Với bề dày truyền thống hàng nghìn năm lịch sử, Thăng Long - Hà Nội là nơi lắng hồn núi sông ngàn năm, nơi hội tụ, kết tinh và toả sáng của vùng đất địa linh nhân kiệt, tiêu biểu cho truyền thống văn hiến, anh hùng, "Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người"... Những giá trị ấy được bồi đắp qua biết bao thế hệ, làm dày thêm nét đẹp văn hóa, lối sống thảo thơm, thanh lịch của người Tràng An, mà trước hết đọng lại trong mỗi nếp nhà ở mảnh đất Thăng Long – Hà Nội.
3 thế hệ với 12 thành viên chung sống dưới một mái nhà, tuổi tác chênh lệch nhau, ngành nghề, công việc không ai giống ai nhưng gia đình bà Nguyễn Thị Vinh Quy (Tổ dân phố số 7, phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) luôn gắn kết và đầy ắp tiếng cười. Hàng xóm láng giềng ít khi nghe thấy ông bà với con cháu bất hòa hay to tiếng. Chia sẻ về bí quyết vun đắp tổ ấm lớn hạnh phúc, bà Nguyễn Thị Vinh Quy cho biết, phương châm ứng xử của các thành viên trong gia đình gói gọn trong 6 chữ: “Tôn trọng - yêu thương - chia sẻ”.
Gói gọn là vậy nhưng để thực hiện được phương châm “6 chữ vàng” đó quả thực không hề dễ dàng, nhất là với nhịp sống đô thị hóa mạnh mẽ như ở Hà Nội. Hai vợ chồng bà Nguyễn Thị Vinh Quy đều cao tuổi, nghỉ hưu đã lâu nhưng ông bà vẫn đam mê đọc sách, tham gia công tác xã hội với đoàn thể và Tổ dân phố nên nhiều khi cũng tất bật ngược xuôi. Dẫu vậy, con cháu luôn tôn trọng và tạo điều kiện để ông, bà “sống vui - sống khỏe - sống có ích”, không hề trói buộc vào việc nhà. “Ngược lại, ông bà cũng phải hiểu các con đi làm rất vất vả, chịu không ít áp lực từ cuộc sống rồi công việc, nên luôn luôn có cách để động viên, trợ giúp con khi cần thiết và lắng nghe những điều các con góp ý cho mình” - bà Nguyễn Thị Vinh Quy chia sẻ.
“Yêu thương, tôn trọng” cũng là từ khóa đặc biệt quan trọng mà gia đình 12 thành viên của ông Nguyễn Văn Suối (76 tuổi, thôn Đồng Vũ, xã Trường Thịnh, huyện Ứng Hòa) tâm niệm và duy trì để không khí trong nhà luôn vui vẻ, đầy ắp tiếng cười. Ông Suối chia sẻ, bốn thế hệ cùng sống chung, để duy trì được hạnh phúc thì mỗi người đều phải vừa nghĩ đến hạnh phúc cá nhân, vừa nghĩ đến những người xung quanh. Những yếu tố gốc của văn hóa gia đình Việt Nam được phát huy tối đa.
“Gia đình tôi 2 đời đã sống tứ đại đồng đường, đời bố tôi và tôi. Trong cuộc sống mỗi người một suy nghĩ, công việc khác nhau nên phải tôn trọng quyền cá nhân, phải quan tâm, chia sẻ khó khăn, cởi mở, vui vẻ, thẳng thắn góp ý sai trái, bảo ban chân thành. Ở tuổi này, tôi thấy rất hạnh phúc vì mọi người trong gia đình yêu thương, tôn trọng nhau” - ông Nguyễn Văn Suối bày tỏ.
Còn với gia đình ông Nguyễn Văn Đức (Tổ dân phố 13, phường Bồ Đề, quận Long Biên) được Nhân dân địa phương ngưỡng mộ nhờ sự đoàn kết, yêu thương, gắn bó. Ông cho biết, gia đình 3 thế hệ chung sống hạnh phúc nhiều năm qua nhờ vào phương châm "người lớn gương mẫu, trẻ nhỏ noi theo". Theo đó, các thành viên trong gia đình thường xuyên chuyện trò, chia sẻ với nhau về cuộc sống, công việc, các cháu nhỏ thì kể chuyện trường lớp, bạn bè… Bắt đầu là những câu chuyện nhỏ với con trẻ, tiếp đến là những bữa cơm, các hoạt động tập trung dịp lễ, Tết, kỷ niệm, sinh nhật... ông bà đều lồng ghép, nói chuyện về việc ứng xử, sự tôn trọng, bình đẳng và yêu thương. Mưa dầm thấm lâu, các quy tắc ứng xử ngấm dần vào trong mỗi thành viên gia đình như một lẽ tự nhiên.
Đó chỉ là một vài câu chuyện, lát cắt nhỏ về những nếp nhà bình yên trong nhịp sống Thủ đô hối hả hôm nay. Giữa dòng chảy ào ạt của đô thị, người Hà Nội vẫn gìn giữ được mạch nguồn giá trị, trao truyền nét đẹp truyền thống trong gia đình của mảnh đất Thăng Long – Hà Nội. Qua thời gian, văn hóa thanh lịch Hà Nội có hao hụt, phai nhạt ít nhiều nếp xưa nhưng chắc chắn luôn là hồn cốt của Hà Nội hiện tại và tương lai. Bởi, hai từ “thanh lịch” đã là biểu tượng cho phẩm chất, giá trị tinh thần của người Thăng Long – Hà Nội xưa và nay. Giá trị bất biến ấy được lưu giữ, trao truyền trong ca dao, tục ngữ “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài, dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”…
Ngược dòng thời gian, từ bao đời nay, gia đình truyền thống của người Hà Nội luôn coi trọng giữ gìn nền nếp, gia phong. Trong gia đình, người Thăng Long – Hà Nội lấy chữ “hiếu” với ông bà cha mẹ làm đầu, chữ “hiền thảo” với dâu rể, chữ “thành đạt” với con cháu. Ông bà, cha mẹ lấy cái mẫu mực làm gương cho con cháu. Nói như PGS.TS Nguyễn Toàn Thắng - nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, danh xưng “người Hà Nội” là niềm tự hào của con người đất Hà thành từng được khẳng định qua những câu ca dao, tục ngữ như: “Ốc tháng Mười, người Hà Nội”; “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”... Đã từ lâu, Nhân dân các địa phương xung quanh Thủ đô thường quan niệm rằng: người Hà Nội và gia đình truyền thống người Hà Nội là “khuôn vàng, thước ngọc” cho tinh hoa văn hóa của cả nước.
Người Hà Nội luôn coi trọng truyền thống gia đình về gia phong, gia đạo, có nhiều thế hệ sinh sống trong một ngôi nhà, bao gồm: các cụ, ông bà, cha mẹ, con cái, cháu chắt, tạo nên gia lễ trong nhà, có tôn ti trật tự, hành xử tế nhị, ăn nói lễ phép, trên dưới rõ ràng. Tất cả mọi thứ bậc đều vào khuôn phép, các thành viên trong một nếp nhà thực hiện hết sức tự nhiên, nền nếp.
Ngày nay, trong xã hội hiện đại, truyền thống văn hóa gia đình xưa đã thay đổi khá nhiều. Các thành viên trong gia đình có cuộc sống độc lập, tôn trọng quyền riêng tư của mỗi người, không ràng buộc nhau bởi lễ giáo phong kiến khuôn phép. “Tuy nhiên, dù không chung sống trong một ngôi nhà, người Hà Nội vẫn coi trọng gia đình lớn, thường đoàn tụ vào những ngày cuối tuần, giỗ chạp, đầu Xuân năm mới, hay các sự kiện quan trọng của gia đình, dòng họ” - PGS.TS Nguyễn Toàn Thắng chia sẻ.
Những ngày giỗ Tết luôn được người Hà Nội coi trọng không chỉ vì quan niệm tín ngưỡng tâm linh thờ cúng tổ tiên mà đó còn là cơ hội để những người trong họ tộc gặp nhau, là cơ hội giúp cho thế hệ trẻ nhận biết quan hệ trong dòng họ để ứng xử và giữ mối dây liên hệ gắn bó. Mặc dù cuộc sống phố phường luôn nhộn nhịp, bận rộn và sôi động nhưng người Hà Nội xưa nay vẫn giữ được nét đẹp của cuộc sống tâm linh và cộng đồng đầy tính thiện như: hái lộc đầu Xuân, đi lễ đền chùa cầu an lành, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cho nhân khang vật thịnh; thắp hương thờ cúng tổ tiên, cúng giao thừa, năm mới xông đất chúc tụng nhau, đến Văn Miếu xin chữ Thánh hiền đầu Xuân cho con cháu được khai tâm mở trí, học hành tấn tới…
Người Hà Nội rất sành trong ăn uống, sành trong cách chế biến món ăn ngon đất Kinh kỳ, nâng cách ăn uống thành nghệ thuật ẩm thực Hà thành. Bữa ăn trong gia đình người Hà Nội thường nhiều món ăn mặn, ngọt, chua, cay đều vừa độ, gia vị đầy đủ, nước chấm, nước canh khéo pha chế, bữa ăn ngon từ cách xếp mâm, bãy đĩa, lên cỗ. Người Hà Nội thường thích ăn lấy ngon, sang quý, lịch thiệp để nhớ mãi chứ không “ăn lấy no”. Khi đến bữa ăn, vào mâm cơm, người Hà Nội thường trọng già, quý trẻ, nhường món ngon tiếp cho khách, cách ăn cũng từ tốn, thong thả, không ầm ĩ, ồn ào.
Nhà văn Tô Hoài trong tác phẩm “Chuyện cũ Hà Nội” khi viết về mâm cơm của người Hà thành đã kể khá chi tiết: “Trong cách thức ăn uống, mọi nhà chú trọng quy củ bày biện và cả chỗ ngồi ăn. Trong nhà, không ai bảo ai, nhưng dường như đã chia chỗ, mỗi người đều biết. Ông bà, cha mẹ ngồi trên, anh chị em ngồi giữa lẫn với trẻ con, vợ chồng ý tứ không ngồi bên nhau, cũng như nàng dâu và con gái thì giữ chân đầu nồi xới cơm cho cả nhà… Vào mâm thì ai cũng mời ăn. Mọi người lần lượt mời người cao tuổi trước. Khi ăn phải tránh nhai tóp tép và khi gắp cũng phải để ý “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”.
PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ - nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cũng chia sẻ, gia đình Thăng Long - Hà Nội xưa cũng có những nét tương đồng như các gia đình trong xã hội Việt Nam, có sự mở rộng 3, 4 thế hệ (tam, tứ đại đồng đường cùng chung sống trong một mái nhà) và có cơ sở phát sinh tồn tại xuất phát từ nền kinh tế tiểu nông. Gia đình loại hình này có sự gắn bó cao về tình cảm huyết thống, bảo tồn và lưu giữ những nét văn hóa truyền thống, tập tục, lễ nghi, giữ gìn phát huy gia phong, gia lễ, gia đạo. Một đặc điểm nữa cũng có thể nói là nét tiêu biểu là các gia đình Thủ đô truyền thống rất trọng học thức, hết sức chăm lo và đầu tư cho việc học hành của con cái một cách rất nghiêm túc, chiếm không nhỏ một phần trong chi phí của gia đình.
Mô hình gia đình truyền thống Hà Nội xưa hiện nay vẫn còn tồn tại ở những khu phố cổ Hà Nội hay ở một số làng cổ ngoại thành ven đô với nhiều thế hệ chung sống với nhau. Kế thừa nét đẹp gia đình truyền thống Hà Nội, ngày nay nhiều gia đình vẫn dạy bảo con cháu cốt cách của người Thủ đô, sống có nề nếp, giữ cho mái ấm tình thương, xóm làng hòa thuận, vợ chồng hạnh phúc, chăm chỉ, cần cù nhẫn nại, biết tôn ti trật tự, hành xử văn hóa: “Đói cho sạch, rách cho thơm”, “Giấy rách phải giữ lấy lề”, “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, “Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ”…
TS Nguyễn Viết Chức – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội chia sẻ, nói đến khu “phố Hàng” ở trung tâm thành phố mà người ta quen gọi là khu phố cổ hay khu “36 phố, phường”. Ngày nay, những người sống ở đây nhiều đời được coi là người Hà Nội gốc. Theo nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc thì những ông tổ của những người này thường ở các vùng quê ven đô như Thường Tín, Ứng Hòa, Hà Đông, Hoài Đức… thuộc Hà Tây; những người đến từ các làng nghề ở Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh… Họ đến Hà Nội để làm nghề và bán sản phẩm nghề thường là những sản phẩm do chính mình làm ra. Vì thế, phố Hàng thường là tên sản phẩm như Hàng Cót, Hàng Nón, Hàng Mắm, Hàng Thùng, Hàng Bồ, Hàng Trống… Và thực chất các phố này do chính những người vốn ở làng nghề tụ hội mà thành.
Nhưng sự hình thành ấy theo một quy luật tự nhiên do nhu cầu bán mua mà thành chợ, thành đô thị trong một thời gian dài đủ để con người thích ứng và thay đổi. Nhiều người khi ở Hà Nội thì có phong cách thanh lịch Tràng An, khi về quê lại có phong cách đậm đà bản sắc nơi thôn dã! Sách Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX của Nguyễn Văn Uẩn cũng gọi tên nhiều làng trong phố như Ngọc Hà, Vĩnh Phúc, Kim Mã, Liễu Giai… trong trung tâm quận Ba Đình Hà Nội. Hiện nay, tên những làng ấy đã là tên phố. Những đặc sản như làng hoa Ngọc Hà không còn nữa, nhưng đình, chùa, đền, miếu vốn là thiết chế văn hóa tâm linh nơi làng xóm vẫn tồn tại tự nhiên trên các phố. Chính điều đó và thời gian giúp cho cơn sốc văn hóa gần như ít có biểu hiện tiêu cực trong sự đổi thay và hội nhập.
PGS.TS Nguyễn Toàn Thắng - nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ, Thủ đô là nơi tập trung các nhà trí thức, đặc biệt là các nhà khoa bảng, nho học, nghệ sĩ, các nhà văn hóa, cho nên nhiều gia đình Hà Nội vẫn theo nếp thanh cao, trong sáng về tinh thần và trong ứng xử thì rất lịch sự. Nét thanh lịch này thể hiện ngay trong đời sống hàng ngày. Tại phố cổ Hà Nội thường tập trung gia đình ở cùng làng với nhau, lâu dần tạo nên phố phường. Các gia đình ở cùng một phố coi nhau như hàng xóm, láng giềng gần gũi, trông nom con cái cho nhau khi đi vắng, rất ít khi xung đột, cãi cọ và thường giúp đỡ lẫn nhau như anh em trong nhà.
Gia đình người Hà Nội xưa luôn luôn gắn kết tình làng nghĩa xóm gắn bó, giúp đỡ nhau. Ở dọc những con phố cổ thường có nhiều quán hàng nho nhỏ, người bán hàng thường đun sẵn một âu nước vối đặt ngoài cửa để khách qua đường ai khát thì uống. Hễ có người ăn xin thì các gia đình thường cho tiền, hoặc cho bát loa đựng cơm có đủ thức ăn và có cả thìa, đũa, mang ra cho một cách tử tế. Đó chính là nét thanh cao, lịch thiệp, nhân văn của người Hà Nội. Trong thời bao cấp, tại các khu tập thể mới khu Kim Liên, Thanh Xuân, Trung Tự, Thành Công, Ba Đình… vẫn còn tình làng nghĩa xóm, có bể nước, nhà vệ sinh chung nên tình cảm láng giềng, hàng xóm rất thân mật, giữ được nét thanh lịch.
Tại Hà Nội, quan hệ hàng xóm láng giềng là môi trường “giám sát” các chuẩn mực văn hóa gia đình, để mỗi gia đình giữ được gia phong, tôn ti trật tự của mình trên cơ sở tôn trọng sự khác biệt của mỗi gia cảnh. Người Hà Nội thường có lối sống hướng thiện, bao dung, cho nên mọi gia đình đều cực kỳ chú trọng giáo dục con người. Trong không gian văn hóa Hà Nội xưa, khi gặp gia đình nghèo hơn thì ông bà, cha mẹ nhà giàu sẽ dạy con cháu giữ ý tứ để không tạo nên sự mặc cảm của hàng xóm và lại luôn nhắc đến câu ca dao “Ăn mày là ai, ăn mày là ta/Đói cơm rách áo hóa ra ăn mày” như một triết lý nhân văn sâu sắc của con người.
Cho đến khi Thủ đô mở rộng địa giới hành chính theo Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12, từ 1/8/2008, Hà Nội ôm trọn hai vùng văn hóa lớn: văn hóa Thăng Long và văn hóa xứ Đoài. Giữ gìn và phát triển văn hóa Hà Nội là giữ gìn những tinh túy của văn hóa Thăng Long và sự đa dạng của văn hóa xứ Đoài, vừa có tính kế thừa, vừa có tính phát triển, tạo nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Và hệ giá trị gia đình Thủ đô cũng được vun đắp từ những mạch nguồn văn hóa đặc sắc, đa dạng đó. Nói như GS Nguyễn Huệ Chi, chính môi trường văn hóa Thăng Long - Hà Nội “đã có một ưu thế riêng vừa cải biến nhanh chóng cốt cách của những con người nhập cư, biến họ thành người Hà Nội, vừa chưng cất, tinh lọc mọi sản phẩm mà họ sáng tạo để sớm trở thành những giá trị mới mẻ, khác xa với văn hóa gốc rễ nơi họ ra đời”.
10:16 01/08/2024