Tiến hành phiên tòa xét xử vụ án “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” quy định tại khoản 2 điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, tối 21/7 HĐXX phiên sơ thẩm TAND huyện Đức Hòa, tỉnh Long An tuyên án.
Trước đó trong phần xét hỏi vào ngày 20/7, cả 6 bị cáo gồm: Lê Tùng Vân (SN 1932), Cao Thị Cúc (SN 1960), Lê Thanh Hoàn Nguyên (SN 1990), Lê Thanh Nhất Nguyên (SN 1991), Lê Thanh Trùng Dương (SN 1995) và Lê Thanh Nhị Nguyên (SN 1998) ở “Tịnh thất Bồng lai” tại số 191 A, ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa đều khẳng định cáo trạng truy tố không đúng.
Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Long An, các bị cáo xuất phát từ động cơ lợi dụng quyền tự do ngôn luận để viết, chia sẻ đăng tải, tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Trong khoảng thời gian từ năm 2019 - 2021, các bị cáo đã sử dụng các phương tiện điện tử như: Máy tính, điện thoại di động để đăng tải trên mạng xã hội Facebook và YouTube cá nhân được đăng ký sử dụng có chứa dựng thông tin sai sự thật, bịa đặt, xuyên tạc, nhằm tuyên truyền, kích động xúc phạm uy tín của Công an huyện Đức Hòa, tỉnh Long An; Xúc phạm Phật giáo, xúc phạm danh dự và nhân phẩm của ông Trần Ngọc Thảo (SN 1969, pháp danh Thích Nhật Từ), đã gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội ở địa phương.
Sau 2 ngày xét xử, HĐXX nhận định hành vi tố tụng của Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Long An đúng pháp luật, không có dấu hiệu sai phạm.
Đối với sự vắng mặt của những người tham gia tố tụng, HĐXX phiên sơ thẩm nhận định không ảnh hưởng đến quá trình xét xử vì cơ quan điều tra đã lấy lời khai. Về chứng cứ, căn cứ buộc tội đối với các bị cáo, HĐXX cho rằng trong quá trình xét xử các bị cáo không nhận tội nhưng chứng cứ được thu thập hợp pháp, đúng pháp luật, các kết quả giám định không có dấu hiệu cắt ghép, chỉnh sửa trong 5 video clip. Kết quả giám định cũng xác định tiếng nói của từng người trong các clip. HĐXX cũng xem xét các chứng cứ do Cơ quan An ninh điều tra thu giữ được khi khám xét hộ gia đình bà Cao Thị Cúc.
HĐXX cũng cho rằng đủ cơ sở kết luận dưới sự chỉ đạo và điều hành của bị cáo Lê Tùng Vân, các bị cáo phát triển điểm tu tại gia ở hộ gia đình bà Cao Thị Cúc thành “Tịnh thất Bồng Lai”, sau đó đổi tên thành “Thiền am bên bờ vũ trụ”, và đã đưa những hình ảnh, thông tin không đúng sự thật, vi phạm pháp luật.
Bị cáo Lê Tùng Vân giữ vai trò tổ chức, chỉ đạo các bị cáo khác như: Nhất Nguyên, Hoàn Nguyên lập và quản lý, đăng tải trên các kênh YouTube, Facebook. Bị cáo Lê Tùng Vân chỉ đạo các bị cáo khác quay clip, dựng hình, tiếng rồi duyệt đăng. Trong sự việc xảy ra ngày 12/12/2019 bị cáo Lê Tùng Vân tham gia trực tiếp.
Đối với hành vi của các bị cáo: Nhất Nguyên, Nhị Nguyên, Hoàn Nguyên, Trùng Dương thực hiện theo chỉ đạo của bị cáo Lê Tùng Vân. Hành vi của các bị cáo đã được làm rõ. Bị cáo Cao Thị Cúc là chủ hộ giúp bị cáo Lê Tùng Vân quản lý thu chi, tham gia các nghi thức cúng bái nhằm mục đích quay clip đăng mạng xã hội. Đối với sự việc xảy ra tại trụ sở Công an huyện Đức Hoà, bị cáo Cúc có tham gia trực tiếp.
HĐXX xét thấy bị cáo Lê Tùng Vân và các bị cáo khác đã dùng mạng xã hội, YouTube đăng tải các clip sai sự thật, xuyên tạc, xúc phạm đến uy tín, danh dự của Công an huyện Đức Hoà, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An và cá nhân ông Trần Ngọc Thảo (tức Thích Nhật Từ). Những video clip này có lượt xem, lượt like và bình luận cao, đã gây mất an ninh trật tự địa phương, vi phạm pháp luật.
Từ những nhận định trên, HĐXX phiên tòa sơ thẩm TAND huyện Đức Hòa, tỉnh Long An tuyên án bị cáo Lê Tùng Vân 5 năm tù. Các bị cáo: Lê Thanh Hoàn Nguyên, Lê Thanh Nhất Nguyên, Lê Thanh Trùng Dương, mỗi bị cáo lĩnh 4 năm tù. Bị cáo Lê Thanh Nhị Nguyên 3 năm 6 tháng tù, riêng bị cáo Cao Thị Cúc lĩnh 3 năm tù.