WHO - ứng viên tiềm năng nhất cho giải Nobel Hòa bình năm nay?

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) được cho là ứng viên hàng đầu nhận được giải Nobel Hòa bình 2021, sau 18 tháng đóng góp vào tiến trình chống lại đại dịch Covid-19.

 
Các công ty cá cược Anh Betfair và William Hill ngày 2/10 quy định tỷ lệ đặt cược cho chiến thắng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lần lượt là 4 ăn 5 và 4 ăn 6, cho thấy họ nhận định cơ quan thuộc Liên Hợp Quốc này là ứng viên sáng giá nhất cho giải Nobel Hòa Bình 2021.
Các ứng viên khác được nhà cái xếp tỷ lệ đặt cược cao gồm thủ lĩnh phe đối lập Nga Alexey Navalny, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern và nhà hoạt động môi trường Thụy Điển Greta Thunberg.
Năm ngoái, WHO cũng được đề cử giải Nobel Hòa bình, nhưng giải thưởng danh giá này cuối cùng lại được trao cho Chương trình Lương thực Thế giới, cũng thuộc LHQ, với thành tích hỗ trợ giải quyết vấn đề thiếu đói cho 100 triệu người ở 88 quốc gia khác nhau.
WHO dường như nhận được nhiều sự ủng hộ cho giải Nobel Hòa bình năm nay, sau gần hai năm dẫn dắt thế giới ứng phó với đại dịch Covid-19. Tổ chức này cũng là cơ quan chịu trách nhiệm điều hành Covax, sáng kiến phân phối công bằng vaccine trên toàn cầu.
WHO “vẫn còn gây tranh cãi”
Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều đồng ý rằng WHO xứng đáng với danh hiệu này. Dan Smith, Giám đốc Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, nói với CNN rằng ông sẽ "ngạc nhiên" nếu WHO – cơ quan mà cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc “thân thiết” với Trung Quốc - được chọn, vì vai trò của tổ chức này vẫn còn gây tranh cãi. " Chuyên gia này cũng không dự đoán giải thưởng sẽ thuộc về các nhóm khoa học tham gia nghiên cứu vaccine, vì những cá nhân và nhóm này sẽ được đánh giá ở lĩnh vực giải Nobel Y học.
Thay vào đó, ông Smith liệt kê ba vấn đề chính "có thể thu hút sự chú ý” hơn – đó là nhân quyền, tự do truyền thông và biến đổi khí hậu.
Chia sẻ với CNN, Smith cho biết: “Quyền tự do ngôn luận của các tổ chức truyền thông hoặc một nhà báo xuất sắc (hoặc kết hợp cả hai) có thể là một lựa chọn tốt”, tuy nhiên chuyên gia này cho rằng biến đổi khí hậu là vấn đề ưu tiên lớn trong năm nay. Đáng chú ý là bởi năm 2020 là năm kỷ lục về lũ lụt, hỏa hoạn và băng tan ở vùng cực, cộng với việc tổ chức COP26 sẽ bắt đầu ba tuần sau khi công bố giải thưởng.
 Nhà hoạt động trẻ Greta Thunberg nằm trong số ứng viên cho giải Nobel Hòa bình năm nay. Ảnh: CNN
Ông nói thêm: "Tôi nghĩ rằng triển vọng khả dĩ nhất và cũng rất đáng được mong đợi là trao vinh dự cho các nhà hoạt động biến đổi khí hậu trẻ (bao gồm cả Greta Thunberg nhưng là một trong số rất nhiều người nhận) từ khắp nơi trên thế giới."
Hàng năm, Ủy ban Nobel Na Uy công nhận một cá nhân hoặc tổ chức vì những nỗ lực và hành động xuất sắc của họ trong việc thúc đẩy hòa bình. Trong số 329 ứng cử viên được đề cử năm nay, 234 là cá nhân, trong khi 95 là tổ chức. Kết quả trao giải năm nay sẽ được công bố vào ngày 8/10 tại Viện Nobel Na Uy ở Oslo.
Khi doanh nhân Thụy Điển Alfred Nobel qua đời vào năm 1896 và để lại khối tài sản lớn hàng đầu thế giới lúc bấy giờ, ông tỏ ý số tiền sẽ giành để tài trợ "giải thưởng cho những người mang lại lợi ích lớn nhất cho nhân loại."
Theo di chúc, giải thưởng được trao cho các hạng mục: vật lý, hóa học, y học hoặc sinh lý học, văn học và hòa bình.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần