KTĐT - Mặc dù Ủy ban trên thừa nhận Bộ Thương mại Mỹ đã hành động một cách không nhất quán với các quy định của WTO trong năm yếu tố của vụ kiện, song bác bỏ ít nhất 12 điểm trong lập luận của Trung Quốc.
Ủy ban giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cuối tuần qua đã bác bỏ một phần đơn kiện của Trung Quốc về các biện pháp chống bán phá giá của Mỹ đối với ống thép, lốp và bao tải của Trung Quốc.
Mặc dù Ủy ban trên thừa nhận Bộ Thương mại Mỹ đã hành động một cách không nhất quán với các quy định của WTO trong năm yếu tố của vụ kiện, song bác bỏ ít nhất 12 điểm trong lập luận của Trung Quốc.
Ủy ban này đã yêu cầu Mỹ đưa các biện pháp đã áp đặt đúng với những nghĩa vụ của mình trong các vấn đề đang tranh cãi với Trung Quốc. Hai bên có 60 ngày để kháng lại phán quyết của WTO - phán quyết đã bị trì hoãn gần một năm so với thời hạn được đặt ra, do tính chất phức tạp của vụ kiện.
Bắc Kinh chính thức đệ đơn kiện vào tháng 9/2008, phản đối các mức thuế không công bằng mà Washington đặt ra trong quá trình điều tra các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc. Mỹ đã áp thuế 25% đối với ống thép của Trung Quốc nhằm ngăn chặn hàng giá rẻ tràn vào thị trường.
Tuy nhiên, cuối cùng Mỹ đã giành chiến thắng trong bất đồng thương mại về những nguyên liệu được sử dụng trong rất nhiều sản phẩm từ hệ thống ống nước đến các vật liệu làm hàng rào và lốp xe giá rẻ.
Đại diện Thương mại Mỹ Ron Kirk nói WTO đã bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp và người lao động Mỹ khi ủng hộ các mức thuế mà nước này đặt ra đối với các sản phẩm nhập khẩu của Trung Quốc được trợ giá một cách không công bằng này.
Trung Quốc lập luận rằng Mỹ đã sai lầm khi kết luận các nhà sản xuất Trung Quốc được trợ giá và nói thực chất các công ty này có được nguồn nguyên liệu đầu vào từ các công ty nhà nước hay nhận được các khoản vay từ các ngân hàng nhà nước.
Tuy nhiên, Ủy ban giải quyết tranh chấp của WTO đã bác bỏ điều này. Trong nhiều năm, Bộ Thương mại Mỹ đã không áp đặt thuế bù đắp với hàng hóa của Trung Quốc vì coi đây không phải là nền kinh tế thị trường.
Từ năm 2007, Mỹ đã thay đổi chính sách trong vấn đề này, song quan niệm về nền kinh tế Trung Quốc vẫn không thay đổi, thể hiện trong việc tính toàn các mức thuế chống bán phá giá.
Tăng trưởng thương mại mạnh mẽ của Trung Quốc đã làm gia tăng những bất đồng giữa nước này với Mỹ tại WTO, đặc biệt là về giày và các nguyên liệu thô. Trung Quốc đã đệ bảy đơn kiện lên WTO kể từ năm 2002, trong đó năm đơn kiện chống lại Mỹ.
Washington và Bắc Kinh đã tranh cãi về mức thuế đối với linh kiện ôtô, giấy, công nghệ sạch, thép và thịt gà. Gần đây nhất, hai bên đang vướng vào những bất đồng về chính sách tiền tệ của Trung Quốc.