Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xã hội hóa chi phí cho việc cách ly: Cũng là chung tay chống dịch

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày gần đây, thông tin sẽ có hàng chục ngàn người Việt Nam từ các vùng dịch tiếp tục về nước, tập trung nhất ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thu hút sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là trên mạng xã hội. Bên cạnh những quan ngại về năng lực tiếp nhận, kiểm soát và cách ly những người về từ vùng dịch của các lực lượng chức năng, có một ý kiến được nhiều cư dân mạng bày tỏ. Đó là đề nghị Nhà nước xã hội hóa những chi phí cho việc cách ly, trong đó có yêu cầu người từ nước ngoài về được cách ly phải chi trả toàn bộ hoặc một phần phí tổn của việc này.

 Những người đầu tiên được cách ly theo hình thức có trả phí ở resort Phương Nam, huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: TNO.
Trước tiên, đây là một đề xuất trên cơ sở sự quan tâm, lo lắng về kết quả của công cuộc phòng chống dịch bệnh đang được cả hệ thống chính trị cùng toàn dân ta chung sức, chung lòng quyết tâm thực hiện. Việc người dân san sẻ gánh nặng cho Nhà nước thông qua hình thức xã hội hóa là một cách làm từng được thực hiện trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực an sinh xã hội, giáo dục đào tạo… và đã chứng minh tính hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên, mỗi biện pháp, cách làm đều cần được áp dụng trong những thời điểm nhất định với hoàn cảnh phù hợp. Những ngày này chúng ta luôn nhắc nhau “Chống dịch như chống giặc”. Đó hoàn toàn không phải chỉ là một khẩu hiệu.
Mới đây nhất, Tổng Bí thư- Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ đạo: Ưu tiên tạo mọi điều kiện, nguồn lực để dập dịch. Điều này nhắc nhở mỗi người chúng ta phải suy nghĩ, hành động trong một hoàn cảnh đặc biệt, không thể theo cách nghĩ thông thường. Xuất phát từ quan điểm đó, có thể thấy các biện pháp phòng chống dịch Ccovid-19 mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan chức năng đang áp dụng, trong đó có những chính sách với những người trong diện cách ly như hiện tại là cần thiết, hợp tình, hợp lý. Việc chi trả toàn bộ chi phí cho việc cách ly đến thời điểm này là cần thiết dù tốn kém, là cách làm hiệu quả để ngăn chặn nguồn lây lan của bệnh dịch. Sẽ là tốn kém hơn rất nhiều lần nếu vì việc cách ly không triệt để, bệnh dịch lây lan không được kiểm soát trong cộng đồng. Đây có lẽ cũng là lý do để mà tới thời điểm này, đối với người được cách ly, dù là người Việt Nam trở về từ nước ngoài hay ở trong nước, người nước ngoài ở Việt Nam vẫn được Nhà nước lo toàn bộ chi phí, từ ăn, ở, đi lại đến xét nghiệm, khám, chữa bệnh.
Ở một góc nhìn khác, có một chân lý đã được khẳng định, người Việt Nam, dù ở trong nước hay nước ngoài, đều là một bộ phận máu thịt, là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Và trong thực tế, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, với những đóng góp cả về vật chất lẫn tinh thần cho sự nghiệp chung của đất nước, dân tộc. Vì vậy, không lẽ gì mà đất nước lại không dang tay đón những người con xa xứ trở về trong cơn hoạn nạn.
Tuy nhiên, cũng cần nói thêm rằng, dù ở nước ngoài, không phải ai cũng có điều kiện kinh tế dư dả. Nhiều người cũng rất vất vả trong cuộc mưu sinh. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nói: “Người Việt Nam ở nước ngoài trường hợp thực sự cần thiết phải về nước, thì dù còn nhiều khó khăn nhưng Đảng, Nhà nước và Nhân dân trong nước luôn nỗ lực hết sức để lo cho bà con một cách tốt nhất có thể. Đó là nghĩa đồng bào.”
Trở lại với quan điểm cần xã hội hóa các chi phí cho việc cách ly đối với người trở về từ các quốc gia vùng dịch. Như trên đã nói đây là ý kiến mang tính xây dựng, cần được xem xét cân nhắc. Và trên thực tế, những ngày qua, việc xã hội hóa công tác phòng chống dịch bệnh, cụ thể là đóng góp về tài chính đã được thực hiện. Chỉ riêng việc đóng góp qua chương trình kêu gọi "Toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19" bằng tin nhắn do Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Thông tin - Truyền thông, Bộ Y tế và T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức đã thu được kết quả đáng kể với hàng chục tỷ đồng được ủng hộ chỉ sau một ngày phát động.
Không chỉ có vậy, với mục đích cùng chung tay phòng chống dịch bệnh Covid-19, nhiều resort, khách sạn… đã đăng ký nhận người đến cách ly theo hình thức có trả phí hoặc cho mượn cơ sở lưu trú làm khu cách ly tập trung. Việc này cũng gợi mở một cách làm mới trên cơ sở xã hội hóa. Người cần cách ly có thể sử dụng những điều kiện tốt hơn trên cơ sở tự chi trả kinh phí. Nhà nước sẽ hỗ trợ những điều kiện tối thiểu, cần thiết nhất.
Người Việt Nam có truyền thống tương thân tương ái, sẻ chia đùm bọc. Đó cũng là điều mà chúng ta cần phát huy trong thời điểm đầy khó khăn, thách thức này, cùng nhau vượt qua hoạn nạn, tiếp tục khẳng định hình ảnh tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam trước bạn bè thế giới. Đó cũng là cơ hội để chúng ta thắt chặt thêm khối đại đoàn kết toàn dân tộc, một tài sản vô giá, không thể tính đếm bằng tiền của hay vật chất.