Vững vàng tâm thế hội nhập

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tự hào về quá khứ, vui mừng với hiện tại, mỗi người dân hướng tới 71 năm ngày Quốc khánh 2/9 với những kỳ vọng riêng, nhưng trên hết đều mong rằng triển vọng đi lên của đất nước không chỉ dừng lại ở những gì đã và đang có.

Dù đời sống xã hội còn nhiều khó khăn, nhưng cả nước đang vững vàng, đồng tâm hiệp lực theo đuổi con đường phát triển với một tâm thế hội nhập sâu và rộng.

Những dấu mốc đột phá

Ngày 2/9 cách đây 71 năm tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Và từ dấu mốc 71 năm hôm nay nhìn lại, những người dân nước Việt thấy tự hào bởi những thành quả đất nước đã đạt được, đặc biệt qua gần 30 năm đổi mới, kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại…, tất cả “mặt trận” đều phát triển với những triển vọng tốt đẹp, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao.
Đường Vành đai 3 trên cao. Ảnh: Nhật Nam
Đường Vành đai 3 trên cao. Ảnh: Nhật Nam
Có thể nói rằng, sức mạnh tổng hợp của quốc gia đã tăng lên, tạo ra thế và lực mới cho đất nước tiếp tục phát triển với những triển vọng tốt đẹp. Những kết quả này đã trở thành hành trang cho dân tộc vững bước trên con đường hội nhập và phát triển hơn nữa. Điểm lại những thành quả của đất nước, nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ rõ, trước Cách mạng tháng Tám, từ chỗ cả nước chỉ có 200 xí nghiệp, với 90.000 công nhân, số sản phẩm công nghiệp đơn sơ, sản lượng ít ỏi. Đến nay, cả nước có gần 500.000 DN, trong đó có nhiều tập đoàn, tổng công ty lớn, chưa kể đến trên 4,2 triệu cơ sở kinh doanh đơn lẻ... Sản phẩm công nghiệp vừa nhiều gấp bội về số loại, vừa gấp nhiều lần về sản lượng. Lĩnh vực thương mại từ chỗ nhỏ bé và phân tán, đến nay hàng nghìn siêu thị, trung tâm thương mại được hình thành. Nếu như năm 1986, Việt Nam mới chỉ có quan hệ buôn bán với 43 nước thì đến nay đã có quan hệ thương mại đầu tư với trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.

71 năm, việc tăng trưởng kinh tế đã cơ bản gắn kết hài hòa với phát triển văn hóa, xây dựng con người, tiến bộ và công bằng xã hội. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển khá nhanh với nhiều công trình hiện đại, tạo diện mạo mới cho đất nước. Những người từng đi qua 30 năm của công cuộc đổi mới cũng khó hình dung được tốc độ phát triển của những công trình hiện đại hiện nay. Như nguyên Bí thư Thành ủy Phạm Thế Duyệt đã kể: Chỉ nhìn riêng tại Hà Nội, những năm đầu đổi mới, khi đó chỉ có Khách sạn Thắng Lợi là đủ tiêu chuẩn đón khách quốc tế. Song chỉ 10 năm sau năm 1996, Hà Nội đã có gần 20 khách sạn lớn từ 3 - 5 sao. Và đến giờ khó có thể đếm hết những công trình tầm cỡ. Rồi các vành đai 1, 2, 3 và quy hoạch Thủ đô; quy hoạch các khu công nghiệp như Sài Đồng B, A, Nội Bài, Bắc Thăng Long... thực sự đã mang đến cho Thủ đô nói riêng và đất nước một diện mạo mới. Cùng với đó, tiến bộ, công bằng xã hội, phát triển văn hóa và công cuộc xây dựng nông thôn mới đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, còn dưới 6%. Đã có hơn 98% số hộ gia đình được sử dụng điện lưới quốc gia…, đó là điều không dễ dàng gì.

41 năm sau chiến tranh, 30 năm sau đổi mới, Việt Nam đã tiến một bước dài trên con đường hội nhập và phát triển. Việt Nam hiện nay đã trở thành một bộ phận của nền kinh tế toàn cầu với tổng kim ngạch xuất khẩu gần 300 tỷ USD, gấp khoảng 1,5 lần GDP. Việt Nam có quan hệ kinh tế thương mại với hầu hết nền kinh tế trên thế giới, là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư từ hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ với khoảng 20.000 dự án.

Như Trung tướng Nguyễn Quốc Thước (nguyên Tư lệnh Quân khu IV) khẳng định: Sau 30 năm đổi mới nhìn lại, cơ đồ đất nước thật tuyệt vời. Đất nước đã phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, hơn hết là vẫn giữ được độc lập, tự do, chính trị ổn định, cuộc sống bình yên. Nhiều nguyên thủ quốc gia khi sang thăm nước ta có thể thảnh thơi đi dạo trong khung cảnh yên bình buổi sớm. Hình ảnh đó ở nước ngoài hiếm lắm. Nhưng Việt Nam đã làm được, đã tạo được niềm tin cho bạn bè quốc tế.

Và tâm thế hội nhập

Như nhiều chuyên gia nhận định, đổi mới cũng là một chặng đường hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức, theo nguyên tắc và chuẩn mực của thị trường toàn cầu. 71 năm là một giai đoạn lịch sử quan trọng có ý nghĩa trọng đại trong sự nghiệp phát triển của Việt Nam, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Năm 2016, năm đánh dấu một giai đoạn quan trọng của tiến trình phát triển, năm cuối của chặng đường 30 năm đổi mới có ý nghĩa rất quan trọng và là năm triển khai tích cực Cộng đồng ASEAN và thực hiện các hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương một cách đồng bộ, hội nhập sâu rộng; đồng thời cũng là năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016 - 2021.

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn  - Hiệu trưởng ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội): Có thể nói, Việt Nam đã bắt đầu hội nhập quốc tế từ rất lâu, song quá trình hội nhập thực sự vào nền kinh tế thế giới mới diễn ra từ sau Đại hội Đảng VI năm 1986, và đặc biệt là sau dấu mốc Việt Nam trở thành thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 1995. Với hành trình hội nhập trên dưới 20 năm, cho tới nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ thương mại với trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ và tham gia ngày càng sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu. Việt Nam được đánh giá là một nền kinh tế mở và là một trong những quốc gia có mức độ hội nhập tương đối cao trên thế giới. Điều này phản ánh xu hướng chung trên thế giới là xu hướng hội nhập và toàn cầu hóa, đồng thời cũng thể hiện chủ trương của Việt Nam chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực trên tinh thần phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế…

Có thể nói rằng, tâm thế hội nhập đang có ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề, không chỉ hội nhập trong kinh tế, mà cả giáo dục, y tế, nông nghiệp… Các bộ, ngành đã tích cực và chủ động hội nhập quốc tế, trong đó hội nhập quốc tế về kinh tế là trọng tâm, theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 22/NQ-TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế.  Ngay tại Hà Nội, với quyết tâm đi đầu trong tiến trình hội nhập, Hà Nội đã rà soát, sửa đổi và ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển, nhằm tạo môi trường thuận lợi cho các DN thực hiện các hoạt động kinh doanh và đầu tư.

Theo nhận định của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Năm 2015, chúng ta đã gặt hái được rất nhiều hiệp định tự do thương mại quan trọng. Tất cả đối tác kinh tế lớn thì Việt Nam đều có quan hệ thương mại như toàn bộ khối G7, hầu hết các nền kinh tế trong G20 và các đối tác chiến lược lớn của Việt Nam. Qua đàm phán, lợi ích cốt lõi của Việt Nam đều đạt được theo đúng chỉ đạo của T.Ư và Chính phủ.

Tuy nhiên, những khó, khăn thách thức không phải đã hết. Chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng nếu cứ bằng lòng với những thành tựu ấy, so sánh với trình độ phát triển của thế giới thì của Việt Nam là thấp. Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Hiện nay, Việt Nam đứng thứ 14 trên thế giới về dân số nhưng quy mô nền kinh tế chỉ đứng thứ 48 và GDP đầu người xếp thứ 133. Chúng ta phải cố gắng rất nhiều để rút ngắn khoảng cách với thế giới là yêu cầu đặt ra sau 71 năm đất nước độc lập.

Với cương vị là người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất giai đoạn này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh sẽ cùng tập thể Chính phủ kế thừa và phát huy những thành tựu 30 năm đổi mới; tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi; khắc phục hạn chế, yếu kém; vượt qua khó khăn, thách thức; nỗ lực xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ Nhân dân; cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới và tạo điều kiện để tiếp tục phát triển bền vững trong một tương lai xa hơn.

Còn với người dân đón chào ngày Quốc khánh, cũng hy vọng rằng,  phát huy thành tựu kinh tế - xã hội 71 năm qua, thời gian tới, Việt Nam khẳng định tiếp tục hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước gắn với việc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Chủ động hội nhập quốc tế để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nâng cao khả năng cạnh tranh quốc gia, nhưng vẫn phòng ngừa, giảm thiểu tác động tiêu cực của quá trình hội nhập quốc tế.