Vụ lộ đề thi môn Văn: Hành vi là lộ hay lọt đề thi?

Thái An
Chia sẻ Zalo

​​​​​​​Kinhtedothi - Trước thông tin đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ Văn được đăng tải lên MXH chỉ sau 25-30 phút bắt đầu thi. Hành vi lộ đề thi này sẽ bị xử lý như thế nào?

Làm rõ các đối tượng liên quan

Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an đã thông tin về vụ phát tán đề thi môn Ngữ văn, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, lan truyền trên mạng xã hội.

Theo đó, khoảng 8h ngày 28/6, sau khi thí sinh bắt đầu làm bài khoảng 30 phút, trên mạng xã hội Facebook lan truyền hình ảnh chụp đề thi chính thức môn Ngữ văn, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Vụ việc đã thu hút sự quan tâm chú ý của dư luận cả nước, nhiều ý kiến bày tỏ nghi vấn về tính nghiêm minh, nghiêm túc của Kỳ thi, đặc biệt là nghi vấn lọt đề thi.

Hình ảnh lộ đề thi lan truyền trên mạng xã hội
Hình ảnh lộ đề thi lan truyền trên mạng xã hội

Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo thi của Bộ GD&ĐT và CA các đơn vị, địa phương liên quan triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, truy xét, xác minh làm rõ các đối tượng liên quan.

Đến 13h30 cùng ngày, Cục An ninh chính trị nội bộ đã xác định được 1 thí sinh thuộc Hội đồng thi của tỉnh Cao Bằng có hành vi sử dụng điện thoại Iphone 11 chụp ảnh đề thi (sau khi phát đề khoảng 15 phút) và gửi cho người thân để nhờ giải bài giúp. Hình ảnh sau đó được đăng tải và bị lan truyền trên các trang mạng xã hội.

Cục An ninh chính trị nội bộ đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ, CA tỉnh Cao Bằng và những địa phương liên quan để xác minh, điều tra và xử lý sai phạm theo quy định của pháp luật. Đồng thời, tham mưu với Ban Chỉ đạo thi cấp Quốc gia chỉ đạo Hội đồng thi các tỉnh, thành phố khắc phục những sơ hở trong khâu coi thi; tăng cường kiểm tra, giám sát, chủ động phát hiện và phối hợp với lực lượng CA xử lý nghiêm các trường hợp có hành vi gian lận bằng thủ đoạn sử dụng thiết bị công nghệ cao trong kỳ thi.

Chế tài xử phạt như thế nào?

Dư luận đặt câu hỏi, sau khi đã bóc, mở túi đựng đề thi thì đề thi tuồn ra khỏi phòng thi là "lộ" hay "lọt"? Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, khi đề thi tốt nghiệp Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 còn trong túi đựng đề thi có dán tem thì đó là "bí mật nhà nước" ở dạng tối mật, người làm lộ bí mật này dù cố ý hay vô ý thì cũng đều sẽ bị xử lý hình sự.

Tuy nhiên, khi đề thi đã được bóc, mở theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 22, Quy chế thi THPT năm 2023 do Bộ GD&ĐT ban hành theo Thông tư 15/2020/TT- BGDĐT được sửa đổi bởi Thông tư 06/2023/TT- BGDĐT thì đề thi này không còn là tài liệu mật, không còn được bảo vệ theo Luật bảo vệ bí mật Nhà nước mà sẽ được bảo vệ, bảo đảm theo Quy chế thi.

Thông tin cho thấy, hình ảnh đề thi đăng tải trên mạng xã hội đã có chữ ký của hai giám thị nên đã qua thủ tục bóc mở đề thi, đã "công khai đề thi" với thí sinh theo đúng điểm d, khoản 1, Điều 22 Quy chế thi. Đây là hình thức "công khai" đề thi với các thí sinh nên không còn là "bí mật nhà nước" thuộc loại tối mật để bảo vệ theo Luật bảo vệ bí mật nhà nước.

Trong vụ việc này nếu hành vi làm "lọt" đề thi ra bên ngoài mà không có lỗi của giám thị (giám thị không biết và không thể biết do hành vi gian lận của thí sinh quá tinh vi, sử dụng phương tiện điện tử để truyền tin...), đây chỉ là hành vi gian lận trong thi cử và thí sinh sẽ bị kỷ luật theo quy chế thi chứ không bị xử lý hình sự. Trường hợp giám thị không có lỗi về việc đề thi bị lọt (không biết và không thể biết) thì cũng không bị xử lý, có thể chỉ rút kinh nghiệm.

Trong trường hợp người có chức vụ quyền hạn cố ý làm "lọt" đề thi ra ngoài khiến kết quả thi bị ảnh hưởng thì mới có thể bị xem xét xử lý theo Điều 356 BLHS.

Ngoài ra, thí sinh dự thi nếu vi phạm quy chế thi, để lọt đề thi ra ngoài trước khi hết 2/3 thời gian làm bài có thể bị xử lý theo quy định tại Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT về Quy chế thi tốt nghiệp THPT, trong đó có thể bị áp dụng hình thức xử phạt là đình chỉ thi hoặc các hình thức khác. Nếu phát hiện vi phạm nghiêm trọng có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật hình sự.

Trường hợp hành vi làm lộ bí mật nhà nước có dấu hiệu hình sự, gây hậu quả nghiêm trọng, cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào yếu tố lỗi của người thực hiện hành vi để xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Cố ý làm lộ bí mật nhà nước" hoặc "Vô ý làm lộ bí mật nhà nước" theo quy định tại các Điều 337, 338 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

Với hành vi làm lộ đề thi THPT (nằm trong danh mục bí mật nhà nước thuộc độ tối mật), mức phạt tù cao nhất mà người phạm tội có thể phải đối mặt là 10 năm tù với lỗi cố ý; hoặc 7 năm tù với lỗi vô ý.

Ngoài ra, nếu cá nhân có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ làm lộ đề thi; thực hiện hành vi này vì mục đích vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác, gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng trở lên hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" quy định tại Điều 356 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Bởi vậy, trong vụ việc này CQCA sẽ làm rõ nguồn thông tin qua tài khoản đăng tải đầu tiên để xác định ai là người làm "lọt" đề thi ra ngoài, đồng thời đánh giá mức độ hậu quả thiệt hại để giải quyết theo quy định pháp luật.