Nghị quyết 37-NQ/TW ngày 01/7/2004 của Bộ Chính trị nêu rõ: “… Đảm bảo đủ điều kiện để TP Thái Nguyên phát triển theo hướng bền vững, hiện đại, đậm sắc thái vùng miền, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, giáo dục, y tế, du lịch, dịch vụ của tỉnh Thái Nguyên và vùng trung du miền núi Bắc bộ; để Thái Nguyên thành vùng kinh tế trọng điểm bắc thủ đô Hà Nội và trong tứ giác tăng trưởng về kinh tế ở phía Bắc…”.
Trên cơ sở đó, sau gần 7 năm thực hiện Quy hoạch chung xây dựng TP Thái Nguyên theo Quyết định số 278/2005/QĐ-TTg đến nay đã có nhiều thay đổi về chiến lược phát triển của TP, yêu cầu phải điều chỉnh cho phù hợp nhằm hiện thực hóa những điều chỉnh về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh Thái Nguyên và TP Thái Nguyên trong giai đoạn mới; phù hợp với tính chất, chức năng, quy mô của đô thị loại I, có ảnh hưởng lớn đến sử dụng đất, môi trường, bố cục không gian kiến trúc đô thị; Để TP Thái Nguyên thực sự trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của tỉnh Thái Nguyên và của cả vùng Trung du miền núi Bắc bộ, yêu cầu phải điều chỉnh không gian đô thị cho phù hợp với vị thế mới của TP.
Một góc thành phố Thái Nguyên
Bên cạnh đó, điều chỉnh Quy hoạch chung TP Thái Nguyên sẽ tạo cơ hội tham gia đóng góp của cộng đồng, các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế; Xác lập phong cách khác biệt, nâng cao chất lượng cảnh quan, thẩm mỹ đô thị; Đề xuất các giải pháp gia tăng giá trị di sản, hình thành các dự án trọng điểm có ý nghĩa quốc gia, phát triển không gian một cách hài hòa, nâng cao tính khả thi, phù hợp với xu hướng quy hoạch và các mục tiêu phục vụ lợi ích quốc gia và lợi ích cộng đồng.
Ngoài ra, điều chỉnh Quy hoạch chung TP Thái Nguyên nhằm khắc phục những nhược điểm của các đồ án Quy hoạch chung đô thị trước đây không thực hiện được hoặc triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn.
Theo đó, quy mô TP Thái Nguyên đến năm 2035 được xác định mở rộng diện tích từ 18.970,48ha lên 24.203,48ha. Không gian đô thị phát triển theo các hướng: Phía bắc là cửa ngõ đi các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Cạn và Cao Bằng, mở rộng đến hết xã Sơn Cẩm (huyện Phú Lương); Phía nam không thể phát triển vì đã có các khu chức năng như KCN Sông Công, Yên Bình, Apec…; Phía tây cũng không thể phát triển vì đã có chủ trương thành lập TX Núi Cốc; Phía đông mở rộng trên cơ sở địa giới hành chính của thị trấn Chùa Hang, xã Linh Sơn, xã Huống Thượng (huyện Đồng Hỷ) và xã Đồng Liên (huyện Phú Bình). Lấy sông Cầu là trục chính của không gian đô thị để phát huy thế mạnh của sông Cầu: Khai thác cảnh quan dọc theo 2 bên bờ sông và nâng cao chất lượng môi trường đô thị; Tạo động lực phát triển cho trục hành lang kinh tế đông - tây TP Thái Nguyên.
Theo ông Lê Văn Tuấn - Chủ tịch UBND TP Thái Nguyên, mở rộng không gian đô thị theo hướng văn minh, hiện đại và phù hợp với quy mô, tính chất đô thị của TP Thái Nguyên với các nội dung: Mục tiêu, động lực phát triển; Quy mô dân số; Đất đai; Chỉ tiêu hạ tầng xã hội; Chỉ tiêu, mô hình phát triển; Định hướng phát triển không gian nội thị và khu vực ngoại thị; Các trung tâm chính trị - hành chính, dịch vụ, thương mại, văn hoá, giáo dục đào tạo, y tế, công viên cây xanh, thể dục thể thao cấp vùng; Quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung trên mặt đất, trên cao và ngầm dưới đất; Đánh giá môi trường chiến lược; Kế hoạch ưu tiên đầu tư và nguồn lựa chọn thực hiện đầu tư (theo Luật Quy hoạch).
Để thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2035, TP Thái Nguyên đã lập kế hoạch thực hiện với 5 giai đoạn, triển khai từ quý III/2012 và phấn đấu hoàn thành vào quý II/2014.