Điểm sáng từ cơ sở
Khu tập thể Kim Liên (quận Đống Đa) được xây dựng cách đây hàng chục năm đã và đang xuống cấp - là nơi ở của hàng nghìn người dân. Trước đây, cư dân tại khu tập thể thường xuyên phải sinh sống trong cảnh ô nhiễm do ý thức của một bộ phận người dân chưa cao, xả rác bừa bãi, phương tiện để lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Năm 2018, từ khi được TP đầu tư sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất (sân chơi, nhà sinh hoạt cộng đồng), niêm yết biển bảng về QTƯX, ý thức người dân trong việc giữ gìn cảnh quan, môi trường và xây dựng các mô hình văn hóa đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Đơn cử, tại khu tập thể C5 (phường Kim Liên), những điểm tập kết rác thải tại xung quanh khu vực sân chơi được giảm thiểu, nhiều cây xanh, chậu hoa được trồng mới, tủ quần áo “ai muốn thì cho, ai cần thì lấy” được lắp đặt. Ý thức của người dân trong việc xây dựng văn hoá nơi công cộng từng bước được đề cao, đời sống văn hóa tinh thần ngày càng được nâng cao.
Theo Sở VH&TT Hà Nội, năm 2018, Sở chủ trương tập trung tuyên truyền 2 QTƯX, đặc biệt là đối với QTƯX nơi công cộng thông qua các cuộc thi, các hình thức tuyên truyền trực quan, tổ chức tọa đàm đến tận thôn, làng, tổ dân phố… Tuy nhiên, năm 2019 chuyển hướng tập trung vào việc triển khai thực hiện QTƯX tới từng đối tượng, phạm vi cụ thể nhằm đưa QTƯX trở thành nền nếp trong đời sống Nhân dân Thủ đô. |
Để có được những chuyển biến trên, theo Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Phan Hồng Việt, quận đã cho đăng tải nội dung QTƯX trên cổng thông tin điện tử. Niêm yết tại trụ sở làm việc của 100% các cơ quan, đơn vị và 21 phường trên địa bàn. Đặc biệt, lắp đặt gần 200 bảng QTƯX nơi công cộng khổ lớn tại 109 vườn hoa, sân chơi, công viên, hồ nước và 52 di tích lịch sử văn hoá; treo 156 bảng QTƯX nơi công cộng tại các Nhà sinh hoạt cộng đồng, thư viện công cộng.
Không chỉ có quận Đống Đa mà nhiều địa phương còn có cách làm sáng tạo để tiếp tục nâng cao chất lượng đời sống văn hóa ở cơ sở. Như tại quận Thanh Xuân, mô hình “Tổ dân phố 5 không” đến nay đã được nhân rộng ra cả 11/11 phường.
Trưởng phòng VHTT quận Thanh Xuân Nguyễn Thị Thu Trang cho biết: “Bằng những việc làm đơn giản, cụ thể, các mô hình “Tổ dân phố 5 không” đã được người dân đưa vào đời sống, lan tỏa tới các phường trên địa bàn”. Hoặc phường Việt Hưng (quận Long Biên), có 7/15 tổ dân phố đang triển khai thực hiện các mô hình: Mái nhà xanh 3.1; đường hoa tự quản, xóa điểm chân rác; thu gom phế liệu gây quỹ nhân đạo; đổi rác, phế liệu lấy cây xanh...
Những thay đổi trong tinh thần
Theo đánh giá của Sở VH&TT Hà Nội, sau 2 năm triển khai, 2 QTƯX đã được cán bộ, công chức, viên chức, các tập thể, cá nhân quan tâm hưởng ứng và thực hiện nghiêm túc. Bước đầu đã dần hình thành những chuẩn mực văn hoá, lời nói, thái độ, hành vi của tổ chức, cá nhân nơi công cộng, ý thức giữ gìn và phát triển truyền thống văn hóa tốt đẹp của đất nước, Thủ đô.
Tại nơi công cộng, cơ bản ý thức ứng xử của người dân đã có chuyển biến. Những hành vi như: Bày bán hàng chiếm dụng vỉa hè, lòng đường, xâm phạm cảnh quan, không gian tín ngưỡng, gây mất an ninh trật tự nơi công cộng; tranh giành chèo kéo du khách trong lễ hội, kinh doanh dịch vụ, để, đổ rác thải bừa bãi dưới lòng đường, hồ ao; nói tục, chửi bậy nơi đông người, nơi cơ quan hành chính, bệnh viện, siêu thị… đã được giảm thiểu.
Theo TS Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, 65 năm qua, Hà Nội đã thay đổi rất nhiều không chỉ ở cơ sở vật chất, đường phố, cảnh quan mà thay đổi cả trong tinh thần. Người dân Hà Nội có nhận thức ngày càng cao, nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng lớn.
Vì vậy, Hà Nội ban hành 2 bộ QTƯX là hướng đi đúng đắn, tác động sâu sắc đến nhận thức con người. QTƯX không chỉ giúp mỗi công dân Thủ đô, mà cả du khách khi đến Hà Nội cũng có cảm nhận tích cực về văn hóa ứng xử.
“Tất cả khu dân cư, tổ dân phố đều có điểm thu gom rác. Đặc biệt, gần đây có nhiều câu lạc bộ làm sạch môi trường. Những điều đó cho thấy, 2 QTƯX đã tác động đến ý thức, hành động của người dân” - TS Nguyễn Viết Chức nhìn nhận.