Vụ nước giải khát C2, Rồng đỏ nhiễm chì: Khó bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng!

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kể từ khi thông tin nước giải khát C2 và Rồng đỏ của Công ty URC sản xuất có hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép, người dân trót sử dụng những sản phẩm này không khỏi hoang mang, lo lắng cho sức khỏe của mình.

Dù vào cuộc muộn, Bộ Y tế cũng đã chính thức công bố vi phạm ATTP của Công ty URC, tuy nhiên để người tiêu dùng (NTD) có thể đòi lại quyền lợi của mình trong vụ việc này lại không phải chuyện đơn giản.

Nỗi ám ảnh...

Sáng 1/6, sau một ngày Bộ Y tế công bố kết quả thanh tra Công ty URC Hà Nội với số tiền phạt lên đến gần 6 tỷ đồng, nhiều người vẫn tỏ ra bức xúc và cho rằng, số tiền phạt sẽ chẳng thể bù đắp được những ảnh hưởng đến sức khỏe mà NTD sẽ phải đối mặt trong tương lai. Anh Đặng Trần Dũng (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, gia đình anh nhiều năm nay thường xuyên sử dụng nước giải khát C2, giờ khi biết loại nước này chứa hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép, cả nhà ai nấy đều hoang mang, lo lắng. Mặc dù được giải thích rằng không phải lô hàng nào của URC cũng “mắc lỗi” nhưng anh Dũng vẫn một mực khẳng định, khó có thể khẳng định được những lô hàng từ trước đó của URC hoàn toàn đảm bảo...
Đoàn thanh tra cùng đại diện Công ty URC Hà Nội giám sát việc tiêu hủy lô hàng không đạt chất lượng, có hàm lượng chì vượt ngưỡng công bố của nhà sản xuất.
Đoàn thanh tra cùng đại diện Công ty URC Hà Nội giám sát việc tiêu hủy lô hàng không đạt chất lượng, có hàm lượng chì vượt ngưỡng công bố của nhà sản xuất.
Đồng quan điểm, chị Lê Thu Trang (Đông Anh, Hà Nội) có con trai thường xuyên uống nước giải khát Rồng đỏ cho biết, thanh tra và xử phạt Công ty URC là việc cần thiết để răn đe các hãng sản xuất nước giải khát, nhưng thực tế với NTD, đây vẫn là một nỗi ám ảnh. Tìm hiểu hàng loạt thông tin về ảnh hưởng của việc nhiễm chì, chị Trang càng lo lắng gấp bội cho sức khỏe của con trai mình.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, chì là một trong 4 kim loại nặng cực độc gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Cụ thể, khi vào cơ thể, chì sẽ theo máu đến các cơ quan như gan, thận, não, tủy xương, dây thần kinh, cơ… gây tổn hại cho hệ thần kinh. Đặc biệt ở trẻ em có thể gây ra các chứng rối loạn não và máu, đần độn, chậm phát triển. PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh còn cho biết, một khi chì đã tích tụ trong một thời gian lâu dài, đã ngấm đến xương, tủy thì việc thải độc chì cũng vô tác dụng.

Hệ lụy từ chậm thu hồi

Theo diễn biến vụ việc, từ ngày 7 - 11/5/2016, thông tin các phiếu kết quả xét nghiệm của Viện Kiểm nghiệm ATVSTP quốc gia trên một số lô trà xanh C2 và nước tăng lực Rồng đỏ của Công ty URC sản xuất từ tháng 2 đều cho thấy hàm lượng chì vượt ngưỡng tiêu chuẩn được lan truyền trên mạng. Tuy nhiên, kết quả kiểm nghiệm sau đó liên tục bị “nhảy múa”, thay đổi. Ngày 13/5, Cục ATTP (Bộ Y tế) ra thông báo ban đầu về kết quả kiểm nghiệm và khẳng định 10/10 mẫu C2 và Rồng đỏ mà Cục gửi đến Viện Dinh dưỡng để kiểm tra đều an toàn. Thế nhưng, đúng một tuần sau đó, ngày 20/5, chính Thanh tra Bộ Y tế lại yêu cầu thu hồi đối với 3 lô C2 và Rồng đỏ khi dựa trên kết quả xét nghiệm của Viện Dinh dưỡng cho thấy, các lô sản phẩm này thực sự có hàm lượng chì cao. 3 ngày sau, phía Công ty URC cũng tự đưa ra quyết định dừng lưu thông thêm 2 lô C2 và Rồng đỏ sản xuất từ tháng 1, khi trên mạng lại rò rỉ thêm kết quả kiểm nghiệm chì vượt gấp nhiều lần so với tiêu chuẩn của các lô hàng này.

Nhiều NTD cho rằng, quy trình kiểm nghiệm và công bố kết quả của Bộ Y tế trong vụ việc này quá chậm và thiếu thống nhất. Các mẫu C2 nghi “mắc lỗi” sản xuất từ tháng 1 - 2/2016, Rồng đỏ sản xuất từ tháng 11/2015, còn thanh tra thì lấy mẫu vào ngày 13/5, đến khi có kết quả chính thức thì đã ngày 20/5. Trong khi đó, C2 và Rồng đỏ là những sản phẩm được tiêu thụ khá mạnh trong dịp Tết Nguyên đán 2016 và trong dịp nắng nóng vừa qua nên những lô hàng được sản xuất cách đây 2, 3 tháng sẽ không còn bao nhiêu để thu hồi. Ngay trong kết quả thanh tra của Bộ Y tế cũng cho thấy, ước tính gần 4 tỷ đồng tiền hàng của URC chưa thu hồi được sẽ tương ứng khoảng 800.000 chai C2 và Rồng đỏ. Tuy nhiên, URC chỉ thu hồi được 1.184 thùng hàng. Như vậy, 33.000 thùng sản phẩm vi phạm vẫn còn trôi nổi ngoài thị trường, có thể đã hoặc đang chờ để “chui" vào dạ dày NTD. 

Khởi kiện - không đơn giản

Trước những bức xúc của NTD, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, theo Luật Bảo vệ quyền lợi NTD và Luật ATTP, NTD có quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện Công ty URC và được bồi thường thiệt hại do sử dụng phải thực phẩm không an toàn. Tuy nhiên, trong vụ việc này để khiếu kiện, đưa vụ việc ra tòa và đòi bồi thường cho từng cá nhân là không đơn giản, bởi từng NTD mua số lượng ít, mua lẻ và hiện đã sử dụng hết nên việc đánh giá ảnh hưởng tới sức khỏe từng người là khó khăn.

Luật sư Phạm Ngọc Minh - Công ty Luật TNHH Everest (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cũng cho biết, NTD đơn lẻ khó có thể kiện được URC bởi thực tế rất ít người còn lưu giữ chứng cứ (sản phẩm kém chất lượng), và họ cũng khó chứng minh được đã bỏ ra số tiền bao nhiêu và mua số lượng hàng hóa như thế nào và gây thiệt hại (cụ thể là ngộ độc chì) ra sao. Khi đã uống các loại nước này thì NTD phải tự cứu mình bằng cách đi làm các xét nghiệm tổng quát sức khỏe, nếu có phát hiện các triệu chứng y khoa thì nên chữa trị và lưu giữ toàn bộ các kết quả xét nghiệm, chi phí điều trị, các hóa đơn, chứng từ, liệt kê các thiệt hại khác về tài sản… Nhất là phải có chứng cứ chứng minh được mối liên hệ nhân quả từ việc đã lỡ uống nước C2, Rồng đỏ đã nhiễm chì với các hóa đơn, chứng từ hoặc các nguồn chứng minh hợp lý khác để chứng minh rằng mình đã mua nó. Điều này cũng rất khó vì công lý chỉ bảo vệ cho người có chứng cứ trước tòa. Cũng theo luật sư Minh, phải có đông người dân trên cả nước sẵn sàng tập hợp thành các nhóm theo từng địa phương để bảo vệ cho người đã uống nhiễm chì từ lô hàng C2, Rồng đỏ bị Bộ Y tế yêu cầu dừng lưu hành.

Việc đòi quyền lợi của NTD trong vụ việc này sẽ không đơn giản. Nhiều người cho rằng chẳng khác nào “con kiến đi kiện củ khoai”. Vì thế, hơn ai hết, chính NTD cần sáng suốt hơn trong việc lựa chọn các loại nước giải khát bày bán tràn lan trên thị trường.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội:

“Nói không” với nước pha chế, đóng chai

Tất cả các loại nước pha chế, đóng chai đều có khả năng nhiễm chì. Một là, có thể do nguồn nước chế biến không được xử lý theo đúng tiêu chuẩn. Hai là, do trong các chất phụ gia có thể nhiễm chì từ khâu sản xuất trước đó, bởi khi sản xuất các chất phụ gia, người ta thường sử dụng nhiều chất xúc tác hóa học. Vì vậy, cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe là hạn chế tối đa việc sử dụng các loại nước pha chế, đóng chai.
Chánh Thanh tra Bộ Y tế Đặng Văn Chính:

Tiếp tục thanh tra toàn diện Tập đoàn URC

Từ xưa đến nay, chưa có quyết định phạt nào có số tiền cao như thế. Quyết định phạt được đưa ra theo Nghị định 80, do ông Nguyễn Văn Nhiên - Phó Chánh Thanh tra Bộ Y tế, Trưởng đoàn thanh tra Tập đoàn URC ký. URC là một tập đoàn lớn, quyết định phạt và thu hồi các sản phẩm C2, Rồng đỏ thời gian qua là thuộc bộ phận URC Hà Nội. Còn cuộc thanh tra toàn diện Tập đoàn URC vẫn chưa kết thúc. Hiện, đoàn thanh tra vẫn đang làm việc và sẽ tiếp tục thông tin đến NTD nếu phát hiện vi phạm.