Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vụ việc xâm phạm bản quyền tác phẩm "Giấc mơ trưa" của nhạc sĩ Giáng Son: Lỗi tại máy?

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Thời gian qua, dư luận bức xúc do ca khúc “Giấc mơ trưa” của nhạc sĩ Giáng Son bị xâm phạm bản quyền. Tuy nhiên, các đơn vị bảo hộ bản quyền cho rằng, Giáng Son đang hiểu nhầm. Ngày 27/10, Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Truyền thông BIHACO (BH Media) đã tổ chức họp báo về vấn đề này.

Theo đại diện BH Media, đơn vị ghi nhận nhạc sĩ Giáng Son có ý thức về bản quyền. Tác giả của ca khúc “Giấc mơ trưa” đã rất cẩn thận chuẩn bị một bản ghi – thuộc quyền sở hữu của chị để đưa lên kênh YouTube riêng của mình. Nhưng vì trên YouTube có nhiều bản ghi “Giấc mơ trưa” của nhiều chủ sở hữu khác nữa. Do đó, khi phát hiện bản ghi “Giấc mơ trưa” của Giáng Son mới được tải lên hơi giống với bản ghi “Giấc mơ trưa” của nghệ sĩ Dương Thuỳ Anh đã đăng tải lên trước đó. Youtube đã so sánh, đối chiếu và tự động gửi thông báo xác nhận bản quyền tới nhạc sĩ Giáng Son.

 Tổng Giám đốc BH Media Nguyễn Hải Bình chia sẻ tại buổi họp báo. Ảnh: Lại Tấn

Chia sẻ tại buổi họp báo ngày 27/10, đại diện BH Media chia sẻ: “Đó là cơ chế quét bản quyền tự động của YouTube, mà những ai đã từng lập kênh YouTube đều trải nghiệm và hiểu. Thông báo đó nhằm mục đích để chủ sở hữu các bản ghi đối soát bản quyền với nhau, và thông báo đó không làm ảnh hưởng đến quyền up bản ghi của Giáng Son. Chỉ cần Giáng Son làm thao tác phản hồi, là chủ sở hữu bản ghi kia sẽ xác minh lại và gỡ xác nhận bản quyền khỏi video. Do đó, việc Giáng Son dùng từ "đánh gậy bản quyền" với trường hợp của chị là chưa chính xác. Thông báo vị phạm bản quyền là mức cảnh cáo dành cho những cá nhân có dấu hiệu vi phạm bản quyền".

 Toàn cảnh buổi họp báo. Ảnh: Lại Tấn.

Theo ông Nguyễn Hải Bình, Tổng giám đốc BH Media, sau khi nhận được ý kiến từ nhạc sĩ Giáng Son, đơn vị này đã trả bản quyền về cho nữ nhạc sĩ. Ông Nguyễn Hải Bình cho biết, doanh thu từ quyền tác giả ca khúc “Giấc mơ trưa” luôn được YouTube đối soát và gửi về VCPMC và cơ quan này có trách nhiệm chuyển tới nhạc sĩ Giáng Son.

Đại diện BH Media chia sẻ: “Có nhạc sĩ nghĩ mình là người tạo ra tác phẩm đó nên có quyền 100% đối với những bản ghi âm, ghi hình liên quan đến tác phẩm của mình. Tuy nhiên, thực tế không phải như vậy, khi nhạc sĩ làm video để đăng lên YouTube mà sử dụng bản ghi âm của chủ sở hữu khác không xin phép sẽ nhận được thông báo bản quyền từ mạng xã hội này”.

Đối với những trường hợp xảy ra khúc mắc về bản quyền, các tác giả có thể liên hệ làm việc với những đơn vị được ủy quyền. Hiện nay ở Việt Nam có 5 tổ chức bảo vệ quyền tác giả và quyền liên quan như: Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Việt Nam (RIAF), Hiệp hội Bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam (APPA), Hiệp hội Sáng tạo và Bản quyền tác giả việt Nam (VCCA), Trung tâm Quyền tác giả Văn học Việt Nam (VLCC).