Vướng mắc trong xây dựng giao thông, thủy lợi nội đồng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù TP đã có chính sách hỗ trợ kinh phí đào đắp giao thông, thủy lợi nội đồng khi tiến hành dồn điền đổi thửa (DĐĐT), tuy nhiên việc triển khai trên thực tế tại các địa phương vẫn đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Thiếu nguồn lực

Ngay khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, TP đã chọn DĐĐT là khâu đột phá. Nhằm tạo đòn bẩy giúp các địa phương đẩy nhanh tiến độ DĐĐT, UBND TP đã có Quyết định số 16/2012/QĐ-UBND ngày 6/7/2012 về thí điểm một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn giai đoạn 2012 - 2016. Theo đó, TP sẽ hỗ trợ 70% kinh phí đào đắp giao thông, thủy lợi nội đồng (ngân sách cấp TP hỗ trợ 50% và ngân sách cấp huyện hỗ trợ 20%). Quyết định 16 ra đời đã góp phần không nhỏ giúp các địa phương hoàn thiện hạ tầng phục vụ sản xuất. Mặc dù vậy, chính sách này vẫn đang còn nhiều vướng mắc nhất định.
Vướng mắc trong xây dựng giao thông, thủy lợi nội đồng - Ảnh 1
Một ví dụ điển hình là tại huyện Ba Vì, trong quá trình thực hiện DĐĐT, huyện đã thực hiện đào đắp khối lượng 3,2 triệu mét khối, kiên cố hóa một số tuyến trục chính giao thông, thủy lợi nội đồng. Tổng nhu cầu vốn hơn 438,3 tỷ đồng, trong đó ngân sách TP hỗ trợ theo Quyết định 16 hơn 209,3 tỷ đồng, nhưng đến nay mới cấp được gần 102,8 tỷ đồng. Thêm vào đó, thực hiện Quyết định 16, các xã đã cơ bản hoàn thành đào đắp giao thông, thủy lợi nội đồng trong năm 2013 và đầu năm 2014 theo định mức kỹ thuật quy định tại Văn bản 6549/UBND-NNNT ngày 6/9/2013 của UBND TP. Tuy nhiên, ngày 12/11/2014, UBND TP mới có Quyết định số 5925 quy định suất đầu tư cho đào đắp giao thông, thủy lợi nội đồng là 28,8 triệu đồng/ha, phần còn lại là ngân sách huyện, xã và Nhân dân đóng góp.

Ông Lê Trọng Khuê - Bí thư Huyện ủy Chương Mỹ cũng cho biết, theo quy định, TP hỗ trợ toàn bộ kinh phí đo đạc, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau DĐĐT. Tuy nhiên, đến nay, công tác DĐĐT của huyện đã cơ bản hoàn thành nhưng chưa được bố trí kinh phí nên việc cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp chưa được thực hiện. Bên cạnh đó, do nguồn thu của cấp xã gặp nhiều khó khăn, đấu giá quyền sử dụng đất không thuận lợi nên nguồn kinh phí đối ứng của xã để thực hiện đào đắp giao thông, thủy lợi nội đồng là rất khó khả thi.

Cắt giảm tối đa chi phí

Tính đến nay, toàn TP đã thực hiện DĐĐT được trên 76.500ha, bằng 100,19% kế hoạch. Một số huyện thực hiện DĐĐT vượt kế hoạch TP giao như Ba Vì, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Thạch Thất... Việc hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng sau DĐĐT cũng là một nhiệm vụ quan trọng ở nhiều địa phương nhằm phục vụ tốt hơn cho sản xuất. Để làm được điều này, đại diện nhiều huyện, thị xã kiến nghị TP tiếp tục quan tâm bố trí kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp như kênh mương, đường giao thông, đường điện...

Ông Nguyễn Hải Đăng - Chủ tịch UBND xã Hồng Vân, huyện Thường Tín chia sẻ, thời gian qua, xã đặc biệt quan tâm đầu tư đào đắp, làm mới, mở rộng, bê tông hóa, kiên cố hóa hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng. Tuy vậy, đến nay, số hạng mục chưa đầu tư xây dựng còn nhiều, chưa đồng bộ do kinh phí đầu tư các công trình này rất lớn, vượt quá khả năng của cơ sở. Đại diện Phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn cũng cho biết, theo Quyết định 16, mức đóng góp của Nhân dân vẫn còn cao, trung bình mỗi xã trên địa bàn cần huy động khoảng 8 - 10 tỷ đồng, chưa kể tiền hiến đất làm đường, gây khó khăn cho công tác triển khai.

Theo Sở Tài chính, trong 3 năm qua (2013 - 2015), mặc dù ngân sách TP còn nhiều khó khăn nhưng TP đã ưu tiên bố trí nguồn vốn để bổ sung cho ngân sách huyện, thị xã hỗ trợ các xã thực hiện công tác DĐĐT, bước đầu thực hiện kiên cố hóa giao thông, thủy lợi nội đồng. Tuy nhiên, một số huyện có suất đầu tư cao hơn mức hỗ trợ của TP là do chưa thực hiện cắt giảm tối đa các chi phí như quản lý dự án, tư vấn, giám sát và các chi phí khác. Đây là vấn đề mà các địa phương cần phải rút kinh nghiệm để triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ trong thời gian tới.