KTĐT - Theo đó, đối với các nền kinh tế lớn mới nổi, cần tránh tình trạng phát triển quá nóng hoặc bong bóng trong một số lĩnh vực của nền kinh tế.
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Robert B. Zoellick ngày 24/1 khẳng định việc thúc đẩy tiến trình cải tổ cơ cấu phù hợp với mỗi nền kinh tế nhằm thúc đẩy tăng trưởng, tái cân bằng nền kinh tế quốc tế và nguy cơ tăng giá lương thực là những thách thức vĩ mô mà nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt trong năm 2011.
Trả lời phỏng vấn của tạp chí Tuần Tin tức của Mỹ trước thềm Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), dự kiến diễn ra tại Davos, Thụy Sĩ, từ ngày 26-30/1 tới, ông Zoellick cho rằng thế giới cần xử lý linh hoạt và củng cố nền kinh tế toàn cầu - hiện đang phục hồi vừa phải với nhiều tốc độ.
Theo đó, đối với các nền kinh tế lớn mới nổi, cần tránh tình trạng phát triển quá nóng hoặc bong bóng trong một số lĩnh vực của nền kinh tế.
Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) cần khai thông các "tảng băng" nợ chủ quyền có thể hủy hoại khu vực tài chính. Đối với nền kinh tế Mỹ, cần thúc đẩy tạo việc làm mới trong khi ngăn chặn làn sóng tăng chi tiêu cơ cấu và nợ nần.
Về nguy cơ tăng giá lương thực, Chủ tịch WB khuyến cáo các nước thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) cần đặt lương thực là ưu tiên hàng đầu.
Ngoài ra, các nước cần tăng năng suất cây lương thực và sản lượng lương thực, đồng thời phối hợp các biện pháp, giải quyết tốt các vấn đề như quyền sở hữu trí tuệ, nghiên cứu, phát triển hạt giống và đầu vào nông nghiệp, thuỷ lợi, phân bón, tín dụng, cơ sở hạ tầng nông thôn, kho lưu trữ và kết nối thị trường....nhằm đảm bảo các nước dễ bị tổn thương nhất và những người nghèo nhất có đủ lương thực cần thiết cho cuộc sống.
Về phần mình, WB sẽ thúc đẩy đầu tư hỗ trợ các hộ nông dân sản xuất nhỏ.
Ngoài ra, ông Zoellick cũng cho rằng các nền kinh tế đang phát triển hiện đang đứng trước rất nhiều cơ hội. Châu Phi có thể trở thành khu vực kinh tế mới nổi và là một cực tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu trong nhiều năm tới. Các nền kinh tế châu Phi đã liên tục tăng trưởng 5% trong thập kỷ qua và tăng trên 6% trong 3 năm gần đây.
Cùng ngày, ông Charles Dallara, Giám đốc điều hành Viện Tài chính quốc tế (IIF), cho rằng mặc dù trong những tháng gần đây nền kinh tế toàn cầu đã có dấu hiệu phục hồi, song không chắc chắn. Do đó, các nền kinh tế, dẫn đầu là Nhóm G-20, cần hợp tác chặt chẽ nhằm đưa ra các chính sách tỷ giá hối đoái, giảm thâm hụt ngân sách liên bang và nợ công... hiệu quả hơn tại các nước phát triển cũng như kiềm chế lạm phát tại các nền kinh tế đang phát triển.
Các chuyên gia IIF dự báo trong năm nay, các nền kinh tế đang phát triển sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 6,3% và giảm 0,1% trong năm tiếp theo.
Trong khi đó, "Báo cáo Tình báo hàng ngày" của Mỹ ngày 24/1 nhấn mạnh mặc dù đã xuất hiện những gam màu sáng, song bức tranh của nền kinh tế đầu tàu thế giới vẫn khá u ám. Do kiếm được ít tiền hơn, tầng lớp trung lưu ở Mỹ đang phải sống dựa vào các khoản tiết kiệm và đầu tư để tồn tại, trong khi hàng triệu hộ gia đình đang đối mặt với nguy cơ trở thành vô gia cư.
Trong hai năm qua, người tiêu dùng Mỹ đã rút hơn 311 tỷ USD từ các khoản tiết kiệm đầu tư, lớn hơn nhiều so với mức họ gửi vào các ngân hàng. Không chỉ vậy, người dân cũng đang phải gánh lên vai gánh nặng nợ nần ngày càng lớn của chính phủ, trong khi hàng triệu việc làm và các ngành công nghiệp của Mỹ bị chuyển ra nước ngoài.
Liên quan đến triển vọng kinh tế châu Âu, báo cáo mới đây của Hội nghị Thương mại và phát triển của Liên hợp quốc (UNCTAD) cảnh báo nguy cơ xảy ra một chu kỳ khủng hoảng kinh tế mới ở châu lục này, có thể tác động tới phần còn lại của thế giới.
Theo UNCTAD, hiện giữa các nền kinh tế EU có cách biệt khá lớn. Trong khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức đạt 3,4% năm 2010, các nước Ireland, Hy Lạp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha lại đang đứng bên bờ vực vỡ nợ. Mức tăng GDP của khu vực đồng euro dự kiến sẽ chậm lại ở mức 1,3% trong năm 2011, thấp hơn 0,3% so với mức1,6% trong năm 2010.
Tuy nhiên, sẽ có nhiều nước châu Âu tăng trưởng ít hơn và nhu cầu tiêu dùng tại khu vực này cũng sẽ giảm mạnh do các nước buộc phải cắt giảm chi tiêu và tỷ lệ thất nghiệp cao./.