làm nhiệm vụ giữ gìn biển đảo Tổ quốc được các phóng viên đang tác nghiệp tại quần đảo Hoàng Sa gửi về cũng gây xúc động mạnh với người xem…

Những sáng tác, chương trình nghệ thuật này không chỉ tôn vinh các chiến sĩ, ngư dân ngày đêm bám biển bảo vệ biển đảo quê hương mà còn đánh thức tinh thần yêu nước của mỗi người Việt Nam. Đây chính là vũ khí “mềm" trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.