Vực dậy ngành vật liệu xây dựng

Thành Luân - Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đứng trước tình hình kém khả quan như năm vừa qua, điều kỳ vọng của các DN ngành vật liệu xây dựng (VLXD) trong năm 2024 là thị trường sẽ trở nên sáng sủa hơn.

Lo ngại “bão giá”

Với ngành thép, trong quý IV/2023, Tập đoàn Hòa Phát đạt kết quả kinh doanh tốt nhất cả năm. Cụ thể, doanh thu của Tập đoàn ghi nhận 34.925 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận 2.969 tỷ đồng, tăng 249% so với cùng kỳ 2022 và 48 % so với quý trước.

Trong tháng 1/2024, tiêu thụ ghi nhận giảm so với tháng cuối năm trước 363.000 tấn (giảm 22% so với tháng 12) chủ yếu do thị trường chuẩn bị bước vào đợt nghỉ Tết Giáp Thìn, nhu cầu thấp. Theo đại diện Tập đoàn Hòa Phát, trong thời gian tới, thị trường có khởi sắc nhưng chưa rõ nét do kinh tế trong và ngoài nước còn gặp nhiều khó khăn. Tập đoàn ưu tiên quản trị tốt dòng tiền, hàng tồn kho, sản xuất, kinh doanh phù hợp với tình hình thị trường.

Hoạt động sản xuất tại Công ty CP Thép Việt Đức. Ảnh: Hải Linh
Hoạt động sản xuất tại Công ty CP Thép Việt Đức. Ảnh: Hải Linh

Còn với Công ty CP Vicem Hà Tiên, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ trong quý IV/2023 giảm 23% so với cùng kỳ năm trước, xuống 1.783 tỷ đồng. DN đặt mục tiêu trong năm 2024 sản xuất clinker khoảng 17,03 triệu tấn, tăng 3% so với thực hiện năm 2023. Tổng sản lượng tiêu thụ xi măng, clinker khoảng 24,31 triệu tấn, tăng 7,7%, trong đó, tiêu thụ xi măng trong nước khoảng 18,57 triệu tấn, tăng trưởng 5,3% so với thực hiện năm 2023; tổng doanh thu khoảng 29.814 tỷ đồng, giảm 1,2% so với năm 2023.

Tuy nhiên, khảo sát tại các đại lý, nhiều ý kiến cho rằng, việc các DN tăng mạnh khối lượng sản xuất đầu năm đang gây áp lực cho các nhà phân phối, đại lý vì lo ngại chưa vào mùa xây dựng nếu nhập nhiều mà không có đầu ra sẽ gây tồn kho lớn. Tuy nhiên, nếu đợi thanh lý hết tồn kho rồi mới nhập hàng thì đại lý lại lo ngại “bão giá” khi nguyên vật liệu tăng mạnh như mấy năm trước.

Ông Phúc - chủ một cửa hàng kinh doanh VLXD trên đường Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm) chia sẻ, mùa xây dựng cuối năm vừa qua chủ yếu là khách hàng lẻ với nhu cầu sửa nhà, ít xây mới. Các mối công trình, dự án nhà ở vướng mắc pháp lý kéo dài nhiều năm không thi công khiến chưa thanh lý được hàng tồn kho.

“Đầu năm 2024, giá thép tăng 2 lần khiến nhiều người dự báo giá có thể tăng tiếp tục nữa. Nếu cứ tăng như vậy nhiều khách hàng của tôi sẽ tính toán lại kế hoạch xây sửa nhà cửa. Nhiều người trong nghề không trụ nổi mà phải phá sản, chuyển hướng kinh doanh khác” - ông Phúc than thở.

Theo các chuyên gia, dù đầu ra chưa rộng mở nhưng giá một số loại VLXD liên tục nhảy múa, thậm chí tăng cao làm ảnh hưởng đến doanh thu, lợi nhuận và giảm cả khả năng cạnh tranh của DN. Từ đầu năm đến nay, hầu như tháng nào giá cát cũng tăng do thiếu hụt nguồn cung. Ngay thời điểm cuối năm, cát được coi như "vàng" bởi rất khan hiếm.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, dù 2 - 3 năm trở lại đây, Chính phủ rất quyết liệt đẩy mạnh đầu tư công, đặc biệt là các dự án hạ tầng kỹ thuật. Đây được coi là giải pháp tích cực kích cầu thị trường VLXD, tạo công ăn việc làm cho ngành xây dựng và sản xuất VLXD. Tuy nhiên, đầu tư công cũng có hạn chế là không thể phủ hết các loại VLXD khác nhau được và nguồn cũng có hạn.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Ngành VLXD có đặc tính nổi bật là nhạy cảm với chu kỳ kinh doanh của nền kinh tế vĩ mô. Khi ngành xây dựng, bất động sản làm ăn phát đạt thì ngành VLXD có cơ hội để tăng trưởng và ngược lại. Từ năm 2020 đến nay, tình hình sản xuất, kinh doanh ngành VLXD gặp rất nhiều khó khăn, trong đó nổi bật nhất là tắc nghẽn đầu ra tiêu thụ sản phẩm sử dụng cho các công trình dân dụng và công nghiệp.

Thời điểm hiện tại, để giải phóng hàng tồn kho cũng như gây dựng niềm tin cho thị trường, nhiều DN cho rằng, cơ quan chức năng cần nghiên cứu đẩy mạnh phát triển các thị trường hàng hóa chuyên biệt ở Việt Nam, không chỉ đối với sắt thép mà còn các kim loại, VLXD khác trên sàn giao dịch hàng hóa theo tiêu chuẩn quốc tế. Ví dụ, với giá thép, các công ty xây dựng có thể mua thép với giá xác định trong tương lai, biến động giá thị trường sẽ không ảnh hưởng đến giá thành xây dựng, qua đó tránh được tình trạng giá nhà bán ra điều chỉnh theo giá thép, gây ảnh hưởng cho cả người bán và người mua nhà.

Nhìn nhận vấn đề này, Trưởng ban Cố vấn Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP
Hà Nội (Hanoisme) Trịnh Thị Ngân – nguyên Trưởng phòng Công nghiệp, Sở Công Thương TP Hà Nội cho rằng, sàn giao dịch VLXD là hết sức cần thiết nhưng quan trọng là cung cầu không gặp nhau, chất lượng từng loại sản phẩm phụ thuộc vào nhu cầu nhà đầu tư. Do vậy, giá cả chủ yếu thoả thuận theo yêu cầu khách hàng, từ đó lựa chọn chất lượng và giá cả.

Bên cạnh đó, để xây dựng được một sản phẩm niêm yết trên Sở giao dịch, cần rất nhiều điều kiện về khối lượng giao dịch thương mại, khả năng tiêu chuẩn hóa sản phẩm, tính thanh khoản của thị trường và năng lực vận hành của Sở giao dịch. Việt Nam có nhiều sản phẩm có thế mạnh trên thị trường quốc tế, về mặt lý thuyết là có khả năng xây dựng Sở giao dịch của riêng mình cho các sản phẩm đó.

Ngoài ra, theo bà Trịnh Thị Ngân, để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, các DN VLXD cũng cần tự nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách tăng chất lượng, đa dạng mẫu mã sản phẩm, giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm. Theo đó, DN cần nỗ lực tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất, quản lý, chú trọng tiết kiệm chi phí. Đặc biệt, các DN cần lưu ý đến vấn đề môi trường như giảm phát thải, sản xuất xanh, ứng dụng giải pháp kinh tế tuần hoàn… Đồng thời tăng cường khâu tiếp thị, linh hoạt mở rộng, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới để tăng tiêu thụ sản phẩm.

 

DN kiệt sức là sự thật, đặc biệt là dưới tác động của dịch Covid-19 và những bất ổn của kinh tế vĩ mô toàn cầu. Nếu không được vun đắp kịp thời, niềm tin và sức lực của DN đều cạn kiệt. Đây là thời điểm cần phải "khoan sức dân" hơn bao giờ hết để nuôi dưỡng niềm tin và năng lực phục hồi của DN cũng như tổng thể nền kinh tế.
Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) Phạm Thị Ngọc Thủy

 

Trong bối cảnh hiện nay, các chuyên gia nhận định, việc phục hồi thị trường nội địa có ý nghĩa “sống còn” để có thể vực dậy cộng đồng DN ngành VLXD. Bên cạnh đó, tập trung tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công cũng là giải pháp hết sức quan trọng, tạo đà để toàn ngành vực lên trong thời gian tới.

Do vậy, cần có sự điều chỉnh kịp thời về Chiến lược phát triển nhà ở, cụ thể là sớm điều chỉnh tỷ lệ giữa phân khúc nhà ở thương mại với nhà ở xã hội. Qua đó giải quyết triệt để tình trạng nhiều biệt thự, nhà liền kề, căn hộ cao cấp rải rác khắp nơi không có người ở, trong khi người thu nhập thấp và công nhân các khu công nghiệp lại không có nhà để ở.