Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Vụ sữa bột giả: vì sao sản phẩm lưu hành gần 4 năm không bị phát hiện?

Trao đổi với phóng viên, luật sư Trần Tuấn Anh cho rằng, thật khó hiểu khi cơ quan chức năng liên quan không biết, không ngăn chặn được sản phẩm này đến tay người tiêu dùng trong thời gian dài.

Đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả với số lượng cực lớn trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận vừa bị các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an phát hiện, triệt phá. Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 8 người để điều tra 2 tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.

Người tiêu dùng có thể tham gia tố tụng với tư cách là bị hại

PV: Thưa luật sư, 8 đối tượng vừa bị bắt trong đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả sẽ bị xử lý với tội danh như thế nào?

Luật sư Trần Tuấn Anh: Đối với những hành vi sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả với số lượng cực lớn, đây thực sự là một tội ác. Mức độ bất nhân đã lên đến cực hạn khi tội phạm chủ đích làm giả sữa bột dành cho trẻ sinh non, phụ nữ có thai hoặc cho con bú, người bị tiểu đường, suy thận…

Hệ sinh thái của đường dây sản xuất sữa giả có tới 9 công ty, sản phẩm phủ toàn quốc. Ảnh: Công an Nhân dân

Sữa giả, kém chất lượng đã ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dùng, đặc biệt là đối với nhóm người tiêu dùng kể trên, hậu quả càng khủng khiếp hơn, không chỉ là vấn đề về thể chất mà là tính mạng, thậm chí bị cướp mất cả tương lai.

Với tội ác này, các bị can đã bị khởi tố về hai tội danh: sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm (theo Điều 193, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017) và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng (theo Điều 221, Bộ luật Hình sự). Với tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm, cá nhân phạm tội sẽ phải chịu mức hình phạt nhẹ nhất là phạt tù từ 2 - 5 năm và hình phạt cao nhất đối với các đối tượng này có thể lên đến tù chung thân.

Ngoài ra, cá nhân phạm tội có thể phải chịu các hình phạt bổ sung như phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Riêng hành vi vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng có, tùy theo tính chất, mức độ nghiêm trọng của sự việc, các bị cáo có thể đối diện với các hình phạt như cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn với thời hạn cao nhất từ 10 năm đến 20 năm.

PV: Theo kết quả điều tra bước đầu của cơ quan công an, từ năm 2021 đến nay, đường dây này đã sản xuất 573 nhãn hiệu sữa bột các loại. Các loại sữa dành cho những người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai với các thành phần công bố trên sản phẩm như: chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca, bột óc chó,... nhưng trên thực tế, hoàn toàn không có những chất này. Người sử dụng sữa giả này cần làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình, thưa luật sư?

Luật sư Trần Tuấn Anh: Khi người dân mua phải sữa giả, kém chất lượng, đặc biệt là các loại sữa dành cho trẻ em, người bệnh hoặc phụ nữ mang thai, cần chủ động thực hiện các biện pháp để bảo vệ quyền lợi của mình. Pháp luật Việt Nam luôn chú trọng đến quyền lợi của người tiêu dùng.

Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2010 đã quy định rõ: “Người tiêu dùng có quyền được an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản khi sử dụng hàng hóa, dịch vụ” cũng như có quyền “Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình”.

Vì vậy, trước tiên, người tiêu dùng cần ngừng sử dụng sản phẩm ngay lập tức nếu phát hiện có dấu hiệu bất thường như: bao bì mờ nhòe, thông tin sai lệch, mùi vị lạ. Đồng thời, người tiêu dùng nên giữ lại toàn bộ vỏ hộp, bao bì sản phẩm và hóa đơn mua hàng (nếu có) để làm bằng chứng.

Ngoài ra, có thể chụp ảnh, quay video sản phẩm cùng các dấu hiệu nghi ngờ để hỗ trợ quá trình khiếu nại hoặc tố cáo. Người dân cần chủ động phản ánh đến nơi bán hàng, đồng thời gửi đơn khiếu nại đến cơ quan chức năng như Cục Quản lý thị trường, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc trình báo với cơ quan công an. Trong trường hợp đã sử dụng sữa và có biểu hiện sức khỏe bất thường, cần đi khám và lưu giữ hồ sơ y tế.

Nếu vụ việc được cơ quan công an điều tra, người tiêu dùng có thể tham gia tố tụng với tư cách là bị hại để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Việc chủ động bảo vệ quyền lợi không chỉ giúp người dân tránh thiệt hại mà còn góp phần ngăn chặn hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Trách nhiệm này thuộc về ai, tại sao có kẽ hở nguy hại như thế này?

PV: Theo ông mức phạt với hành vi sản xuất hàng giả, nhất hàng giả liên quan đến sức khỏe con người, hiện nay đã đủ sức răn đe hay chưa?

Luật sư Trần Tuấn Anh: Mức phạt hiện nay đã được nâng cao đáng kể, đặc biệt đối với các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm và thuốc chữa bệnh, nhằm tăng tính răn đe và bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đặc biệt đối với hàng giả là thực phẩm, thuốc, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, có thể bị phạt đến chung thân hoặc tử hình (với thuốc giả).

Do đó, cần có sự tăng cường trong công tác điều tra, truy tố và xét xử để đảm bảo các quy định pháp luật được thực thi nghiêm minh, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả trên thị trường.

PV: Các đối tượng đã tiến hành sản xuất hàng giả từ năm 2021 đến nay mới bị phát hiện. Vậy theo ông trách nhiệm của cơ quan chức năng như thế nào trong vụ việc này? Chúng ta cần có giải pháp như thế nào để ngăn chặn tình trạng tương tự xảy ra?

Luật sư Trần Tuấn Anh: Thật khó hiểu khi các cơ quan chức năng liên quan không biết, không có năng lực thẩm định hay vì lý do nào khác mà không ngăn chặn được sản phẩm này đến tay người tiêu dùng.

Những sản phẩm kém chất lượng như trên đã lưu hành trong gần 4 năm qua, nhưng cả hệ thống kiểm soát an toàn, chất lượng thực phẩm cũng không hề hay biết cho đến khi lực lượng công an vào cuộc. Điều này đặt ra câu hỏi về trách nhiệm này thuộc về ai, tại sao có kẽ hở nguy hại như thế này? Hậu quả này giải quyết ra sao?

Để ngăn chặn tình trạng tương tự tôi cho rằng cần tăng cường hệ thống kiểm nghiệm độc lập, kiểm tra định kỳ và đột xuất tại các cơ sở sản xuất, đồng thời ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc và khuyến khích người dân tố giác vi phạm thông qua các kênh phản ánh minh bạch, nhanh chóng.

PV: Xin cảm ơn luật sư!

Gần 30.000 viên ma tuý tổng hợp ngụy trang trong các thùng sữa

Gần 30.000 viên ma tuý tổng hợp ngụy trang trong các thùng sữa

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Bắc Giang: giết em trai, lĩnh án 18 năm tù

Bắc Giang: giết em trai, lĩnh án 18 năm tù

16 Apr, 08:11 AM

Kinhtedothi- Ngày 15/4, TAND tỉnh Bắc Giang xét xử sơ thẩm vụ án đối với Nguyễn Văn Bộ (SN 1965, trú xã Hộ Đáp, huyện Lục Ngạn) về tội “Giết người”.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ