Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xã Ninh Sở, huyện Thường Tín: Tràn lan vi phạm hành lang đê sông Hồng

Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ nhiều năm nay, tuyến đê hữu Hồng chạy qua địa bàn xã Ninh Sở (huyện Thường Tín) tồn tại những bãi tập kết vật liệu xây dựng, nhà xưởng kiên cố mọc tràn lan. Gần đây lại xuất hiện nhiều nhà xưởng mới treo biển chuyển nhượng, cho thuê. Những vi phạm này đã diễn ra từ lâu, nhưng đến nay, chính quyền địa phương và ngành chức năng huyện vẫn loay hoay tìm hướng xử lý.

Một trong số công trình vi phạm hành lang đê sông Hồng tại xã Ninh Sở, huyện Thường Tín. Ảnh: Trần Thụ
Suốt chiều dài gần 3km, mái đê (phía hướng ra sông Hồng) nhà xưởng san sát, cùng với đó là quán bia hơi, nơi kinh doanh vật liệu xây dựng, vườn cây cảnh… Theo tìm hiểu của phóng viên, Ninh Sở có nghề chế biến mây tre đan, đồ gỗ nên nhu cầu về mặt bằng rất lớn, nhưng do người đông, đất chật nên nhiều hộ dân lấy hành lang đê làm nơi sản xuất kinh doanh. Và những sai phạm nêu trên vẫn ngang nhiên tồn tại, nếu có bị xử lý, cũng chỉ được làm qua loa, chính vì vậy sai phạm như "con bệnh bị nhờn thuốc"…
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Sở Đỗ Cao Mạnh cho biết: Từ năm 2012, khi xã tiến hành xây dựng nông thôn mới đã kéo theo nhiều ngành nghề, đòi hỏi phải có mặt bằng sản xuất. Hầu hết nhà xưởng, đất đai ven đê đều có vấn đề, một số công trình lều lán phục vụ sản xuất tồn tại trước giai đoạn 2007 – 2008. Đến giai đoạn 2010, một số chủ công trình phá dỡ, cơi nới rộng ra lấy mặt bằng sản xuất. Một phần đất ngoài bãi của cư dân sinh sống lâu đời đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở cũng được một số hộ cơi nới mở rộng thêm.
Vẫn theo ông Mạnh, với những trường hợp cố tình vi phạm, UBND xã Ninh Sở đã có văn bản báo cáo UBND huyện Thường Tín để có phương án giải tỏa. Cụ thể có 7 trường hợp công trình xây dựng vi phạm hành lang đê, trong đó 2 công trình đã xây dựng xong, 3 trường hợp đã quây tường, san lấp nền, 2 trường hợp san đất đổ sân bê tông, 20 trường hợp công trình xây trên đất thổ cư, xen đất lấn chiếm, xã đã lên danh sách, sàng lọc để xử lý.
5 trường hợp xây dựng trên đất nông nghiệp (gồm hộ bà Đặng Thị Khoa, Đặng Văn Hữu, Phạm Văn Đông, Lê Thành Lý, Phạm Thị Anh ở thôn Sở Hạ) phải tự tháo dỡ trước 30/4, nếu không sẽ bị cưỡng chế… Tuy nhiên, ông Mạnh cũng thẳng thắn khi cho rằng: “Với 5 trường hợp này, chắc chắn chính quyền phải tổ chức cưỡng chế chứ người ta làm ra một công trình như thế mà bảo tự giải tỏa tháo dỡ thì khó lắm…”.
Báo Kinh tế & Đô thị sẽ tiếp tục thông tin sự việc này.

Điều 23 (Luật Đê điều năm 2006), phạm vi bảo vệ đê điều được quy định như sau:
1. Phạm vi bảo vệ đê điều bao gồm đê, kè bảo vệ đê, cống qua đê, công trình phụ trợ và hành lang bảo vệ đê, kè bảo vệ đê, cống qua đê. 2. Hành lang bảo vệ đê được quy định như sau: a) Hành lang bảo vệ đê đối với đê cấp đặc biệt, cấp I, cấp II và cấp III ở những vị trí đê đi qua khu dân cư, khu đô thị và khu du lịch được tính từ chân đê trở ra 5m về phía sông và phía đồng; hành lang bảo vệ đê đối với các vị trí khác được tính từ chân đê trở ra 25m về phía đồng, 20m về phía sông đối với đê sông, đê cửa sông và 200m về phía biển đối với đê biển…