Chiếc máy bay Airbus A320 của hãng hàng không Afriqiyah Airways tại Libya bị không tặc khống chế buộc phải chuyển hướng và hạ cánh xuống Malta. |
Vụ không tặc khống chế một máy bay Airbus A320 của hãng hàng không Afriqiyah Airways tại Libya, buộc máy bay này phải chuyển hướng và hạ cánh xuống Malta với 118 người ngày 23/12 cho thấy, những lỗ hổng nguy hiểm trong kiểm soát an ninh hàng không và nguy cơ lặp lại vụ tấn công khủng bố 11/9/2001 tại Mỹ.
Khi vụ việc xảy ra, máy bay của Afriqiyah đang thực hiện hành trình từ TP Sebha đến Thủ đô Tripoli của Libya. Trong số 118 người trên máy bay, có 111 hành khách và phi hành đoàn 7 người. Hai tên không tắc có xu hướng “thân Gaddafi” – cựu lãnh đạo của Libya đã dọa cho tổ tung máy bay với một quả lựu đạn trong tay. Các vụ không tặc bắt cóc máy bay chở khách đã trở nên phổ biến hơn trong những thập kỷ gần đây cùng với sự tăng trưởng chóng mặt của ngành hàng không. Trong đó, không thể không nhắc tới sự kiện 11/9/2001 đã trở thành một ngày tang thương nhất trong lịch sử nước Mỹ, đồng thời là nỗi ám ảnh cho toàn nhân loại về nạn khủng bố. Thời điểm đó, 19 tay súng thuộc tổ chức khủng bố al- Qaeda đã khống chế 4 phi cơ của các hãng hàng không Mỹ. Chúng ép 2 máy bay đâm vào tháp đôi Trung tâm thương mại thế giới, một chiếc đâm vào Lầu Năm Góc, chiếc khác dự định lao vào Washington nhưng không thành công. Vụ tấn công khiến 2.996 người thiệt mạng và 6.000 người khác bị thương.
Các nhà nghiên cứu tại trung tâm IOActive đã chứng minh, tin tặc có thể kiểm soát máy bay bằng cách tấn công vào hệ thống giải trí. Lỗ hổng bảo mật này nằm trong hệ thống Panasonic Avionics hiện tại, đang được khoảng 13 hãng hàng không lớn trên thế giới sử dụng, như Emirates, Virgin và Qatar. Chuyên gia Ruben Santamarta tại IOActive cho biết thêm, tin tặc có thể chiếm quyền điều khiển máy bay để thay đổi các thiết lập về độ cao, vị trí, điều khiển đèn chiếu sáng cũng nhiều tùy chỉnh khác. Ngoài ra, tin tặc còn có thể tận dụng lỗ hổng nói trên để đánh cắp thông tin thẻ tín dụng của những người thường xuyên sử dụng hệ thống thanh toán tự động.
Mức độ thiệt hại của cuộc tấn công còn phụ thuộc vào việc các hãng hàng không thiết lập lá chắn cho hệ thống máy tính của họ như thế nào. Các cuộc tấn công tin tặc nhằm vào máy bay từ các hệ thống trên mặt đất cũng đang chứng tỏ sự nguy hiểm “tiềm tàng”. Tháng 6/2015, một cuộc tấn công từ mặt đất khiến 1.400 hành khách dự kiến trên 10 máy bay đã phải chậm 5 giờ ở Ba Lan. Hiện nhiều hãng hàng không đã mạnh tay chi tiền cho hệ thống an ninh nhằm giải quyết các cuộc tấn công mạng, song vẫn thiếu cách tiếp cận toàn diện trước các mối đe dọa ở bên ngoài. Giới chuyên gia lo ngại, nếu cứ tiếp tục “chủ quan” trong an ninh hàng không như hiện nay, thì khả năng vụ 11/9 tiếp theo có thể bị gây ra bởi các tin tặc xâm nhập hệ thống điều khiển máy bay chứ không phải là những kẻ đánh bom tự sát như trước nữa.