Duy nhất 1 bị cáo hưởng án treo
Sau nhiều ngày xét xử sơ thẩm vụ án “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” xảy ra tại Công ty Cổ phần VN Pharma (VN Pharma – PV). Chiều 1/10, HĐXX TAND TP Hồ Chí Minh tuyên án 12 bị cáo.
Theo đó, bị cáo Võ Mạnh Cường (SN 1978, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hàng hải quốc tế H&C) bị 20 năm tù; Nguyễn Minh Hùng (SN 1978, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc VN Pharma) 17 năm; Nguyễn Trí Nhật 12 năm; Ngô Anh Quốc 11 năm, cộng 5 năm tù của TAND Cấp cao tại TP Hà Nội thành 16 năm tù; Phan Xuân Thiện và Phan Cẩm Loan mỗi bị cáo 7 năm; Bùi Ngọc Duy 6 năm; Lê Thị Vũ Phương và Phạm Văn Thông mỗi bị cáo 5 năm; Phạm Anh Kiệt 3 năm; Phạm Quỳnh Trang 4 năm. Duy nhất bị cáo Hoàng Trúc Vy 3 năm tù cho hưởng án treo.
HĐXX nhận định qua kết luận điều tra, cáo trạng, các tài liệu, hồ sơ và tranh luận tại tòa, cho thấy lô thuốc 9.300 hộp H-Capita 500mg Caplet (thuốc H–Capiata) chưa có số đăng ký lưu hành tại Việt Nam nên cần phải có hồ sơ pháp lý nộp cho Cục Quản lý Dược (QLD) Bộ Y tế để thẩm định, cấp phép nhập khẩu. Vì vậy khi Võ Mạnh Cường chào lô thuốc nêu trên, Nguyễn Minh Hùng đã yêu cầu cung cấp hồ sơ pháp lý nhưng Cường chỉ cung cấp được các tài liệu gồm: Giấy chứng nhận lưu hành tự do của thuốc H-Capita (FSC); Giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP) do Bộ Y tế Canada cấp cho Công ty Helix Pharmaceuticals Inc (Công ty Helix Canada), địa chỉ 392 Wilson Ave, Toronto, Ontario (Canada), được đóng dấu hợp pháp hóa lãnh sự của Đại sứ quán Việt Nam tại Canada và ký tên tham tán Nguyễn Văn Quyền, cùng 1 hộp thuốc gốc (hộp thuốc mẫu) và tờ hướng dẫn sử dụng thuốc gốc (toa thuốc gốc).
Sau khi vụ án xảy ra, qua điều tra xác định tất cả các loại giấy tờ do Hùng và Cường cùng các đồng phạm lập ra để xin giấy phép nhập khẩu thuốc H–Capiata đều là giả; Lô thuốc H-Capita dùng để chữa bệnh ung thư có nguồn gốc từ Ấn Độ, không phải từ Canada; Công ty Helix Canada là công ty “ma”; Con dấu hợp pháp hóa lãnh sự và chữ ký của tham tán Nguyễn Văn Quyền trên FSC, GMP đều là giả.
HĐXX xác định các bị cáo đều là những người có trình độ, công tác trong ngành dược lâu năm nhưng vì hám lợi đã cố tình làm giả các tài liệu, hồ sơ để nhập lô thuốc nêu trên. Bị cáo Hùng và Cường được xác định giữ vai trò cầm đầu, chủ mưu.
HĐXX kiến nghị nhanh chóng điều tra phần tách ra vụ án
Ngoài mức án tuyên như trên, HĐXX cũng kiến nghị Cơ quan ANĐT Bộ Công an và Viện KSND Tối cao cần nhanh chóng điều tra những phần đã tách ra khỏi vụ án. Đặc biệt phần liên quan đối tượng Raymundo Y.Mararac (quốc tịch Philippines), vì đối tượng này giữ vai trò rất lớn, cung cấp hồ sơ, giấy tờ giả cho Võ Mạnh Cường. Đối tượng Raymundo cũng có địa chỉ rõ ràng, nhiều lần xuất nhập cảnh vào Việt Nam, có hình ảnh cụ thể…, nếu có đủ căn cứ thì xử lý theo quy định của pháp luật.
HĐXX cũng nhận định thông qua vụ án này cho thấy có hiện tượng các công ty kinh doanh nhập khẩu dược phẩm nâng khống giá thuốc thông qua các hợp đồng nhập khẩu. Sau đó nhận lại khoản tiền nâng khống thông qua các công ty chuyển tiền từ nước ngoài về Việt Nam và sử dụng các khoản tiền này phục vụ cho việc cạnh tranh trên thị trường dược phẩm. Việc này làm cho giá của các loại thuốc nhập khẩu vào Việt Nam có tình trạng cao hơn thực tế, gây ảnh hưởng đến người dân, đặc biệt những người lao động nghèo. Do đó đề nghị Bộ Y tế có biện pháp rà soát lại giá của các loại thuốc, đặc biệt các loại thuốc nhập khẩu để điều chỉnh lại giá thuốc cho phù hợp, đúng với giá trị và chất lượng thực sự của thuốc.
“Đối với việc cấp giấy phép nhập khẩu thuốc, hiện nay vẫn còn một số lỗ hổng pháp lý dễ dàng để các đối tượng xấu nhập khẩu hoặc sản xuất thuốc kém chất lượng và tiêu thụ tại thị trường Việt Nam. Một số cán bộ, nhân viên hoạt động trong ngành y tế vẫn chưa chấp hành nghiêm các quy định của Bộ Y tế, còn mang tính đối phó như thuê viết hồ sơ kỹ thuật thuốc, trong khi việc này phải do nhà sản xuất thực hiện và tuân theo một số quy định chặt chẽ. Do đó đề nghị Cục QLD nhanh chóng rà soát lại các quy định cũng như quy trình trong việc cấp phép, khắc phục lỗ hổng pháp lý để không còn tình trạng tương tự như vụ án này xảy ra trong tương lai”, HĐXX đề nghị.
Chuyển kiến nghị của Viện KSND cho Cơ quan ANĐT Cũng theo HĐXX, tại tòa đại diện Viện KSND có ý kiến cho rằng ông Ngô Nhật Phương (SN 1960, người làm chứng, có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, ngụ quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) đã trực tiếp giao nộp cho Cơ quan ANĐT Bộ Công an 10 tài liệu có liên quan nội dung công văn số 77 của Bộ Y tế, tại thời điểm đó công văn này chưa được giải mật. Ông Phương có trình bày với Cơ quan ANĐT các tài liệu này có được do quan hệ cá nhân. Viện KSND cho rằng ông Phương cũng thừa nhận trong phiên tòa, và sự việc có dấu hiệu làm lộ bí mật Nhà nước (BMNN) vì để cá nhân không có thẩm quyền có được thông tin mật của Bộ Y tế. Vì vậy đại diện Viện KSND có ý kiến cần kiến nghị Cơ quan ANĐT Bộ Công an điều tra, xác minh các cá nhân, tổ chức vi phạm quy định về bảo vệ BMNN của Bộ Y tế trong vụ án này. Vì vậy HĐXX chuyển yêu cầu trên của Viện KSND TP Hồ Chí minh cho Cơ quan ANĐT Bộ Công an điều tra theo thẩm quyền. |
Tài liệu của ông Phương có trước tài liệu “mật” của Bộ Y tế?
Chiều cùng ngày, có mặt tại tòa, ông Ngô Nhật Phương đã cung cấp cho phóng viên các báo đài đơn kiến nghị. Nội dung đơn cho rằng ông chỉ là người kinh doanh đa ngành, trong đó có dược. Ông Phương thường mua hàng Ấn Độ để xuất sang Nga và các nước Đông Âu, các thị trường Campuchia, Lào… nên có quen biết hàng chục bạn hàng là các Công ty Dược ở Ấn Độ, như: Mylan, Intas, Hetero…, cũng như người làm ở Cục QLD Ấn Độ.
“Họ (người Ấn Độ - PV) có nói với tôi về nội dung và tài liệu đã nộp các cơ quan của Ấn Độ như: Bộ nội vụ, Bộ Y tế và Cục QLD Ấn Độ. Khi họ đến nhà máy Affy Parenterals kiểm tra theo đề nghị của Bộ Y tế Việt Nam. Lúc đó Bộ Y tế Ấn Độ đã đề nghị Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, Phòng thương mại công nghiệp và Cục QLD Ấn Độ xác minh. Khi đoàn cán bộ Bộ Y tế Việt Nam kiểm tra, các bạn Ấn Độ điện cho tôi. Tôi bảo: Khi hợp pháp hóa lãnh sự xong, xin cho tôi vài bộ hồ sơ. Họ nói đã nhờ và khi về Việt Nam sẽ công chứng, họ sẽ nhờ người Ấn Độ tại Việt Nam nhận lại một số bộ để sau này có gì khiếu nại. Sau đó họ chuyển cho tôi bộ hồ sơ lô thuốc H-Capita”, ông Phương nói.
Ông Phương cho rằng tại phiên tòa, đại diện Viện KSND cho rằng ông Phương không có thẩm quyền, nhưng lại có tài liệu “mật” của Bộ Y tế nên đề nghị Cơ quan ANĐT điều tra các tổ chức và cá nhân liên quan là… điều rất ngạc nhiên. Vì ông không dùng và không có tài liệu nào của Bộ Y tế.
“Tôi khẳng định không nộp và cung cấp bất cứ tài liệu nào cho tòa sơ thẩm trong vụ án này như một số báo đã thông tin. Việc nộp cho tòa trực tiếp phía Ấn Độ và nhân viên của tôi là cô Minh, cô Loan đi phiên dịch (đã làm việc với Cơ quan ANĐT - PV); Khi làm việc với Cơ quan ANĐT, tôi không nộp bất cứ tài liệu nào ngoài một bộ hồ sơ hợp pháp hóa lãnh sự do tôi xin được cho anh Thắng cán bộ điều tra và không có biên bản bàn giao. Mục đích anh Thắng nhờ là để tham khảo. Tất cả các tài liệu tôi có là tài liệu độc lập. Các tài liệu này có trước khi Bộ Y tế có và không liên quan đến Bộ Y tế. Tất cả các tài liệu này không đóng dấu “mật” theo quy định. Việc hợp pháp hóa lãnh sự là công khai minh bạch, có danh mục và có mạng, ai tra cứu cũng được. Hơn nữa, các tài liệu này đã được công chứng tại Việt Nam. Đối chiếu với các quy định, các văn bản pháp luật còn hiệu lực, hoàn toàn không vi phạm. Qua các nội dung nêu trên, tôi kiến nghị Viện KSND thay đổi các đề nghị điều tra vô căn cứ về tôi để tránh nhầm lẫn. Vì đề nghị này gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh cũng như uy tín của tôi”, ông Phương viết trong đơn.