Xã Thanh Trì: phát huy truyền thống, khai thác lợi thế để bứt phá
Kinhtedothi-Nằm ở vị trí chiến lược - cửa ngõ phía Nam của Thủ đô, xã Thanh Trì mới với những lợi thế đặc biệt về giao thông, thương mại và dịch vụ. Đây sẽ là nơi tinh hoa hội tụ, nơi truyền thống được giữ gìn và phát huy, đồng thời là động lực mạnh mẽ để kiến tạo một tương lai thịnh vượng.

Trụ sở Đảng ủy - HĐND - UBND xã Thanh Trì.
Vùng đất giàu tiềm năng
Xã Thanh Trì được hình thành trên cơ sở nhập phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của các xã: Tứ Hiệp, Yên Mỹ, Ngũ Hiệp (huyện Thanh Trì); một phần diện tích tự nhiên và dân số của thị trấn Văn Điển, xã Duyên Hà, xã Vĩnh Quỳnh, thôn 4 xã Vạn Phúc (huyện Thanh Trì); phường Yên Sở (quận Hoàng Mai). Với diện tích tự nhiên 10,15km², quy mô dân số 55.378 người, xã Thanh Trì giáp các phường, xã: Bát Tràng, Đại Thanh, Ngọc Hồi, Nam Phù, Pháp Vân - Cầu Giẽ, Yên Sở, Lĩnh Nam.
Nằm trên trục kết nối các tuyến giao thông: đường Vành đai 3, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, quốc lộ 1A, tuyến đường sắt Bắc - Nam và gần bến xe Nước Ngầm, vị trí này giúp xã Thanh Trì trở thành đầu mối giao thông, trung chuyển hàng hóa, hành khách giữa Hà Nội và các tỉnh phía Nam, phía Đông Bắc Bộ. Xã cũng là nơi hội tụ nhiều cơ quan hành chính, trung tâm nghiên cứu, bệnh viện tuyến trung ương và các khu đô thị mới hiện đại.

Cổng làng Yên Mỹ, xã Thanh Trì.
Về kinh tế, xã Thanh Trì có cơ cấu kinh tế đa dạng theo hướng thương mại - dịch vụ, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Một trong những trụ cột kinh tế chủ yếu của xã Thanh Trì là thương mại - dịch vụ, lĩnh vực đang phát triển nhanh nhờ lợi thế giao thông vượt trội. Các tuyến đường lớn như cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, quốc lộ 1A, đường vành đai 3 và tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua địa bàn đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành các trung tâm logistics, kho bãi, vận tải hàng hóa và dịch vụ giao nhận. Khu vực Văn Điển, Tứ Hiệp, Yên Sở hiện là nơi tập trung nhiều chợ dân sinh, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, ngân hàng và các cơ sở dịch vụ hỗ trợ đời sống, góp phần tạo ra diện mạo đô thị sầm uất và năng động.
Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp giữ vai trò quan trọng, đặc biệt là tại các khu vực Yên Mỹ, Ngũ Hiệp, Vĩnh Quỳnh, nơi vẫn duy trì các cơ sở sản xuất nhỏ như cơ khí, vật liệu xây dựng, gia công cơ khí, mộc dân dụng. Đặc biệt, Nhà máy phân lân Văn Điển một trong những nhà máy phân bón quy mô lớn là điểm sáng trong lĩnh vực công nghiệp, vừa tạo việc làm, vừa đóng góp cho ngân sách.
Hiện nay, nhiều diện tích đất nông nghiệp đang được chuyển đổi theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, bên cạnh đó chuyển đổi đất từ mục đích nông nghiệp sang đất dịch vụ là một xu hướng phát triển nhằm thúc đẩy sự đa dạng hóa sử dụng đất và tăng giá trị kinh tế cho khu vực.
Cơ hội bứt phá
Xã Thanh Trì là vùng đất giàu truyền thống lịch sử - văn hóa, nơi hội tụ nhiều di tích lịch sử đã được xếp hạng cấp TP và quốc gia, phản ánh rõ nét bề dày văn hóa của vùng đất ven sông Hồng. Trên địa bàn hiện có nhiều đình, chùa, miếu mạo cổ kính gắn liền với các giai thoại lịch sử, truyền thuyết dân gian và tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng. Tiêu biểu như đình Ba Dân, đình Tự Khoát, đình Hữu Thanh Oai - là nơi tưởng niệm những nhân vật có công lớn với dân, với nước. Ngoài ra, nhiều chùa cổ như chùa Yên Sở, chùa Tứ Hiệp, chùa Vĩnh Quỳnh cũng là không gian tâm linh và sinh hoạt tín ngưỡng của người dân.

Vùng đất trù phú.
Về y tế, xã Thanh Trì gồm hai bệnh viện tuyến trung ương là Bệnh viện Nội tiết Trung ương cơ sở 2 và Bệnh viện Nông Nghiệp, đóng vai trò quan trọng trong chăm sóc sức khỏe cho người dân địa phương và người dân ở khu vực phía Nam Thủ đô. Bên cạnh đó, các trạm y tế tại các đơn vị hành chính cũ (như Văn Điển, Tứ Hiệp, Ngũ Hiệp…) vẫn tiếp tục phát huy hiệu quả trong công tác y tế dự phòng, tiêm chủng, khám chữa bệnh ban đầu và phòng chống dịch bệnh.
Về giáo dục, hệ thống trường học từ mầm non đến THCS của xã Thanh Trì được phân bổ tương đối đều giữa các khu dân cư. Một số trường như Trường Tiểu học Tứ Hiệp, THCS Văn Điển, Tiểu học Vĩnh Quỳnh đã đạt chuẩn quốc gia và có cơ sở vật chất khang trang, đội ngũ giáo viên chất lượng. Đặc biệt, xã còn có lợi thế lớn khi gần các trường đại học và các trung tâm giáo dục lớn của nội đô, tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận môi trường học tập chất lượng cao và đa dạng ngành nghề.

Xã Thanh Trì với những cơ hội bứt phá.
Với những chủ trương, chính sách phù hợp tình hình thực tế cùng sức mạnh từ sự đồng thuận giữa ý Đảng - lòng dân, xã Thanh Trì đã và đang bắt tay vào vận hành nhịp nhàng, đồng bộ, thông suốt hoạt động theo yêu cầu mới của chính quyền địa phương hai cấp với khí thế, niềm tin và khát vọng cống hiến để xây dựng xã trở thành một địa phương năng động, hiện đại trong tương lai không xa; chung tay cùng Thủ đô và đất nước vững vàng bước sang kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Xã Thanh Trì: Tư duy mới, hành động mới vì Nhân dân phục vụ
Kinhtedothi-Sau khi chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp từ ngày 1/7, xã Thanh Trì đã nhanh chóng ổn định tổ chức, hoạt động bộ máy đi vào nền nếp, bước đầu tạo chuyển biến tích cực trong phục vụ Nhân dân. Đây là bước chuyển mình quan trọng hướng tới một nền hành chính hiện đại, minh bạch, gần dân và vì dân.

Xã Thanh Trì: lấy hiệu quả phục vụ Nhân dân làm mục tiêu cao nhất
Kinhtedothi-Ngày 1/7, HĐND xã Thanh Trì tổ chức Kỳ họp thứ nhất HĐND xã khóa I, nhiệm kỳ 2021-2026. Đây là kỳ họp đặc biệt, diễn ra trong ngày đầu tiên thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Giám đốc Sở Tài Chính Hà Nội dự lễ trao các quyết định về công tác cán bộ tại hai xã Thanh Trì, Đại Thanh
Kinhtedothi-Chiều 30/6, cùng với việc trao các quyết định của TP Hà Nội về công tác cán bộ tại xã Nam Phù, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Lưu đã dự chủ trì lễ trao các quyết định về công tác cán bộ tại hai xã Thanh Trì và Đại Thanh.