Đến thăm vườn mận xanh đường của ông Lê Văn Hội (66 tuổi, ngụ ở khóm 7, phường 8, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng), nhiều du khách rất bất ngờ khi ở thành phố có một vườn mận độc đáo trên 22 năm tuổi, cho trái trĩu cành.
Ông Lê Văn Hội kể, lúc trước, gia đình ông trồng nhiều loại mận nhưng khi cho trái, ông nhận thấy chỉ có những trái mận xanh đường là cho trái nhiều, ngọt và giòn. Từ đó, ông bỏ các loại mận kia, giữ và nhân giống loại mận đường xanh trên diện tích 1 ha đất.
Với chất lượng vượt trội, gia đình ông đã mạnh dạn chuyển đổi, mở rộng diện tích cây trồng. Đến nay, khu vườn mận được mở rộng nhân giống, số lượng lên 320 gốc mận.
“Loại mận này cho trái quanh năm nhưng chúng tôi chỉ giữ trái vào 6 tháng mùa khô, còn 6 tháng mùa mưa, nếu cây cho trái thì hái bỏ để dưỡng cây, dồn sức cho mùa nắng. Thời gian thu hoạch mận từ cuối tháng 10 (âm lịch) cho đến gần hết tháng 4 (âm lịch) thì kết thúc mùa vụ mận." - ông Hội chia sẻ.
Theo ông Hội, trái mận xanh đường này có điểm khác biệt với các loại mận xanh khác nếu ai tinh ý sẽ nhận ra, đó là khi mận chín, phần dưới thân mận có màu đỏ tươi rất đẹp mắt, phần đỏ càng nổi bật thì trái mận càng ngọt nhưng mận ngọt theo kiểu ngọt thanh mát, chứ không ngọt gắt.
Mỗi năm, vườn mận xanh cho trái từ 4-6 đợt, mỗi đợt được khoảng 2 tấn trái. Mỗi ngày cung cấp vài trăm ký cung cấp cho thị trường, chủ yếu là thương lái đặt hàng trước. Giá hiện nay giao sỉ là 80.000 đồng/kg, cao hơn các loại mận khác nhưng vẫn không đủ để cung cấp cho khách hàng.
Bên cạnh đó, hàng năm, ông Hội còn nhân giống, cung cấp trên 1.000 cây giống cho nhà vườn với giá từ 150.000-200.000 đồng/nhánh, thu về hàng trăm triệu đồng. Theo tính toán, sau trừ chi phí lợi, mỗi năm, gia đình ông Hội thu nhập hơn 600 triệu đồng/năm.
Để bảo quản vườn mận, gia đình ông Lê Văn Hội đã dùng lưới bao trọn không gian của vườn. Trong quá trình chăm sóc, từ khi ra trái đến thu hoạch, ông áp dụng sản xuất theo hướng VietGap, sử dụng chế phẩm sinh học và không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, ông còn áp dụng công tưới tiêu bằng hệ thống tưới gốc, điều khiển bằng Smartphone, nên sản phẩm làm ra có chất lượng vượt trội. Đến nay, sản phẩm "mận xanh đường Tám Hội" đã có mặt ở các tỉnh ĐBSCL, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương....
Ông Lương Thanh Xiêm - Chủ tịch UBND phường 8 (TP Sóc Trăng) cho biết: Sản phẩm mận đường có màu xanh của ông Lê Văn Hội là một trong những sản phẩm đặc trưng của thành phố Sóc Trăng. Đây là sản phẩm trái cây đầu tiên của thành phố đạt OCOP 3 sao và có mặt tại các dịp Lễ hội trưng bày sản phẩm nông sản, Lễ hội ẩm thực...
Bên cạnh đó, mận xanh đường Tám Hội được hỗ trợ truy xuất bằng mã vạch, đăng ký nhãn hiệu bảo hộ thương hiệu do Cục Sở hữu trí tuệ công nhận, do đó khi đến tay người tiêu dùng hay tại các cửa hàng, siêu thị, sản phẩm được đón nhận bằng uy tín và chất lượng do mỗi sản phẩm, lô hàng đều có tên thương hiệu, tem truy xuất và tem chứng nhận OCOP.