Cần khởi tố để điều tra
Theo luật sư Lễ, sau khi Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) công bố phổ điểm thi Trung học Phổ thông (THPT) Quốc gia năm 2018, đã có những ý kiến xung quanh vấn đề học sinh ở tỉnh Hà Giang đạt điểm cao bất thường ở một số môn thi. Kỳ thi quốc gia 2018, cả nước có 76 thí sinh có điểm thi khối A1 đạt từ 27 điểm trở lên, riêng tỉnh Hà Giang đã có 36 thí sinh đạt mức điểm này (chiếm 47,37%). Theo báo chí thông tin, qua xác minh ban đầu cho thấy ông Vũ Trọng Lương, Ohó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang là người trực tiếp can thiệp vào kết quả thi của thí sinh, trực tiếp tẩy xóa bài thi, sửa điểm thi của học sinh.
Tại cuộc họp báo của UBND tỉnh Hà Giang và Cục Quản lý Chất lượng Bộ GD-ĐT ngày 17/7, Phó Trưởng phòng 4 A83 Bộ Công an (thành viên đoàn công tác), giải đáp thông tin liên quan hành vi của ông Lương: “Có rất nhiều tin nhắn gửi số báo danh tới ông Lương. Ông Lương đem về xử lý với các số báo danh đó”, “ông Lương đã chuyển toàn bộ hòm chứa bài thi và máy tính vào phòng và chỉ trong 2 tiếng, ông Lương đã mở khóa, rút bài, tẩy xóa theo đáp án”.
Tổ công tác xác định có 114 thí sinh với hơn 330 bài thi có tổng điểm công bố chênh hơn 1 điểm so với chấm thẩm định. Cá biệt có thí sinh tổng điểm các môn được làm tăng lên đến 26,8 điểm, thậm chí 29,95 điểm so với chấm thẩm định.
Như vậy hành vi là đã rõ, bây giờ trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền là xác định động cơ, mục đích thực hiện hành vi đó để làm gì? Hậu quả là nghiêm trọng ảnh hưởng cả vật chất lẫn tinh thần đến nhiều học sinh, thầy cô giáo khác có kết quả học, thi, làm việc trung thực và gây mất uy tín của Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang và Bộ GD-ĐT. Do đó cần phải khởi tố vụ án để làm sáng tỏ.
Vi phạm nghiêm trọng quy chế thi
Cũng theo luật sư Hồ Nguyên Lễ, theo quy định Thông tư 04/2017/TT-BGDĐT ngày 25/1/2017, quy định về “Quy chế thi THPT Quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT”, tại điều 48 - Xử lý cán bộ tham gia tổ chức thi và cá nhân liên quan khác vi phạm quy chế thi: Người tham gia tổ chức thi là công chức, viên chức có hành vi vi phạm quy chế thi (bị phát hiện trong kỳ thi hoặc sau kỳ thi), sẽ bị đình chỉ làm công tác thi và đề nghị cơ quan quản lý cán bộ áp dụng quy định của pháp luật để xử lý kỷ luật theo các hình thức “buộc thôi việc” hoặc đề nghị “truy cứu trách nhiệm hình sự” đối với người có một trong các hành vi sai phạm sau đây: Đưa đề thi ra ngoài khu vực thi hoặc đưa bài giải từ ngoài vào phòng thi trong lúc đang thi; Làm lộ đề thi, mua, bán đề thi; Làm lộ số phách bài thi; Sửa chữa, thêm, bớt vào bài làm của thí sinh; Cố ý chữa điểm trên bài thi, trên biên bản chấm thi hoặc trong bảng điểm; Đánh tráo bài thi, số phách hoặc điểm thi của thí sinh; Gian dối trong việc sửa chữa học bạ, hồ sơ của thí sinh”.
“Với hành vi vi phạm thực hiện: Sửa chữa, thêm, bớt vào bài làm của thí sinh; Cố ý chữa điểm trên bài thi, trên biên bản chấm thi hoặc trong bảng điểm…, thì ông Lương đã vi phạm pháp luật tại điều 48 Thông tư nêu trên. Bởi các mức điểm thí sinh đạt chỉ 1 nhưng được sửa thành 8, 9 điểm tạo ra hậu quả: học sinh không đạt thành đạt, kết quả giáo dục ảo, chất lượng kém thành hiệu quả cao.... Với tư cách, chức vụ Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang, ông Lương có khả năng và điều kiện để lợi dụng chức vụ, quyền hạn sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu, hồ sơ thi của học sinh... mà người đó đang quản lý theo chức vụ, quyền hạn của mình”, luật sư Lễ nhận định.
Vụ việc không đơn giản chỉ có mỗi ông Lương
Từ hành vi trên là có dấu hiệu: Vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác, lợi dụng chức vụ, quyền hạn sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ tài liệu... của tội “Giả mạo trong công tác” theo quy định tại điều 359 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017: “Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi: Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu...”.
Nếu mở rộng điều tra, có thể trong vụ án có đồng phạm, có thể có cả những người không có chức vụ, quyền hạn thì họ chỉ có thể là người tổ chức, xúi dục hoặc người giúp sức.
Ngay sau khi phát hiện đối với các hành vi vi phạm có dấu hiệu hình sự thì các cơ quan quản lý giáo dục lập hồ sơ gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định; đối với các trường hợp vi phạm khác, tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ xử lý kỷ luật theo các hình thức đã quy định pháp luật.
Điều 359 về tội “Giả mạo trong công tác” 1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm: a) Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; b) Làm, cấp giấy tờ giả; c) Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm: a) Có tổ chức; b) Người phạm tội là người có trách nhiệm lập hoặc cấp các giấy tờ, tài liệu; c) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 02 giấy tờ giả đến 05 giấy tờ giả. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm: a) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 05 giấy tờ giả đến 10 giấy tờ giả; b) Để thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm: a) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 11 giấy tờ giả trở lên; b) Để thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm, có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng. |