Vượt đèn đỏ, hiểm họa khôn lường

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tai nạn và ý thức tham gia giao thông kém là hai trong số các tồn tại về ATGT ở Hà Nội. Trong số những nguyên nhân gây ra TNGT phải kể đến hành động thiếu ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông, đó là vượt đèn đỏ.

Nhanh một giây, chậm cả đời

Hành vi vượt đèn đỏ đã diễn ra từ lâu trên địa bàn Hà Nội. Và không ít lần, những hành vi đó đã gây ra tai nạn thương tâm cho người tham gia giao thông.Ở Hà Nội, cứ chỗ nào có đèn giao thông thì ở đó có hành vi vượt đèn đỏ. Khi có CSGT làm nhiệm vụ tại nút, vi phạm giảm, nhưng khi không thấy lực lượng chức năng thì tình trạng vượt đèn đỏ diễn ra khá phổ biến.

 
Các phương tiện chấp hành đúng tín hiệu đèn góp phần đảm bảo an toàn giao thông tại ngã 4 Chùa Bộc - Thái Hà.     Ảnh: Phạm Hùng
Các phương tiện chấp hành đúng tín hiệu đèn góp phần đảm bảo an toàn giao thông tại ngã 4 Chùa Bộc - Thái Hà. Ảnh: Phạm Hùng
Những khu vực xảy ra tình trạng vượt đèn đỏ nhiều là tại các nút giao cắt lớn như đường Láng - Trần Duy Hưng, Láng - Lê Văn Lương, Lê Văn Lương - Nguyễn Ngọc Vũ, Kim Liên - Đại Cồ Việt… Ở các điểm giao cắt nhỏ hơn thì tình trạng vượt đèn đỏ càng khó kiểm soát hơn vì ở đây ít có sự xuất hiện của CSGT. Ông Trần Văn Long, một người dân sống ở đường Láng cho biết, hàng ngày có rất nhiều hành vi vượt đèn đỏ ở nút Láng - Trần Duy Hưng. Các vi phạm chủ yếu là khi thấy đèn xanh còn 1 giây hoặc đã chuyển sang đèn vàng, thay vì dừng xe trước vạch sơn thì nhiều người điều khiển phương tiện cố tăng ga để vượt. Ngoài ra, còn có một số người chờ đèn đỏ lâu cũng lấn dần ra giữa ngã tư rồi lách qua dòng xe đang cắt ngang để sang đường.

Qua quan sát, chúng tôi đã thống kê được hơn 200 lần phương tiện vượt đèn đỏ chỉ trong một giờ tại nút Ngọc Hà - Đội Cấn, trong đó, có vài vụ va chạm nhẹ xảy ra. Việc vượt đèn đỏ có hệ lụy "lan tỏa", tức là nếu một người vượt đèn đỏ sẽ kéo theo những người khác cũng vượt vì nghĩ rằng "họ vượt được thì mình cũng vượt". Đây là vấn đề không mới nhưng vẫn chưa thể giải quyết tận gốc do số lượng vi phạm quá nhiều, lực lượng CSGT lại khá mỏng nên không thể bao quát hết những điểm giao cắt có đèn giao thông. Đã có rất nhiệu vụ tai nạn thương tâm xảy ra do lỗi vượt đèn đỏ, chỉ vì muốn nhanh vài giây mà có khi chậm cả đời, song dường như chừng đó vẫn chưa đủ để cảnh tỉnh bộ phận ý thức kém. Vượt đèn đỏ có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu xuất phát từ ý thức kém của người tham gia giao thông. Họ thừa biết vượt đèn đỏ là sai, nhưng vẫn vô tư vượt vì tiếc vài giây, vì thấy người khác cũng vượt, và hơn hết là vì không có CSGT ở đó nên vượt. Đó là lối suy nghĩ vô cùng lệch lạc của bộ phận người vi phạm. 
Tăng cường tuyên truyền và xử phạt 

Không khó để thấy rằng, hiện tượng vượt đèn đỏ bừa bãi ở Hà Nội bắt nguồn từ ý thức kém của một bộ phận người tham gia giao thông. Thật vậy, với một vấn đề xuất phát từ ý thức thì chúng ta phải dùng mọi biện pháp giáo dục cho người dân, nhất là thế hệ trẻ để xây dựng một nền tảng ý thức tham gia giao thông an toàn. Đã đến lúc phải thực hiện kiên quyết theo phương châm "luật lệ tạo dựng ý thức" thì mới giải quyết được tận gốc hiện trạng vượt đèn đỏ nhức nhối này. Phạt nguội là phương pháp hữu hiệu mà chúng ta có thể tính đến. Tuy không thể phạt được hết các lỗi vi phạm nhưng cần tuyên truyền sâu rộng các lần xử phạt trong cộng đồng dân cư để răn đe những người ý thức kém. 

Chế tài xử phạt cũng cần được điều chỉnh, hiện, mức phạt cao nhất xử lý hành vi vượt đèn đỏ là 400.000 đồng đối với xe máy còn với ô tô chỉ 1.200.000 đồng, đây là mức phạt chưa đủ tính răn đe. Qua tiếp xúc với một số người bị lập biên bản vi phạm hành chính khi vượt đèn đỏ, không ít người trong số họ có quan niệm chỉ bị phạt có vài trăm ngàn không thấm tháp là bao. Nên chăng, cần tăng mức phạt và kết hợp lao động công ích nhằm giáo dục cho người vi phạm. Đây là biện pháp mà một số nước trên thế giới đã áp dụng thành công. 

Song song với việc tăng mức phạt, cần chú trọng công tác giáo dục ý thức cho người dân gắn với các phong trào, các cơ quan đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội như Đoàn Thanh niên, hội Cựu chiến binh, các tổ chức nghề nghiệp. Một phương pháp làm giảm thiểu hành vi vượt đèn đỏ là đánh vào các mối quan hệ của người vi phạm. Nếu mỗi khi vi phạm vượt đèn đỏ, hành vi đó bị thông báo tới chính cơ quan, đoàn thể hay nơi cư trú của người vi phạm thì tin rằng ý thức của họ sẽ tăng lên và họ không dám vi phạm nữa, vì xét cho cùng, sự xấu hổ cũng là một động lực để nâng cao ý thức của con người.