Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vụ tấn công tòa báo tại Paris - Mất mát lớn của nước Pháp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau vụ sát hại nghiêm trọng nhất ở Pháp kể từ năm 1945 tại tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo, Paris và nhiều thành phố khác trên khắp nước Pháp đã trải qua “đêm trắng” để tượng niệm các nạn nhân. Sự ra đi của những cây bút kỳ cựu của tạp chí này đã để lại nỗi tiếc thương sâu sắc trong giới văn nghệ sĩ châu Âu.

Toàn bộ ban biên tập và những cây biếm họa kỳ cựu của tạp chí Charlie Hebdo đều có mặt tại tòa soạn khi vụ tấn công định mệnh xảy ra.

Stephane Charbonnier – Tổng thư ký tòa soạn quả cảm

Trong đó, Stephane Charbonnier - Tổng thư ký tòa soạn Charlie Hebdo, bút danh Chard đã phải sống trong sự bảo vệ nghiêm ngặt của cảnh sát từ tháng 11/2011. Là họa sĩ châm biếm, cây viết trào phúng nổi tiếng từng làm việc cho các tạp chí truyện tranh hàng đầu Pháp - Bỉ như L'Echo des Savanes, Fluide Glacial và ấn phẩm hàng ngày của tờ Humanité, nhà báo 47 tuổi này trở thành Tổng thư ký tòa soạn của Charlie Hebdo từ năm 2009. Kể từ đó, với mục tiêu theo đuổi tự do ngôn luận, ông đã không ngần ngại tham gia, dẫn dắt các biên tập viên chống lại những điều cấm kỵ mà thế giới Hồi giáo đặt ra.
Tổng biên tập Stephane Charbonnier
Tổng thư ký tòa soạn Stephane Charbonnier
Sau khi tuần báo trào phúng này phát hành ấn bản đặc biệt châm biếm về nhà tiên tri Muhammed, tạp chí Charlie Hebdo không chỉ nhận nhiều lời đe dọa trả thù mà còn bị đánh bom. Năm 2012, một cuộc tranh cãi lớn đã nổ ra sau khi tạp chí này tiếp tục đăng tải các hình ảnh biếm họa khác về nhà tiên tri Muhammed. Trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Tel Quel, Charbonnier đã khẳng định: Tôi không sợ bị trả thù. Tôi không có vợ, con, không có xe hơi, không có thẻ tín dụng. Có thể bạn sẽ nghĩ tôi kiêu ngạo nhưng tôi thà chết đứng còn hơn sống quỳ gối.

Jean Cabut – huyền thoại của làng truyện tranh

Với bút danh Cabu, Jean Cabut đã làm mưa làm gió thị trường truyện tranh Pháp từ những năm 1960 đến 1980 và là cây bút chủ lực của tờ Le Canard Enchaîné, Hara-Kiri cũng như Charlie Hebdo.
Jean Cabut ra đi để lại nhiều nuối tiếc cho độc giả nước Pháp
Jean Cabut ra đi để lại nhiều nuối tiếc cho độc giả nước Pháp
Không chỉ là một huyền thoại của làng truyện tranh nước Pháp, góc nhìn hài hước nhưng sâu sắc về các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội đã giúp ông trở thành khách mời thường xuyên của các chương trình bình luận trên truyền hình. Trong đó, ông vừa bình luận vừa vẽ tranh biếm họa. Sự ra đi của cây bút 78 tuổi này là một trong những mất mát lớn nhất của làng truyện tranh, biếm họa của nước Pháp.

Georges Wolinski – trụ cột của thế giới biếm họa

Trong suốt sự nghiệp lâu dài của mình, họa sĩ 80 tuổi này đã làm việc cho phần lớn các tạp chí châm biếm hàng đầu nước Pháp như France-Soir, Libération, L'Humanité, Le Nouvel Observateur và Paris Match. 
 Tác giả Georges Wolinski
Tác giả Georges Wolinski
Tháng 5/1968, ông là người đã sáng lập ra tờ L'Enrag. Wolinski được coi là một trụ cột của thế giới biếm họa của Pháp và đã có một quá trình hợp tác lâu dài với Charlie Hebdo. Từ năm 1970 – 1981, ông là biên tập viên của tờ tạp chí này và tiếp tục cộng tác cho đến ngày bị sát hại.

Wolinski đã được trao huân chương Bắc đẩu bội tinh – giải thưởng danh giá nhất nước Pháp năm 2005.

Bernard Verlhac – họa sĩ châm biếm chính trị gia

Verlhac, bút danh Tignous bắt đầu vẽ tranh từ những năm 1980 trước khi chính thức trở thành cây bút biếm họa về chính trị và giới chính trị gia của nhiều tờ báo hàng đầu nước Pháp.
Họa sĩ Bernard Verlhac
Họa sĩ Bernard Verlhac
Năm 2011, tác phẩm Five years under Sarkozy với những bức tranh châm biếm cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy ngay khi ra mắt đã tạo ra một cơn sốt trên thị trường. Họa sĩ 58 tuổi đã gắn bó với tạp chí Charlie Hebdo trong nhiều năm qua, đồng hành cùng ban biên tập vượt qua những giai đoạn khủng hoảng nhất vì bị các đối tượng Hồi giáo cực đoan đe dọa cho đến ngày bị sát hại.

Bernard Maris – giáo sư đa tài

Barnard Maris, 68 tuổi là một nhà kinh tế, nhà báo đã giữ chuyên mục Uncle Bernard hàng tuần trên tạp chí Charlie Hebdo. Ông từng tốt nghiệp chuyên ngành kinh tế tại Toulouse, là tác giả của cuốn sách nổi tiếng về Keynes và tham gia giảng dạy tại nhiều trường đại học danh giá của Pháp, Mỹ cũng như là một chiến lược gia tại Ngân hàng T.Ư Peru.
Giáo sư Bernard
Giáo sư Bernard
Tại thời điểm bị sát hại, ông vừa đảm nhiệm vị trí quan trọng trong ban lãnh đạo tạp chí Charlie Hebdo vừa là giáo sư giảng dạy kinh tế học tại Đại học Paris-VIII.  Ngoài khả năng chuyên môn, ông là một trong những giáo sư đa tài nhất của Pháp với các bài bình luận sắc sảo trên báo chí, và là nhà tranh luận nổi tiếng về chống toàn cầu hóa, đấu tranh cho dân chủ xã hội.
Philippe Honoré và tác phẩm cuối cùng

Philippe Honoré, bút danh Honoré, 73 tuổi là người đang thực hiện những nét vẽ cuối cùng cho bức biếm họa ngay trước khi bị sát hại. Bức vẽ châm biếm nhà lãnh đạo của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) Abu Bakr al-Baghdadi đang phát đi thông điệp năm mới.
 Jean Cabut và Philippe Honoré trong buổi giao lưu với độc giả
Jean Cabut và Philippe Honoré trong buổi giao lưu với độc giả
Là một tấm gương tự học nổi tiếng, Honoré đã được đăng tải tác phẩm đầu tiên năm 16 tuổi và nhiều năm sau đó ông đã làm việc cho hàng loạt các nhật báo lớn của Pháp như Le Monde và Libération. Cây bút 73 tuổi này đã gắn bó và làm việc với Charlie Hebdo ngay từ khi tạp chí này được thành lập vào năm 1992.