Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vụ xét xử bị cáo Tất Thành Cang: Tề Trí Dũng cùng 7 đồng phạm tham ô thế nào?

TÂN TIẾN
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại tòa, ngoại trừ bị cáo Tề Trí Dũng thừa nhận mình “Tham ô tài sản”, các bị cáo đồng phạm trong nhóm tội danh này đều phủ nhận truy tố của cáo trạng và đề nghị HĐXX xem xét lại tội danh.

Có ý kiến của bị cáo Tất Thành Cang mới dám làm
Ngày 29/12, TAND TP Hồ Chí Minh tiếp tục xét xử bị cáo Tất Thành Cang (SN 1971, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh) cùng 19 bị cáo trong vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại Công ty Cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (SADECO) là công ty con của Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC - Vốn của Nhà nước 100%).
 Bị cáo Tất Thành Cang, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh (bìa phải) và Tề Trí Dũng, nguyên Tổng Giám đốc IPC kiêm Chủ tịch HĐQT SADECO.
Khi được đại diện Viện KSND hỏi nếu không có ý kiến của bị cáo Tất Thành Cang thì có dám ra nghị quyết phát hành 9 triệu cổ phần? Bị cáo Tề Trí Dũng (SN 1981, nguyên Tổng Giám đốc IPC, kiêm Chủ tịch HĐQT SADECO) trả lời chỉ thực hiện sau khi có ý kiến chấp thuận của UBND TP Hồ Chí Minh và Văn phòng Thành ủy (VPTU). Nếu không có sự chấp thuận của 2 cơ quan này, bị cáo không thể thực hiện việc chuyển nhượng 9 triệu cổ phần cho cổ đông chiến lược là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim (Công ty Nguyễn Kim). Nếu biết việc làm này sai pháp luật, bị cáo đã không dám làm.
Cũng theo bị cáo Dũng, suốt thời gian trình các sở, ngành để tham mưu việc phát hành cổ phần, IPC đã giải trình rất nhiều nội dung cho các cơ quan chuyên môn, nhưng không thấy văn bản nào của UBND thành phố nói việc phát hành là sai.
Liên quan đến việc thuê đơn vị không có chức năng thẩm định giá để thẩm định giá, bị cáo Dũng trình bày do không biết Công ty HSC không có chức năng thẩm định giá, tin tưởng cấp dưới tham mưu nên ký hợp đồng. Về việc chuyển nhượng 9 triệu cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim, bị cáo Tề Trí Dũng khai trước khi chuyển nhượng, bị cáo Tất Thành Cang gọi bị cáo Dũng để hỏi về hoạt động của SADECO.
“Sau đó, anh Cang gọi bị cáo đến nhà anh ăn cơm tối và có gặp đại diện Công ty Nguyễn Kim tại đây. Anh Cang có nói bị cáo tạo điều kiện cho công ty này tham gia hợp tác vốn để phát triển. Theo nhận thức của bị cáo, câu nói của anh Cang có nghĩa đã đồng thuận”, bị cáo Tề Trí Dũng, khai nhận.
8 bị cáo tham ô như thế nào?
Về tội danh “Tham ô tài sản”, tại tòa các bị cáo: Hồ Thị Thanh Phúc, Đỗ Công Hiệp, Huỳnh Phước Long, Trần Công Thiện, Phạm Xuân Trung, Trần Đăng Linh, Nguyễn Văn Minh đều cho rằng có nhận tiền nhưng nghĩ đó là tiền thù lao theo công sức, không phải tham ô, do đó mong HĐXX xem xét lại tội danh này.
Còn bị cáo Tề Trí Dũng cho rằng do nhận thức pháp luật còn hạn chế. Sau khi tại công ty có những dư luận về việc nhận tiền, bị cáo đã nói Hồ Thị Thanh Phúc không đưa tên mình vào danh sách nhận tiền và đã trả lại khi Cơ quan CSĐT khởi tố vụ án. Do đó không có ý kiến việc bị truy tố tội “Tham ô tài sản”.
Theo cáo trạng của Viện KSND, trong năm các năm 2016, 2017 và 2018, căn cứ tờ trình của HĐQT, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên SADECO quyết định trích lập các quỹ từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, trong đó có quỹ HĐQT và Ban Kiểm soát (BKS), quỹ khen thưởng phúc lợi và quỹ khen thưởng HĐQT, BKS, Ban điều hành SADECO do thành tích kinh doanh vượt kế hoạch (Với tỷ lệ 10% lợi nhuận vượt kế hoạch); đồng thời thông qua thù lao HĐQT, BKS trong năm tài chính mới.
Cụ thể, năm 2016, ĐHĐCĐ thường niên SADECO trích quỹ HĐQT và BKS số tiền 1.280.381.004 đồng, khen thưởng vượt kế hoạch 1.571.905.020 đồng. Sau đó số tiền này được phân chia cho quỹ HĐQT và BKS tỷ lệ 50%, tương đương 785.952.510 đồng, thù lao HĐQT, BKS 1.937.000.000 đồng. Cùng với số dư tồn quỹ HĐQT, BKS năm 2015 là 516.443.669 đồng, tổng số tiền quỹ HĐQT, BKS năm 2016 thành 2.582.777.183 đồng (1.280.381.004 đồng + 785.952.510 đồng + 516.443.669 đồng). 
Đến năm 2017, SADECO trích quỹ HĐQT và BKS 3.072.378.699 đồng, khen thưởng vượt kế hoạch 5.760.793.493 đồng. Số tiền này được chia cho quỹ khen thưởng HĐQT và BKS tỷ lệ 70%, tương đương 4.032.555.445 đồng, thù lao HĐQT, BKS là 2.227.550.000 đồng. Do đó quỹ HĐQT và BKS của SADECO năm 2017 là 7.104.934.144 đồng (3.072.378.699 đồng + 4.032.555.445 đồng). 
Năm 2018, SADECO trích quỹ HĐQT và BKS 2.221.478.311 đồng, khen thưởng vượt kế hoạch 2.179.961.055 đồng. Số tiền này được phân chia cho quỹ khen thường HĐQT và BKS tỷ lệ 70%, tương đương 1.525.972.738 đồng, thù lao HĐQT và BKS 2.227.550.000 đồng. Do đó, quỹ HĐQT và BKS năm 2018 là 3.747.451.049 đồng (2.221.478.311 đồng + 1.525.972.738 đồng).
Tham ô hơn 4,7 tỷ đồng của Nhà nước
Theo các quy định của pháp luật, văn bản 255/CV-TT ngày 5/5/2016 của IPC, công văn 111-CV/VPTU ngày 15/4/2016 của VPTU, thì SADECO phải chuyển toàn bộ các khoản thù lao, tiền thưởng của người đại diện vốn về tài khoản của VPTU. Từ tháng 12/2016 đến tháng 11/2017, HĐQT SADECO với 7 thành viên (5 đại diện cổ đông Nhà nước, 2 đại diện Công ty Nguyễn Kim). Từ tháng 12/2017, HĐQT SADECO gồm 9 thành viên (5 đại diện cổ đông Nhà nước, 4 đại diện Công ty Nguyễn Kim).
Các thành viên đại diện vốn Nhà nước trong 2 giai đoạn trên gồm: Tề Trí Dũng, Hồ Thị Thanh Phúc (Tổng Giám đốc SADECO, đại diện vốn IPC), Trần Công Thiện (Tổng Giám đốc IPC, đại diện vốn IPC), Huỳnh Phước Long (Đại diện vốn VPTU TP Hồ Chí Minh) và Phạm Xuân Trung (Phó Tổng Giám đốc IPC, đại diện vốn IPC và Trần Đăng Linh (Phó Tổng Giám đốc IPC, thay từ tháng 3/2017). Trong các cá nhân này, chỉ có Phúc là thành viên HĐQT chuyên trách, những người còn lại là thành viên HĐQT không chuyên trách.
Căn cứ các quy định nêu trên, chỉ có Hồ Thị Thanh Phúc được hưởng các khoản thù lao, tiền lương, tiền thưởng do SADECO chi trả. Các cá nhân còn lại khi nhận được thù lao, tiền thưởng đều phải nộp về đơn vị cử đại diện là IPC và VPTU. Ngoài ra, còn có Nguyễn Văn Minh (Chủ tịch HĐTV IPC, Trưởng BKS SADECO), cùng là người đại diện vốn không chuyên trách tại SADECO của VPTU.
Tuy nhiên, từ tháng 1/2017 đến tháng 2/2018, Tề Trí Dũng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn là Chủ tịch HĐQT SADECO với sự giúp sức của Hồ Thị Thanh Phúc và các đồng phạm khác để tham ô, chiếm đoạt tiền từ nguồn thù lao, quỹ khen thưởng HĐQT, BKS của SADECO nhằm sử dụng cá nhân, không phải nộp về IPC và VPTU. Việc chiếm đoạt thông qua hình thức bảng duyệt chi kinh phí hoạt động HĐQT và BKS nhân các dịp Tết, lễ, kỷ niệm thành lập công ty…, để hợp thức hóa.
Tổng số tiền 8 bị cáo đã “Tham ô tài sản” là 4.676.307.925 đồng, riêng Tề Trí Dũng chiếm đoạt 1.727.923.060 đồng. Hồ Thị Thanh Phúc được hưởng tiền đúng quy định, nhưng là người thực hiện hành vi phạm tội, giúp sức cho Tề Trí Dũng và các đồng phạm khác chiếm đoạt tiền của Nhà nước. Cụ thể, bị cáo Trần Công Thiện nhận 868.550.590 đồng, Huỳnh Phước Long nhận 868.550.590 đồng, Trần Đăng Linh nhận 488.487.697 đồng, Nguyễn Văn Minh nhận 419.959.124 đồng, Phạm Xuân Trung nhận 302.836.864 đồng.
Chỉ đạo hủy các chứng từ nhằm che mắt
Tháng 3/2018, Tề Trí Dũng chỉ đạo Hồ Thị Thanh Phúc và Đỗ Công Hiệp (Kế toán trưởng SADECO) tiêu hủy các chứng từ chi thù lao, tiền thưởng các cá nhân đã nhận trước đây và ký hợp thức hóa các bảng kê duyệt chi, phiếu chi với nội dung chi “Kinh phí hoạt động HĐQT và BKS... ”, thay cho các chứng từ chi thù lao, tiền thưởng trước đó. Sau đó, Hiệp chỉ đạo nhân viên Phòng Kế toán ký lại với lý do điều chỉnh chứng từ theo nghị quyết của HĐQT.
Ngoài ra, Dũng còn chỉ đạo Phúc và ông Nguyễn Văn Đậm (Nguyên Tổng Giám đốc SADECO) ký tờ trình để Dũng ban hành nghị quyết sử dụng nguồn tiền thù lao, quỹ khen thưởng bổ sung kinh phí hoạt động, duyệt bảng kê chi và phiếu chi đã được hợp thức hóa bằng nội dung chi kinh phí hoạt động do Hiệp lập nhằm che giấu hành vi chiếm đoạt và thể hiện mục đích chiếm đoạt đến cùng số tiền đã nhận.
Đến tháng 4/2018, SADECO không tiếp tục chi tiền từ nguồn quỹ này, vì đây là thời điểm Thanh tra TP Hồ Chí Minh tiến hành thanh tra toàn diện hoạt động của IPC. Đến ngày 26/12/2018, sau khi thanh tra và hồ sơ được chuyển sang Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh, lúc này Tề Trí Dũng và các cá nhân đã nhận tiền nêu trên nộp lại toàn bộ số tiền đã chiếm hưởng cho SADECO.