Riêng Việt Nam, đây là thị trường có giá trị hàng tỷ đô la nhưng chưa được khai thác đúng tiềm năng.
Du lịch Đông y ở Hàn Quốc
Ngày nay, một bộ phận du khách đến Hàn Quốc để mua thảo dược, đặc biệt là sâm, và nhận các phương pháp điều trị y học phương Đông.
Khi đến Seoul, du khách thường ghé thăm ba trung tâm y học thảo dược: Chợ Kyungdong, Bảo tàng Y học Thảo mộc Yangnyeongsi và một phòng khám truyền thống. Đến đây, du khách sẽ được xem bào chế thảo dược, xem các triển lãm liên quan đến thảo dược, cây thuốc quý; sau đó, tìm hiểu sâu hơn về cách sử dụng thuốc thảo dược Hàn Quốc hiện đại.
Ngoài ra, du khách cũng có thể lựa chọn nhận tư vấn sức khỏe tại phòng khám và nhiều vấn đề khác liên quan đến thảo dược truyền thống của người Hàn.
Nếu bạn muốn nếm thử một ít trà truyền thống Hàn Quốc, Jeontong Dawon là điểm đến đích thực, địa chỉ 11-4 Insadong 10-gil, Jongno-gu, Seoul. Đây là một quán trà nằm trong Phòng trưng bày Kyung-In ở Insadong. Tòa nhà đã khôi phục những nét đặc trưng của hanok truyền thống thế kỷ XIX với nội thất theo phong cách độc đáo Hàn Quốc.
Tại đây phục vụ nhiều loại trà truyền thống xứ Hàn, phổ biến nhất là Omijacha, được làm từ quả Schisandra chinensis với năm hương vị. Khung cảnh của Jeontong Dawon đặc biệt đẹp vào mùa Xuân và mùa Thu.
Ngoài ra, du khách có thể tham quan Phòng trưng bày Kyung-In bao gồm 6 phòng trưng bày với các chủ đề khác nhau. Thực đơn chính hơn 15 loại trà truyền thống khác nhau của Hàn Quốc bao gồm Omijacha (trà trái cây có 5 hương vị), Maesilcha (trà mận châu Á), Sikhae, Sujeonggwa (trà quế) và trà xanh…
Chợ Kyungdong ở 1035 Jegi-dong, quận Dongdaemun-gu, Seoul, Hàn Quốc. Đây là chợ thuốc thảo dược lớn nhất Hàn Quốc. Bạn có thể tìm thấy hơn 1.000 cửa hàng và phòng khám y dược phương Đông trong khu vực này.
Chợ Gyeongdong có nhiều nhân sâm các loại của Hàn Quốc. Kể từ khi thành lập vào năm 1960, chợ cung cấp 70% thành phần dược liệu của đất nước, có hơn 1.000 cửa hàng và phòng khám y học phương Đông trong khu vực. Chợ cũng phục vụ bán buôn và bán lẻ nông sản và cá trong khoảng 300.000m2, bằng năm lần kích thước của sân vận động World Cup Seoul Sangam. Có thể đến chợ bằng Ga Jegi-dong trên tàu điện ngầm Seoul tuyến 1.
Bệnh viện Đông y Jaseng, ở 635 Sinsa-dong, Gangnam-gu, Seoul, gần ga Apgujeong, là bệnh viện chuyên về bệnh cột sống. Nó có hệ thống y tế riêng, bao gồm 15 phòng khám chi nhánh, và nhiều chuyên gia y tế và cơ sở điều trị nội trú cho bệnh nhân ở ngoài TP hoặc những người có nhu cầu chăm sóc y tế khẩn cấp. Bệnh viện có nguồn lực chẩn đoán hiện đại như MRI và các giải pháp không phẫu thuật.
Năm 2007, Bệnh viện Đông y Jaseng được Bộ Y tế Phúc lợi Hàn Quốc chỉ định là bệnh viện y học cổ truyền duy nhất trong nước chuyên trị các chứng bệnh về cột sống, kể cả bệnh nhân nặng về cột sống. Mỗi năm bệnh viện tiếp nhận điều trị cho 900.000 lượt bệnh nhân bằng kỹ thuật y học tiên tiến.
Đối với thế giới, Jaseng được biết đến là cơ sở chữa bệnh bằng y học cổ truyền nổi tiếng. Năm 2010 phương pháp điều trị của Jaseng đã được tổ chức Sanha, thuộc Bộ Y tế Phúc lợi Hàn Quốc bầu chọn giải kỹ thuật y học xuất sắc nhất trong chương trình duy trì điều trị cho bệnh nhân người nước ngoài.
Hàn Quốc đẩy mạnh quảng bá du lịch y tế bằng nhiều hình thức, trong đó có phim ảnh như bộ phim "Nàng Dae Jang -geum" khiến người xem mê mẩn với những tình tiết hấp dẫn về chế biến thảo dược, y thuật cổ truyền.
Việt Nam đang trên đường đua
Mới đây, một hội nghị tổng kết về du lịch y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, năm 2023 là năm khởi sắc của sản phẩm du lịch y tế, với nhiều hoạt động được triển khai thực hiện cụ thể và hiệu quả.
Thông qua các công ty lữ hành, năm 2023, Viện Y dược học dân tộc TP Hồ Chí Minh đã đón hàng trăm du khách quốc tế đến trải nghiệm các sản phẩm du lịch y tế, điều trị theo phương pháp cổ truyền. Ngoài ra, viện cũng đã đào tạo chuyên sâu xoa bóp - bấm huyệt cho một lớp học viên quốc tịch Pháp.
TP Hồ Chí Minh cũng đã xây dựng Bảo tàng Y học cổ truyền Fito ở quận 10, lưu giữ hơn 3000 hiện vật quý hiếm liên quan đến ngành y học cổ truyền Việt Nam từ thời đồ đá cho đến hiện tại, trong đó có thể kể đến bộ sưu tập dao cầu, thuyền tán với tuổi đời 2.500 năm dùng để tán thuốc, cắt thuốc.
Năm 2023, ngành y tế và du lịch TP Hồ Chí Minh đã công bố 30 combo chương trình tour kết hợp du lịch y tế, chăm sóc sức khỏe phù hợp với thị trường khách nội địa và quốc tế. TP này cũng tổ chức xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch y tế để thu hút khách du lịch tại thị trường Campuchia và khảo sát, học tập kinh nghiệm phát triển các mô hình du lịch y tế tại Thái Lan.
Tại Việt Nam, du lịch y tế (chủ yếu là Đông y) không chỉ là hướng đi mới ở TP Hồ Chí Minh. Ngày 21/7/2023, Bộ Y tế ban hành Quyết định 2951/QĐ-BYT phê duyệt Đề án Phát triển các loại hình dịch vụ, sản phẩm y dược cổ truyền phục vụ khách du lịch đến năm 2030. Theo đó, có 5 dòng cung ứng dịch vụ, sản phẩm y dược cổ truyền phục vụ khách du lịch: du lịch chăm sóc sức khỏe bằng y dược cổ truyền; du lịch thẩm mỹ bằng y dược cổ truyền; du lịch dược liệu và thuốc cổ truyền; du lịch khám phá y dược cổ truyền và văn hóa bản địa; du lịch ẩm thực y dược cổ truyền...
Trên thực tế, có những khó khăn nhất định khi phát triển du lịch y tế ở Việt Nam. Thông thường du khách đến một đất nước nào sẽ muốn tìm hiểu những phương pháp chữa bệnh, cây thuốc độc đáo ở nước đó.
Tuy nhiên, các chợ thuốc ở Việt Nam (như phố Hải Thượng Lãn Ông ở TP Hồ Chí Minh) chủ yếu bán dược liệu của… Trung Quốc. Cây thuốc bản địa chủ yếu ở các vủng trồng lẻ tẻ và thiếu đa dạng.
BS Đỗ Tân Khoa - Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền TP Hồ Chí Minh cho biết: “Bệnh viện Y học Cổ truyền TP Hồ Chí Minh đang xây dựng cơ sở mới, trong đó có chừa hẳn một tầng lầu để làm du lịch y tế với các thế mạnh châm cứu, xoa bóp - bấm huyệt… Chúng tôi băn khoăn là hiện bệnh viện đã quá tải nên không biết sẽ ra sao khi có thêm nhiều du khách tìm đến”.
Đó là nghịch lý cần giải quyết: du khách tìm đến những nơi nổi tiếng khiến nơi đó quá tải và sẽ không mặn mà đón tiếp; ngược lại, nơi vắng vẻ mong khách thì khách lại không muốn đến. Trong tương lai, quảng bá y học cổ truyền Việt Nam ra thế giới là điều cần tính đến với nhiều hình thức trong đó có điện ảnh.